Làng văn hóa du lịch giúp phụ nữ dân tộc Jrai thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao vị thế

Lê Hoa
14/11/2023 - 16:49
Làng văn hóa du lịch giúp phụ nữ dân tộc Jrai thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao vị thế

Chị H’Uyên Niê, thôn Ia Lôk, xã Ia Mơ Nông, Chư Păh, Gia Lai.

Mô hình du lịch cộng đồng “Làng Văn hóa du lịch Jrai xã Ia Mơ Nông, Chư Păh, Gia Lai” được chị H’Uyên Niê thành lập mong muốn góp phần bảo vệ tài nguyên bản địa, bảo tồn bản sắc văn hóa. Đồng thời mô hình cũng giúp chị em trong làng thay đổi nếp nghĩ cách làm, tự giác vươn lên làm ăn, nâng cao vị thế khẳng định vai trò của bản thân trong gia đình và ngoài xã hội.

Chị H'Uyên Niê, thôn Ia Lôk, xã Ia Mơ Nông, Chư Păh, Gia Lai chia sẻ cùng PNVN về những ấp ủ, mong muốn của mình khi xây dựng Mô hình du lịch cộng đồng "Làng Văn hóa du lịch Jrai xã Ia Mơ Nông, Chư Păh, Gia Lai", để giải quyết các nhu cầu về phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương.

- Lý do nào để chị đưa ra quyết định xây dựng Mô hình du lịch cộng đồng "Làng Văn hóa du lịch Jrai xã Ia Mơ Nông, Chư Păh, Gia Lai"?

Tây Nguyên là vùng đất giàu có về truyền thống văn hóa của các dân tộc người bản địa. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Chư Păh hiện nay còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể như: Cồng chiêng, đàn Tơrưng… Các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, sinh hoạt cộng đồng tại địa phương phong phú và có giá trị lịch sử, giá trị thẩm mỹ độc đáo. Có thể kể đến như: Nhà rông, tượng nhà mồ, dệt thổ cẩm, đan lát, các nhạc cụ truyền thống dân tộc Jrai, các lễ hội dân gian… Tất cả tạo nên giá trị văn hóa đa dạng mang tính cộng đồng.

Bên cạnh đó, các món ăn truyền thống như: Cơm lam, gà nướng, canh bột, măng gói lá chuối.., cũng là điểm nhấn giúp cho khách du lịch được tham gia trải nghiệm và hiểu rõ hơn về cuộc sống sinh hoạt, các hoạt động tại địa phương.

Làng văn hóa du lịch giúp phụ nữ dân tộc Jrai thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao vị thế- Ảnh 1.

Chị H'Uyên Niê, thôn Ia Lôk, xã Ia Mơ Nông, Chư Păh, Gia Lai

Từ công việc là Chủ nhiệm Tổ liên kết "Đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng", tận dụng những lợi thế từ nét đẹp về văn hóa, đời sống bình dị, nơi còn lưu giữ lại nghề dệt truyền thống, đan lát..., tôi rất muốn liên kết xây dựng cơ sở để giới thiệu, quảng bá, và muốn lưu giữ những giá trị bản sắc văn hóa, ẩm thực, phong tục tập quán của người dân tộc Jrai đến với tát cả khách hàng trong, ngoài nước, tạo việc làm và tăng thu nhập cho hội viên, phụ nữ yếu thế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đó cũng chính là động lực để tôi xây dựng Mô hình du lịch cộng đồng "Làng Văn hóa du lịch Jrai xã Ia Mơ Nông, Chư Păh, Gia Lai".

- Chị mong muốn mô hình sẽ phát triển như thế nào?

Tôi mong muốn hướng đến phát triển mô hình du lịch cộng đồng có trách nhiệm. Đây sẽ là mô hình du lịch góp phần bảo vệ tài nguyên bản địa, bảo tồn bản sắc văn hóa, lưu giữ và lưu truyền lại cho lóp trẻ những giá trị văn hóa phi vật thể, tạo việc làm cho bà con, tiêu thụ nông sản, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và tăng thu nhập cho người dân tộc Jrai nơi đây.

Thông qua mô hình, phụ nữ dân tộc thiểu số có thể giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán giàu bản sắc của người đồng bào Jrai, tận dụng những cảnh quan, văn hóa phong tục tập quán sinh hoạt hàng ngày, biến những điểm yếu thành những điểm mạnh, lợi thế để thu hút du khách ở các vùng miền trong và ngoài nước. Từ đó, tập trung quy hoạch, gắn kết phát triển du lịch cộng đồng với việc hình thành các sản phẩm đặc sản nông nghiệp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng.

Làng văn hóa du lịch giúp phụ nữ dân tộc Jrai thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao vị thế- Ảnh 2.

Một số sản phẩm mang dấu ấn bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào Jrai tại xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh

Với mô hình du lịch cộng đồng, du khách sẽ có sự trải nghiệm những cảnh sinh hoạt dân giã hàng ngày của đồng bào Jrai rất nhiều điều thú vị với không gian văn hóa, ẩm thực đặc sắc mang đậm bản sắc dân tộc và sự chân tình, mến khách của người đồng bào Jrai tại xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh. Chúng tôi có các hoạt động trải nghiệm như: Giã lúa, dệt vải, kéo sợi bông, đan gùi, rổ, lội đồng bắt cá, cách tặc tượng, cách làm thành phẩm hồ lô uống nước, trút gạo ống cơm lam, trải nghiệm các mô hình vườn cây ăn trái của bà con nơi đây.... mang đậm phong tục tập quán của người địa phương, giá cả phải chăng. 

Đặc biệt, sản phẩm để phục vụ ẩm thực được thu mua từ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, đảm bảo nguồn gốc và có kèm theo các mặt hàng lưu niệm nhằm phục vụ cho việc mua làm quà tặng cho người thân và gia đình.

- Mô hình du lịch cộng đồng "Làng Văn hóa du lịch Jrai xã Ia Mơ Nông, Chư Păh, Gia Lai" sẽ giải quyết được những vấn đề gì tại địa phương, đặc biệt là tác động như thế nào tới cuộc sống của chị em phụ nữ dân tộc thiểu số, xin chị chia sẻ?

Mô hình du lịch cộng đồng hướng tới mục tiêu: Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và giúp bảo tồn được bản sắc văn hóa người dân tộc Jrai; Tạo ra thu nhập phụ cho các hộ gia đình và cộng đồng người dân tộc Jrai bằng cách thúc đẩy các hoạt động như nghề thủ công; Xây dựng những mối quan hệ giữa cộng đồng người dân tộc Jrai và khách du lịch hiểu thêm về những nét đẹp văn hóa, góp phần tăng cường sự hiểu biết và sự đồng cảm trong cộng đồng.

Làng văn hóa du lịch giúp phụ nữ dân tộc Jrai thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao vị thế- Ảnh 3.

Chị H'Uyên Niê mong muốn mô hình du lịch cộng đồng có tác động đối với việc nâng cao vị thế và bình đẳng giới cho phụ nữ.

Là người đứng đầu mô hình, tôi mong muốn đây là mô hình du lịch cộng đồng có tác động đối với việc nâng cao vị thế và bình đẳng giới cho phụ nữ. Cụ thể như: Mô hình có thể tìm đầu ra cho các sản phẩm nghề dệt và nghề đan lát truyền thống; tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản sạch của các gia đình hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn, phụ nữ già yếu nhằm tạo điều kiện giải quyết việc làm cho hội viên phụ nữ; giúp chị em có công việc thường xuyên, có thu nhập, cải thiện được cuộc sống gia đình. 

Mô hình cũng mở ra cơ hội truyền nghề cho thanh thiếu niên trong xã và các xã lân cận. Trong đó, quan trọng nhất là giúp chị em và nhân dân trong làng thay đổi nếp nghĩ cách làm, tự giác vươn lên làm ăn, biết tích lũy, biết giữ gìn và phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống của tộc người mình, nâng cao vị thế khẳng định vai trò của bản thân trong gia đình và ngoài xã hội.

Xin cảm ơn chị!


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm