Làm gì để hạn chế sự bùng phát các bệnh truyền nhiễm cho cộng đồng?

Bá Lân
17/12/2020 - 17:07
Theo khuyến cáo của các chuyên gia dịch tễ, sự gián đoạn của các chương trình tiêm chủng vaccine trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp có thể làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng.

Các chuyên gia dịch tễ cho rằng, sự gián đoạn của các chương trình tiêm chủng vaccine do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang là vấn đề y tế đáng báo động. Sự gián đoạn này có thể làm gia tăng số người mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác và có khả năng làm tăng nguy cơ bùng phát thành các làn sóng dịch bệnh trong cộng đồng, tạo nên gánh nặng kép bên cạnh Covid-19.

Theo cảnh báo mới nhất từ GAVI, WHO và UNICEF, có tối thiểu 80 triệu trẻ em dưới 1 tuổi ở 68 quốc gia đang có nguy cơ mắc các bệnh như bạch hầu, sởi và bại liệt do các chương trình tiêm chủng đang bị gián đoạn vì Covid-19. Nếu không được tiêm chủng, tiêm thiếu mũi hoặc tiêm muộn so với lịch khuyến cáo, trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ. Điều này đe dọa đến thành tựu của toàn nhân loại trong nhiều năm nỗ lực chống lại các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa bằng vaccine.

Nguyên nhân của việc trì hoãn tiêm chủng hiện nay phần lớn xuất phát từ việc người dân lo ngại bị lây nhiễm Covid-19 tại những nơi tập trung đông người, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc tiêm vaccine để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS. BS Trần Trần Ngọc Hữu - Nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - cho biết, tiêm ngừa vaccine được chứng minh là phương pháp hữu hiệu nhất để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Bản chất việc tiêm chủng là sử dụng vaccine để kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Đến nay đã có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa vaccine vào sử dụng phổ cập cho người dân.

Làm gì để hạn chế sự bùng phát các bệnh truyền nhiễm cho cộng đồng? - Ảnh 1.

PGS. TS. BS Trần Trần Ngọc Hữu - Nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - chia sẻ tại tọa đàm báo chí với chủ đề “Tầm quan trọng của việc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm trong bối cảnh Covid-19”.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, để đảm bảo sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng trong bối cảnh dịch Covid-19, người dân cần tuân thủ lịch tiêm vaccine để tiêm đủ mũi, đủ liều và đúng lịch trình. Đặc biệt, cần lưu ý các mốc tiêm chủng quan trọng cho các đối tượng đặc biệt nhạy cảm như trẻ em bao gồm: 12 tháng đầu đời - đây là giai đoạn quan trọng khi trẻ được tiêm hầu hết các mũi vaccine cơ bản cần thiết; Năm tuổi thứ hai đến trước 4 tuổi là giai đoạn hoàn tất các mũi tiêm cơ bản cần thiết và những mũi tiêm nhắc đầu tiên để củng cố miễn dịch; Tuổi tiền học đường là giai đoạn quan trọng tiếp theo củng cố miễn dịch nhằm bảo vệ cho trẻ trước khi bước vào môi trường mới.

Bên cạnh đó, người lớn và người già vẫn có nguy cơ cao bị ảnh hưởng sức khỏe từ các bệnh lây nhiễm nếu không được tiêm phòng các bệnh cần thiết như: Cúm mùa, thủy đậu, bệnh do phế cầu… theo sự hướng dẫn từ các chuyên gia y tế. Một số bệnh như cúm mùa có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi và các hệ lụy không ngờ đến như đau tim và đột quỵ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm