pnvnonline@phunuvietnam.vn
Làm gì để thị trường heo thịt giảm nhiệt?
Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân.
"Ép" giá thịt heo là đi ngược với quy luật cung cầu thị trường
Chuyên gia kinh tế - tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân phân tích, thịt heo tăng giá có rất nhiều nguyên nhân mà có thể kể đến là dịch heo tai xanh năm 2019 - đã khiến hầu như tất cả chủ trại chăn nuôi thiệt hại nặng nề. Sau đợt dịch, người nuôi heo rất lo ngại để tái đàn. Nguồn cung heo thịt không đủ để đáp ứng nhu cầu cho thị trường dẫn đến giá tăng cao.
Chu kỳ heo trưởng thành từ 5-6 tháng nên để tái đàn cung cấp con giống cho thị trường cũng chỉ đủ một phần. Giá cả con giống tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với trước đã làm giá thành heo hơi tăng, dẫn đến giá thịt heo tăng.
Tiến sĩ Nhân nhận định về việc gầy giống, tái đàn đối với chủ trại là quá khó. Người chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề từ các đợt dịch trước, mất vốn, "treo chuồng" nên không còn vốn để đầu tư. Hàng loạt chủ trại heo mất vốn và thậm chí phá sản bởi dịch bệnh.
Từ những phân tích trên, tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân đặt câu hỏi, nguồn vốn ở đâu để người chăn nuôi có thể tái đàn, cung cấp cho thị trường heo thịt trong 6 tháng tới? Tiến sĩ Nhân đưa ra cảnh báo, giá thịt heo ở thời điểm Tết Nguyên đán sắp tới có khả năng còn tăng cao là điều khó tránh khỏi.
Ngoài câu chuyện con giống thì giá thực phẩm để nuôi heo tăng cao. Các nhu cầu này đẩy vào giá thành để làm cho giá thịt heo tăng đột biến. Do đó, nhận định về giá thịt heo tăng hiện nay có cao hay không là do tùy ý kiến chủ quan của mỗi người.
Tiến sĩ Nhân cho rằng, giá heo thịt bị điều tiết bởi cơ chế thị trường nên tìm mọi cách để "ép" giá xuống là điều hoàn toàn không thể. Nếu giá heo hơi trên thị trường đang ở mức 100 ngàn đồng/kg thì không thể tìm cách "đè" xuống còn 60-70 ngàn đồng/kg. Đây là điều đi ngược lại với quy luật cung - cầu trong nền kinh tế.
Giảm giá thịt heo trong ngắn hạn chỉ bằng… "niềm tin"
Các nhà quản lý kinh tế nếu tìm mọi cách để đưa ra chính sách "khống chế" giá thịt heo xuống thấp sẽ làm cho các chủ trại nhanh chóng phá sản. Đàn heo giống khó phục hồi và nguồn cung thịt heo sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà nhập khẩu từ nước ngoài.
Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân đưa ra biện pháp "chữa cháy" trong thời gian này là nhập thịt heo giá rẻ từ nước ngoài và chỉ nhập có thời hạn nhất định để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân. Đối với thị trường cung ứng thịt heo trong nước, cần xúc tiến nhanh việc gầy giống, tái đàn.
Để gầy giống, tái đàn thì nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ cho chủ trại vay vốn với lãi suất ưu đãi nhằm mạnh dạn đầu tư. Tiến sĩ Nhân lấy ví dụ về "thủ phủ" thịt heo là tỉnh Đồng Nai, người nuôi heo rất cân nhắc khi đầu tư vào chuồng trại do không thể dự đoán trước tình hình dịch bệnh có thể ập đến bất cứ lúc nào?
Người chăn nuôi lo sợ dịch bệnh, nguồn vốn không có và chính sách dành cho người dân mua lợn giống để tái đàn chưa hoàn thiện thì điều kiện căn cơ giảm giá thịt heo còn lại chỉ bằng… "niềm tin". Trong chính sách kinh tế thị trường, nhà nước áp dụng chính sách vĩ mô để phát triển kinh tế chứ không thể dùng chính sách để "ép" giá cả một mặt hàng theo ý muốn.
Tiến sĩ Nhân dự báo, chỉ còn hơn 7 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng người chăn nuôi vẫn loay hoay tìm con giống để tái đàn thì giá thịt heo vẫn còn tăng cao là điều không thể tránh khỏi. Song song với hỗ trợ vốn cho người chăn nuôi, các cơ quan thú y cần có biện pháp theo dõi, kiểm tra, giám sát để phòng ngừa dịch bệnh ngay từ đầu.