pnvnonline@phunuvietnam.vn
Làm gì để tránh rủi ro và vi phạm khi tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội?
Ảnh minh họa
Chị Hồng Liên (TP Hải Dương) chia sẻ: Tham gia nhóm thư giãn dành cho chị em trên facebook, chị chỉ chia sẻ vài hình ảnh về nhà cửa, gia đình cho vui. Nhưng chỉ vài tiếng sau, những thông tin về địa chỉ, gia cảnh, công việc của chị và người thân đã trở thành đề tài bàn tán rôm rả của hàng trăm nick trên nhóm.
Còn chị Bích Hằng (Q.Ba Đình, Hà Nội), vì bất đồng quan điểm với người quản trị (admin) một nhóm mua - bán trên mạng xã hội, chị đã bị vô số thành viên trong nhóm "đánh hội đồng" bằng những comment, lời lẽ khó chịu. Thậm chí, trang fanpage cửa hàng thời trang do chị Hằng quản lý đã bị các thành viên trong nhóm cùng nhau đánh giá 1 sao. Tài khoản facebook của chị cũng bị đánh sập.
Những câu chuyện như của chị Liên, chị Hằng là chuyện xảy ra thường xuyên tại nhiều hội nhóm trên mạng xã hội. Chuyên gia công nghệ thông tin Lê Ngọc Thắng (Phòng nghiên cứu an toàn hệ thống công nghệ thông tin, Viện Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, chị em có thể gặp phải một số rắc rối sau đây khi tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội.
Đầu tiên là bị lộ các thông tin cá nhân. Bạn nên nhớ, mạng xã hội tuy ảo nhưng lại là thật. Dù bạn có thiết lập chế độ bảo mật hay hạn chế người xem thì với sự trợ giúp của các công cụ tìm kiếm, người ta vẫn có thể tìm được đầy đủ các thông tin mà bạn chia sẻ trên internet. Không chỉ thông tin cá nhân của bạn và những người liên quan, mà đôi khi, do vô tình, bạn còn có thể để lộ các thông tin của công ty, cơ quan, thậm chí cả các bí mật công việc, kinh doanh... thông qua các hình ảnh hay dòng trạng thái mà bạn chia sẻ, có thể gây tổn thất cho cả tập thể.
Môi trường giao tiếp dễ dàng, thuận tiện nhưng nguy cơ mất an toàn, an ninh tại các hội nhóm rất cao. Hệ thống quản trị của các mạng xã hội và hội nhóm có thể thu thập thông tin cá nhân, tính cách, thói quen của khách hàng để bán lại cho bên thứ 3. Mặt khác, việc muốn chia sẻ, thể hiện bản thân cũng là điều kiện để các thông tin cá nhân bị người khác lợi dụng vào các mục đích xấu.
Bên cạnh đó, với sự bùng nổ của các hội nhóm đang hoạt động tràn lan trên các trang mạng xã hội hiện nay, không phải hội nhóm nào cũng là địa chỉ để học hỏi, giải trí, chia sẻ thông tin lành mạnh. Nếu vô tình tham gia những hội nhóm thành lập có mục đích không tốt, bạn lại không dễ nhận biết thì có thể bị lôi kéo, sa đà vào những luồng thông tin chưa được kiểm chứng, bị rủ rê, lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, rơi vào những bẫy đã giăng ra.
Tại hội nhóm, đối tượng tham gia rất đa dạng, khác nhau về tuổi, dân tộc, tôn giáo, trình độ học vấn, văn hóa, tính cách, sở thích... Nguy cơ mâu thuẫn, xung đột về quan điểm giữa các thành viên trong nhóm hay giữa nhóm này với nhóm khác vẫn rất cao, có thể khiến bạn mất nhiều thời gian nhận xét, đánh giá, bình chọn và gây phiền toái.
Nên làm gì?
Tham gia hội, nhóm giúp bạn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức, thông tin... nhưng để phòng tránh rủi ro và tham gia một cách an toàn, văn minh, bạn nên tuân thủ một số cách giao tiếp, ứng xử trên mạng xã hội. Cụ thể:
- Có quan điểm, thái độ và hành vi phù hợp với luật pháp hiện hành: Mạng xã hội dù là một diễn đàn, sân chơi lớn, đa dạng, mức độ tự do cao nhưng phải chịu sự quản lý của các quốc gia. Luật An ninh mạng được Quốc hội Việt Nam ban hành tháng 6/2018 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 đã có quy định nghiêm cấm các hành vi sử dụng không gian mạng để vi phạm pháp luật.
- Tự chủ, giữ bảo mật thông tin cá nhân: Khi tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội, cần giữ quan điểm độc lập, không bị lôi kéo theo các xu hướng (trend) phản giá trị chân - thiện - mỹ. Đồng thời, bạn cũng cần chú trọng việc bảo mật, chủ động giữ các thông tin, hình ảnh, cảm xúc có tính riêng tư trong chế độ chỉ riêng mình xem hay ở mức độ chỉ chia sẻ với bạn bè, người thân.
- Giao tiếp chuẩn mực, có trách nhiệm với lời nói và hành vi trên mạng xã hội: Bạn cần cẩn trọng, cân nhắc và chịu trách nhiệm trước mỗi lần bấm like, bình luận hay chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Trong giao tiếp hội nhóm, nên ứng xử văn minh, tuyệt đối tránh các hành vi kỳ thị, phỉ báng, vu khống người khác.
Không nên lập nhóm, hội để nói xấu, công kích lẫn nhau. Không đăng tải, chia sẻ thông tin có thể gây xúc phạm, làm mất uy tín, danh dự cá nhân của người khác hoặc "vào hùa" theo đám đông chia sẻ, nhận xét, phê bình trước một thông tin, sự kiện khi chưa hiểu rõ về vụ việc đó, hoặc không có căn cứ để khẳng định sự kiện đó là có thật.
Khi gặp rắc rối, cần xử lý như thế nào?
Theo chuyên gia công nghệ thông tin Lê Ngọc Thắng, trên mạng luôn có các loại mã độc thu thập các thông tin cá nhân như tin nhắn, mật khẩu, tài khoản ngân hàng và các dữ liệu nhạy cảm khác một cách âm thầm, người dùng không hề hay biết.
Vì vậy, chị em phải hết sức cẩn trọng khi sử dụng internet, đặc biệt là mạng xã hội, để không để thông tin cá nhân bị lợi dụng, rao bán. Khi tham gia các diễn dàn, mạng xã hội, bạn không nên nhấn vào những đường link lạ hay các phần mềm, trò chơi trôi nổi trên mạng, để bị tin tặc tấn công, đánh cắp thông tin.
Khi phát hiện thông tin của mình bị lộ, người dùng nên liên lạc với các chuyên gia hoặc các công ty về bảo mật để được hỗ trợ nhanh nhất. Với những thông tin đã mất, cần nhanh chóng vô hiệu hóa nó để giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến bản thân mình và những người khác có liên quan.
Để tự bảo vệ, bạn nên trang bị cho mình những kiến thức an ninh mạng cơ bản, đặc biệt cần nên có ý thức bảo vệ các thông tin, cân nhắc kỹ trước khi chia sẻ các dữ liệu cá nhân của mình, tránh các rủi ro hoặc phiền toái không đáng có.