Khánh Sơn (Khánh Hòa): Đẩy nhanh tiến độ triển khai các hoạt động thuộc Dự án 8

Minh Trang
04/12/2022 - 19:29
Khánh Sơn (Khánh Hòa): Đẩy nhanh tiến độ triển khai các hoạt động thuộc Dự án 8

Trang phục truyền thống của người dân tộc Raglai trên địa bàn huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa

Mới đây, Hội LHPN huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các hoạt động thuộc Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, Hội LHPN huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực lồng ghép giới; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ; hướng dẫn xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, kết nối thị trường nhằm tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Bên cạnh đó, tổ chức tọa đàm, đối thoại về các chế độ chính sách xã hội đối với phụ nữ tại 8/8 xã, thị trấn; lớp tập huấn truyền thông cộng đồng; tập huấn xây dựng các mô hình sinh kế; thành lập và ra mắt các tổ truyền thông cộng đồng; thành lập mô hình "Thủ lĩnh của sự thay đổi" trong trường học; giao lưu chia sẻ kinh nghiệm các mô hình.

Đồng thời, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 2 cuộc thi sân khấu hóa gồm hội thi "Xóa bỏ định kiến giới" xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em năm 2022; và hội thi phòng chống bạo lực gia đình. Ngoài ra, còn ra mắt các địa chỉ an toàn thí điểm tại 3 đơn vị (Sơn Lâm, Ba Cụm Bắc, Tô Hạp); tổ chức hội nghị đối thoại với lãnh đạo các ban ngành cấp huyện.

Theo Hội LHPN huyện Khánh Sơn, chuỗi hoạt động thuộc Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" được triển khai, tổ chức thực hiện nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em tại các xóm, xã đặc biệt khó khăn góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Hội viên, phụ nữ dân tộc sản xuất phát triển kinh tế

Tính đến cuối năm 2021, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025, huyện Khánh Sơn còn 3.530 hộ nghèo (chiếm 47,43%) và 1.405 hộ cận nghèo (chiếm 18,88%). Thời gian qua, huyện đã triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chính sách cho người nghèo, người dân tộc thiểu số. Huyện đã xây dựng đề án giảm nghèo giai đoạn 2022-2025 với tổng kinh phí dự kiến thực hiện hơn 1.446 tỉ đồng.

Trong những năm qua, Hội LHPN huyện Khánh Sơn đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả; thường xuyên vận động hội viên, phụ nữ phát huy nội lực, đẩy mạnh xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế, qua đó giúp nhiều hội viên, phụ nữ; đặc biệt là phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Khánh Sơn (Khánh Hòa): Đẩy nhanh tiến độ triển khai các hoạt động thuộc Dự án 8 - Ảnh 3.

Nhiều hội viên, phụ nữ dân tộc trên địa bàn là gương điển hình trong làm kinh tế giỏi

Thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế; chỉ đạo các cấp hội rà soát địa chỉ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, xác định nguyên nhân đói nghèo để giúp đỡ. Đồng thời, phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất; phối hợp với các phòng, ban trong huyện mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi... nhằm giúp hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Tỉnh Khánh Hòa có 35 dân tộc thiểu số với số dân trên 72.000 người, nhiều nhất là dân tộc Raglai (chiếm hơn 77%), định cư tập trung tại hai huyện miền núi là Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. HĐND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu của tỉnh trong chương trình là thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả tỉnh, cả nước; phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng hơn 2 lần so với năm 2020 (28 triệu đồng/người/năm); giảm 50% số xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm