Làm sao đảm bảo an toàn cho lao động nữ giúp việc tại Cô-oét, Ả rập – Xê út?

17/07/2019 - 12:59
Qua thực tế nảy sinh những vụ việc ở Ả rập – Xê út về tình trạng lao động nữ bị ngược đãi, xâm hại… đang đặt ra vấn đề cần phải bổ sung các quy định, giải pháp để quản lý doanh nghiệp dịch vụ đưa người đi lao động và đảm bảo quyền và lợi ích của lao động nữ đi làm giúp việc tại các nước Trung Đông.

Hiện nay, trên các trang mạng xuất hiện khá nhiều những thông tin tuyển dụng lao động giúp việc gia đình đi làm việc tại Cô- oét (Kuwait). Tại trang web: xuatkhaulao(…).com công khai thông tin một doanh nghiệp có địa chỉ tại Mai Dịch (Hà Nội) đăng tin tuyển dụng giúp việc nhà đi làm việc ở Cô- oét. Đoạn tin rao vặt này đưa ra các thông tin hấp dẫn với người lao động như mức lương cao từ 10 đến 11 triệu đồng/tháng, thủ tục xuất cảnh nhanh gọn, thuận tiện; hỗ trợ miễn phí thủ tục, miễn phí môi giới…

Thậm chí, tin rao vặt này còn đăng tải ảnh và câu chuyện của một nữ lao động giúp việc người Hải Phòng đã xuất cảnh thành công và đang làm việc tại Cô-oét. Để tăng độ xác thực, tin rao vặt còn đăng cả ảnh vé máy bay, rồi những đoạn “chat Zalo” của người lao động này đang làm việc rất ổn định tại Cô-oét với công việc nhà rất nhàn nhã, thoải mái…

Ông H.M.C, trợ lý Tổng giám đốc một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (đề nghị giấu tên), cho biết: Đưa người lao động đi làm giúp việc gia đình những năm qua khá phát triển, trong đó có các nước thuộc khu vực Trung Đông. Các nước trong khu vực này đón nhiều lao động giúp việc gia đình (chủ yếu là lao động nữ), nhiều nhất phải kể tới là Ả rập – Xê út (Saudi Arabia), Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).

Còn tại Cô-oét hiện nay mới có một số công ty và cá nhân ký kết được hợp đồng lao động với phía đối tác và tự tổ chức tuyển chọn đưa lao động đi. Theo ông H.M.C, những trường hợp này sẽ gặp khá nhiều rủi ro bởi đi làm việc tại các nước Hồi Giáo vùng Trung Đông có đặc thù về văn hóa, phong tục, lối sống. Nếu người lao động không được đào tạo bài bản và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sang làm việc có thể không đáp ứng được yêu cầu.

Ngoài ra, lao động giúp việc là nghề khá đặc thù, phải ở cùng chủ nhà trong không gian khép kín (trong nhà), người lao động sẽ phải đối diện nhiều nguy cơ, đặc biệt là bạo hành, xâm hại. Trong khi đó, người lao động đi theo đơn hàng của các doanh nghiệp, cá nhân không uy tín, hoặc thiếu sự bảo hộ của các cơ quan chức năng tại nước sở tại thì rủi ro sẽ càng lớn hơn. Những vụ việc cụ thể về lao động nữ giúp việc gia đình là người Việt Nam tại Ả rập - Xê út bị xâm hại, bạo hành, bị chủ sử dụng quỵt lương...  đã được Báo Phụ nữ Việt Nam đăng tải thời gian qua, cho thấy mức độ rủi ro với lao động nữ trong ngành nghề đặc thù này ở nước ngoài.

giup-viec-gia-dinh-tai-arap-xe-ut.jpg
Người lao động giúp việc gia đình tại Ả rập - Xê út
 

Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH có Tờ trình thí điểm đưa lao động đi giúp việc gia đình tại Cô-oét gửi Chính phủ và các Bộ ngành để lấy ý kiến; qua đó nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đưa người đi lao động và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của lao động đi làm giúp việc gia đình; đồng thời tạo điều kiện cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ tăng thu nhập, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.

Trong đánh giá tác động trong việc đưa lao động giúp việc gia đình sang các nước thuộc khu vực Trung Đông, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Riêng thị trường Cô-oét, đến năm 2018, số lượng lao động nước ta sang Cô-oét có xu hướng tăng mạnh, hiện có khoảng 2.000 người.

Cô-oét có nhu cầu rất lớn về lao động giúp việc gia đình. Hiện có khoảng 600 ngàn lao động giúp việc gia đình là người nước ngoài đang làm việc tại Cô-oét. Theo số liệu thống kê, có khoảng 300 người Việt Nam đã sang Cô-oét làm giúp việc gia đình dưới hình thức hợp đồng cá nhân. Ngoài ra, một số doanh nghiệp dịch vụ của Việt Nam cũng đã ký kết hợp đồng cung ứng lao động với các đối tác Cô-oét.

Theo ông Doãn Mậu Diệp, thị trường Cô-oét nói riêng và các nước Trung Đông nói chung đang có nhu cầu thực sự về lao động giúp việc gia đình và mong muốn hợp tác để đưa lao động Việt Nam sang làm việc. Tuy nhiên trước thực tế có những vấn đề phát sinh với lao động giúp việc gia đình, ví dụ như tại Ả rập – Xê út thời gian, người lao động giúp việc thường khiếu nại phải làm việc quá giờ, ít thời gian nghỉ ngơi, điều kiện ăn ở không đảm bảo. Một số lao động thì bị chủ sử dụng ngược đãi; một số lao động không đảm bảo sức khỏe, mong muốn về nước trước hạn…

Theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, nguyên nhân chủ yếu là do một số doanh nghiệp tuyển chọn chưa kỹ, vẫn tuyển một số lao động không phù hợp với công việc giúp việc gia đình. Bên cạnh đó, người lao động chỉ được đào tạo định hướng thời gian ngắn, nên hạn chế giao tiếp với chủ, khó hòa nhập với môi trường văn hóa khác biệt.

Ông Doãn Mậu Diệp cho rằng, công tác quản lý lao động của doanh nghiệp chưa tốt. Người lao động bị chủ sử dụng đối xử không tốt, không được doanh nghiệp kịp thời phát hiện để can thiệp. Cạnh đó, cơ chế và thủ tục giải quyết tranh chấp tại nước bạn còn phức tạp nên một số vụ việc bị kéo dài, gây lo lắng và bức xúc cho người lao động và gia đình họ.

Vì vậy, rất cần thiết phải quy định các điều kiện để doanh nghiệp phải đáp ứng đủ thì mới được cung ứng lao động giúp việc sang các nước Trung Đông, Nhật Bản, Đài Loan; qua đó nhằm đáp ứng yêu cầu về quản lý Nhà nước; hạn chế các vấn đề phát sinh trên thực tiễn, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của lao động giúp việc gia đình khi ra nước ngoài làm việc. Ví dụ như bổ sung thêm quy định về điều kiện hồ sơ, thủ tục để giới thiệu doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình; bổ sung quy định về nội dung chi tiết hợp đồng lao động; bổ sung quy định về đào tạo cho lao động…

Lao động giúp việc gia đình đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu là phụ nữ, tập trung ở thị trường Đài Loan và Nhật Bản (chiếm hơn 90%). Còn tại các nước Trung Đông có phong tục tập quán, ngôn ngữ và tôn giáo như nhau, lao động nữ làm giúp việc gia đình đến các nước này có xu hướng tăng; cụ thể: Ả rập – Xê út có khoảng 16.000 lao động Việt Nam, trong đó lao động giúp việc gia đình khoảng 5.000 người. Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) có hơn 40 lao động nữ người Việt làm giúp việc gia đình; tại Cô-oét có khoảng 2.000 lao động thì có khoảng 300 lao động người Việt làm nghề này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm