Cô gái dân tộc Mông làm du lịch cộng đồng
Hiện nay, Homestay Zoong Xia Sảng Pủa là một trong những điểm đến được du khách lựa chọn mỗi khi đến Mèo Vạc (Hà Giang). Ít ai biết rẳng, homestay này là của cô gái người Mông tên là Vàng Nguyễn Minh Trang (25 tuổi, dân tộc Mông, quê huyện Mèo Vạc, Hà Giang) xây dựng và phát triển.
Trang sinh ra và lớn lên từ vùng núi cao nơi địa đầu Tổ quốc. Dù cuộc sống gia đình khó khăn, nhưng bố mẹ vẫn cố gắng cho con đi học. Hiểu được hoàn cảnh của gia đình, Trang cũng nỗ lực học tập, mong sau này có cơ hội thoát nghèo.
Tốt nghiệp THPT, Trang quyết định theo học ngành quản trị kinh doanh tại một trường ở Hà Nội. Tuy nhiên, do đây là trường ngoài công lập, điều kiện kinh tế gia đình không thể lo được nên Trang đã bỏ dở, về học tại Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Việt Bắc. Thế nhưng, khi học hết năm thứ nhất thì Trang phải lập gia đình. Bởi phụ nữ người Mông ngoài 20 tuổi là đã "quá già" để kết hôn. Sau đó, Trang có em bé nên việc học hành đành gác lại. Trở về quê nhà, Trang luôn trăn trở làm thế nào để có thể khởi nghiệp từ những tài nguyên bản địa.
Trong quãng thời gian học tập, trang đã tìm hiểu và biết rằng trên địa bàn huyện Mèo Vạc có rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng như: Chợ tình Khâu Vai, đỉnh đèo Mã Pì Lèng, sông Nho Quế, làng văn hóa du lịch cộng đồng Pả Vi Hạ. Đặc biệt, cộng đồng các dân tộc nơi đây vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Vì thế, Trang quyết định lập nghiệp trong lĩnh vực du lịch. "Đam mê ấp ủ từ những năm tháng đại học, tuổi trẻ được đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều vùng đất với văn hóa khác nhau nên tôi ao ước một ngày nào đó phát triển du lịch ngay chính quê hương mình", Trang nhớ lại.
Sau khi bàn bạc với gia đình, Trang quyết định thu gom hết gia tài từ đất đai, của cải của bố mẹ, ông bà để đầu tư khởi nghiệp, với việc xây một ngôi nhà độc đáo để đón khách du lịch đến trải nghiệm trên vùng cao. Sau một thời gian xây dựng, đến tháng 6-2019, Homestay có tên Zoong Xia Sảng Pủa (tiếng Mông có nghĩa là vui vẻ, hạnh phúc), tọa lạc ở thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc, H.Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. "Mảnh đất này trước kia đời ông bà, cha mẹ chỉ biết đến nương ngô, nương sắn, làm nông nghiệp nhưng không đủ ăn, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Bây giờ, em quyết tâm làm giàu trên mảnh đất này của gia đình", Trang nói.
Trang cho biết, Homestay Zoong Xia Sảng Pủa hội tụ kiến trúc của 5 dân tộc tiêu biểu của huyện nhà. Mái nhà, cửa chính, bản cửa hai bên của dân tộc Mông. Gạch trình tường đại diện cho dân tộc Lô Lô. Cầu thang lên xuống đại diện cho dân tộc Tày. Khung nhà đại diện cho dân tộc Giáy, Dao.
Trong khu vực nhà được trưng bày những sản phẩm văn hóa của địa phương như: Trang phục dân tộc, các đồ dùng dân tộc, cối xay đá người Mông, khèn Mông,…
Thời gian qua, đã có hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đến với Homestay Zoong Xia Sảng Pủa. Ngoài việc nghỉ ngơi, khám phá vẻ đẹp tại vùng đất địa đầu tổ quốc, du khách cũng được thưởng thức các sản vật địa phương và mua về làm quà. Đặc biệt, du khách sẽ được ăn với dân, ở với dân, có thể trải nghiệm lên nương làm rẫy để hiểu về phong tục tập quán của bà con dân tộc.
Trang cho biết, trong tương lai, cô muốn phát triển trang trại gà đen bản địa là nguồn thực phẩm sạch để phục vụ du khách. Đồng thời, xây dựng một bể bơi nhỏ để tạo sân chơi cho các em vùng cao và trang bị những kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ.
Phát triển du lịch cộng đồng là mũi nhọn
Nằm trong vùng lõi Công viên Địa chất toàn cầu- Cao nguyên đá Đồng Văn, huyện Mèo Vạc có tiềm năng lớn về phát triển du lịch. Chính quyền địa phương cũng đã xác định đưa du lịch trở thành "mũi nhọn" trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Mèo Vạc đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm "đánh thức" ngành "công nghiệp không khói", từng bước mở ra hướng đi thoát nghèo bền vững cho người dân địa phương.
Ông Nguyễn Văn Lưu, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Mèo Vạc cho biết, từ năm 2016, từ chủ trương xây dựng làng văn hoá du lịch cộng đồng của tỉnh Hà Giang, huyện Mèo Vạc đã xây dựng thí điểm mô hình kinh tế mới với định hướng phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, nổi bật là làng văn hóa du lịch cộng đồng Pả Vi Hạ (xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc).
Làng du lịch văn hoá cộng đồng Pả Vi Hạ có tổng diện tích hơn 46.000 m2 và chia làm 3 khu, hiện có 28 hộ tham gia mô hình kinh tế này để khai thác du lịch. Đây là một quần thể nghỉ dưỡng gồm nhiều homestay khác nhau. Những homestay được thiết kế theo kiến trúc nhà truyền thống của người Mông.
Ông Nguyễn Văn Quyết, chủ dịch vụ homestay tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Pả Vi Hạ cho biết, homestay theo lối kiến trúc truyền thống dân tộc Mông kết hợp với hiện đại. Homestay có khoảng 20 phòng nghỉ với giá 200.000 - 350.000 đồng/phòng/ngày với phòng cộng đồng và 1,2 triệu đồng với phòng VIP.
Ngoài ra, Homestay có phục vụ cà phê và đồ uống và có gian hàng trưng bày đồ lưu niệm như: Thổ cẩm, các vật dụng sinh hoạt thường ngày của đồng bào Mông… Gia đình và các hộ khác trong làng được tập huấn nghiệp vụ du lịch để thực hiện đúng chuẩn mực thân thiện, minh bạch giá cả, đảm bảo vệ sinh môi trường trong các khâu ăn uống và trải nghiệm, ông Quyết chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Văn Lưu, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Mèo Vạc cho biết, trong làng có nhà văn hóa thôn, nhà trưng bày theo mẫu truyền thống của người Mông; có khu sân chơi được dùng làm nơi biểu diễn văn hóa, văn nghệ truyền thống. Hiện các hạng mục như bãi đỗ xe, đường giao thông, nhà văn hóa, nhà trưng bày, khu chăn nuôi tập trung và trồng cỏ, khu dịch vụ spa… đã hoàn chỉnh. Các mô hình của 28 hộ được yêu cầu phải theo thiết kế chung của quy hoạch.
Ngoài mặt bằng, đường giao thông thuận tiện, toàn bộ người dân trong làng là đồng bào người Mông. Trong làng, hiện còn một số nghệ nhân nòng cốt. Làng văn hóa không chỉ giúp địa phương bảo tồn, quảng bá văn hoá dân tộc Mông, mà còn là mô hình đại diện cho toàn bộ người Mông nói chung. Ngoài phục vụ khách du lịch, thì nơi này là điểm đến của bà con người Mông sinh hoạt, thưởng thức và tìm hiểu rõ hơn về văn hóa truyền thống dân tộc mình.
Phát triển du lịch bền vững
Thời quan qua, UBND tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm. Năm 2020, Hà Giang triển khai Đề án "Bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các Làng Văn hóa du lịch cộng đồng" giai đoạn 2020 - 2025. Thông qua Đề án này, tỉnh đã hỗ trợ toàn diện cho công tác bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa để phát triển du lịch.
Qua phát triển du lịch cộng đồng, người dân vừa gắn với hoạt động sản xuất, cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp vừa kết hợp để phát triển du lịch. Đồng thời, người dân đã có ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa, tài nguyên du lịch, tài nguyên tự nhiên, bảo vệ môi trường. Nhiều làng nghề truyền thống, nhiều phong tục - tập quán có giá trị đã được khôi phục và bảo tồn.
Dù vậy, theo các chuyên gia, để phát triển du lịch cộng đồng ở Hà Giang một cách bền vững và hiệu quả, chính quyền địa phương cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, cần phát triển và gia tăng giá trị, hàm lượng văn hóa chứ không chỉ dừng lại ở mức độ tham quan và "check-in" (chụp hình). Song song đó, tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo nghề cho người nông dân tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng.
Hơn nữa, tỉnh cũng cần ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút nhà đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, địa phương lựa chọn các địa điểm, khu vực thích hợp để phát triển các loại hình du lịch nhưng ưu tiên các nhà đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời, Hà Giang cần tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông để phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, Hà Giang cũng cần có quy hoạch về phát triển du lịch cộng đồng, gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, lấy du lịch cộng đồng làm động lực và tập trung nguồn lực để phát triển. Khi có quy hoạch cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện và xây dựng các đề án phù hợp, tránh phá vỡ quy hoạch và không gian của điểm đến, khu vực. Trong quy hoạch phải nhất quán quan điểm, chủ trương: Du lịch cộng đồng là động lực, qua đó phát triển các ngành kinh tế khác.
Đồng thời, phải xác định lại vị trí - vai trò của người nông dân - chủ thể chính trong phát triển du lịch cộng đồng. Ngoài ra, cần cung cấp và khơi thông nguồn vốn đến tay người nông dân, thông qua nhiều hình thức vay, ưu đãi với lãi suất 0% hoặc lãi suất thấp. Tuy nhiên, để dòng tiền từ các tổ chức tín dụng đến tay người tiêu dùng có hiệu quả, cần phải có sự tham gia giám sát của chính quyền cơ sở.