Làm "Giấy Like" thay Giấy khen sẽ khiến trẻ càng bị ám ảnh

N.Minh
14/07/2020 - 11:11
Làm "Giấy Like" thay Giấy khen sẽ khiến trẻ càng bị ám ảnh
Hôm qua (13/7), 1 ông bố ở Bắc Ninh đã in "Giấy Like" cho cô con gái lớp 1 không được nhận Giấy khen khiến cộng đồng mạng thích thú, khen ngợi hành động tâm lý, dễ thương này. Tuy nhiên, theo chuyên gia giáo dục-TS Vũ Thu Hương, làm Giấy Like theo mẫu Giấy khen sẽ khiến trẻ càng “ám ảnh” về Giấy khen.

Với nhiều bố mẹ, nếu con không được giấy khen thì bố mẹ sẽ cảm thấy rất buồn, cảm thấy con mình kém cỏi và thậm chí còn đổ mọi sự tức giận lên con. Thế nhưng, khi cô con gái lớp 1 không có giấy khen, 1 ông bố ở Bắc Ninh đã in Giấy Like ghi nhận sự cố gắng, tự giác của con trong năm học qua.

Làm Giấy Like theo mẫu Giấy khen, trẻ càng “ám ảnh” về Giấy khen - Ảnh 1.

Giấy Like của ông bố ở Bắc Ninh tặng con do không được nhận Giấy Khen

Theo chia sẻ của ông bố này, khi thấy con không vui vì không nhận được Giấy khen từ trường, vợ chồng anh đã bàn nhau làm giấy khen cho con. "Ban đầu là giấy khen. Nhưng khi thực hiện, mình đổi thành "Giấy Like" cho vui vẻ chút. Hai vợ chồng còn tổ chức lễ bế giảng long trọng cho cháu hào hứng". Trong Giấy Like ghi: Bố mẹ ghi nhận sự nỗ lực của con gái... đã rất cố gắng tự giác trong suốt một năm học vừa qua. Thắng cả Covid-Đọc thông viết thạo-Tính toán hơi bị nhanh. Bố mẹ yêu con.

Theo ông bố này, cha mẹ không nên lấy giấy khen làm thước đo đánh giá sức học tập của con cái. Phụ huynh không nên ép con cái phải đạt được giấy khen, giải thưởng. Giáo viên không nên đưa giấy khen ra để làm một công cụ trong phương pháp giáo dục. Nhiều người khen ông bố đó tâm lý và đồng loạt xin Giấy Like này để khích lệ con.

Hành động của ông bố này được cộng đồng mạng "like" rất nhiều trước thực trạng "bệnh thành tích" trong ngành giáo dục vẫn phổ biến. Điều này thể hiện rất rõ khi ở các lớp học đều gần như sĩ số cả lớp được nhận giấy khen. Những học sinh không có giấy khen được coi là "cá biệt".

Việc ông bố ở Bắc Ninh làm Giấy Like tặng con để ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của con trong năm học qua, theo TS Vũ Thu Hương, đây là hành động đáng khen ngợi, bởi bố mẹ rất cần ở bên những lúc con cảm thấy buồn, tự ti. Tuy nhiên, TS Vũ Thu Hương cho rằng, không nên lạm dụng hình thức này, không nên in Giấy Like theo mẫu Giấy Khen vì nó dễ bị nhầm với Giấy Khen và khiến trẻ sẽ hiểu sai về Giấy Khen. Bố mẹ nên khen con theo hình thức khác đơn giản hơn, như chỉ cần 1 tờ giấy nhắn màu vàng nhỏ, ghi 1 câu đơn giản: Con đã hoàn thành năm học tốt đẹp, bố mẹ tự hào về con hoặc tổ chức một bữa tiệc bất ngờ để chúc mừng con đã hoàn thành một năm học.

Làm Giấy Like theo mẫu Giấy khen, trẻ càng “ám ảnh” về Giấy khen - Ảnh 2.

Theo TS Vũ Thu Hương, Giấy khen với học sinh tiểu học không có nhiều ý nghĩa. Ảnh minh họa

Việc làm Giấy Like giống mẫu Giấy Khen, theo TS Vũ Thu Hương, điều đó đôi khi làm bọn trẻ nghĩ kiểu gì cũng có giấy khen nên không việc gì phải cố gắng. Đặc biệt, ở bậc tiểu học, nên bỏ toàn bộ giấy khen bởi giấy khen không có ý nghĩa gì với các em.

"Tôi đã gọi điện cho rất nhiều giáo viên tiểu học để hỏi về tác dụng của Giấy khen với sự giáo dục học sinh. Gần 100% các thầy cô công nhận là: Chẳng có tác dụng gì. Có thầy cô nói, trẻ coi Giấy khen như 1 tờ giấy gửi về cho bố mẹ, có em hờ hững đến mức chẳng nhớ đã để đâu khi bố mẹ hỏi. Có em còn đổi cho bạn. Có thầy cô phân tích: Khi tuyên dương học sinh theo tháng, dán ảnh em lên bảng tuyên dương của lớp, học sinh rất phấn khởi và háo hức cố gắng. Nhưng tờ Giấy khen cuối năm lại nhận được sự thờ ơ của các em. Có thầy cô còn bảo: Giấy khen là thứ để bố mẹ lĩnh tiền thưởng ở cơ quan", TS Vũ Thu Hương cho biết.

Theo TS Vũ Thu Hương, trẻ không cần tờ Giấy khen, trẻ cần một chứng nhận đã hoàn thành năm học. Đó có thể là một album ảnh như hiến kế của 1 cô giáo. Đó cũng có thể là bức thư tay giáo viên viết riêng, chúc mừng em học sinh đã hoàn thành năm học, chút ấn tượng của cô về con hoặc lời nhắc nhở con cố gắng trong năm tới. Tất cả những "giấy chứng nhận" đáng yêu đó sẽ khiến các học sinh cảm động và yêu thích hơn rất nhiều một tờ Giấy khen. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm