Phú Yên: Giải quyết căn bản bất bình đẳng đối với phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số

Minh Trang
07/12/2022 - 13:54
Phú Yên: Giải quyết căn bản bất bình đẳng đối với phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số

Phú Yên là địa phương có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống

Dự án 8 được kỳ vọng sẽ là cơ hội để thúc đẩy một cách mạnh mẽ và tạo sự chuyển biến nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết một cách căn bản bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Phú Yên.

Hội LHPN tỉnh Phú Yên vừa tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021 - 2025).

Tại hội nghị, các đại biểu đã được giới thiệu tổng quan về Dự án, hướng dẫn thực hiện giám sát, đánh giá Dự án 8, hướng dẫn thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, được hướng dẫn, giải đáp các thắc mắc về thực hiện quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện dự án. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã thảo luận, trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là công tác lập dự toán, thanh quyết toán.

Phú Yên: Giải quyết căn bản bất bình đẳng đối với phụ nữ và trẻ em gái dân tộc  - Ảnh 1.

Hội nghị tập huấn triển khai thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em"

Dự án 8 tập trung tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục lạc hậu và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em.

Đồng thời, đảm bảo tiếng nói và sự tham gia của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị. Trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.

Phú Yên: Giải quyết căn bản bất bình đẳng đối với phụ nữ và trẻ em gái dân tộc  - Ảnh 2.

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số

Tại Phú Yên, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện giai đoạn I, từ năm 2021-2025 tại 4 đơn vị cấp huyện tham gia dự án gồm: Sông Hinh, Sơn Hòa, Tây Hòa và Đồng Xuân và 15 đơn vị cấp xã.

Các huyện được phân bổ kinh phí để triển khai các hoạt động; chủ động lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án, dự án của địa phương, đơn vị và phối hợp với các ban, ngành để xây dựng mô hình, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình và vận động nguồn lực trong chính hội viên, phụ nữ để chị em phát huy tiềm năng, nội lực trong triển khai các hoạt động của dự án.

Phú Yên: Giải quyết căn bản bất bình đẳng đối với phụ nữ và trẻ em gái dân tộc  - Ảnh 3.

Hội LHPN tỉnh Phú Yên tham gia lớp tập huấn triển khai Dự án khu vực miền Trung do Hội LHPN Việt Nam tổ chức

Đến năm 2025, tỉnh Phú Yên đặt mục tiêu sẽ đạt được các chỉ tiêu cơ bản của Dự án 8 gồm: 63 Tổ truyền thông cộng đồng được thành lập và duy trì hoạt động; 21 tổ tiết kiệm vay vốn thôn buôn được củng cố, nâng cao chất lượng/hoặc thành lập mới và duy trì. Trên cơ sở tổ tiết kiệm vay vốn thôn buôn thí điểm hỗ trợ giới thiệu 15% thành viên tổ hiện có tiếp cận với các định chế tài chính chính thức; thí điểm hỗ trợ 15% thành viên của tổ hiện có phát triển sinh kế; thí điểm 13 tổ áp dụng phương pháp học tập và hành động giới.

Ngoài ra, 6 tổ/nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ (tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã) ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường; 8 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng được củng cố, nâng chất lượng trên cơ sở mô hình hiện có/hoặc thành lập mới; 80% phụ nữ thuộc nhóm dân tộc có tỷ lệ sinh con tại nhà cao được tuyên truyền, vận động, tư vấn kiến thức và tiếp cận với dịch vụ sinh đẻ an toàn.

Phú Yên: Giải quyết căn bản bất bình đẳng đối với phụ nữ và trẻ em gái dân tộc  - Ảnh 4.

Thiếu nữ Ê Đê ở Phú Yên trong trang phục truyền thống

13 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi của trẻ em được thành lập, nâng cao năng lực và hỗ trợ tổ chức hoạt động; 31 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản được tổ chức tại các địa bàn đặc biệt khó khăn; 30 cán bộ nữ dân tộc thiểu cấp huyện, cấp xã gồm cán bộ nữ trong quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, cán bộ nữ mới bổ nhiệm, cán bộ nữ mới trúng cử lần đầu.

Bà Lê Đào An Xuân - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phú Yên - bày tỏ mong muốn việc triển khai thực hiện Dự án 8 trên địa bàn tỉnh sẽ là cơ hội để thúc đẩy một cách mạnh mẽ và tạo sự chuyển biến nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết một cách căn bản bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Góp phần vào mục tiêu thúc đẩy "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" trên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Phú Yên.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm