Lao động nữ chuyên môn thấp có nguy cơ mất việc làm thời 4.0

12/05/2019 - 13:05
Tại buổi tọa đàm “Đào tạo nghề gắn với việc làm bền vững” nhiều ý kiến lo ngại, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ khiến lao động nữ có trình độ chuyên môn thấp đối diện với nguy cơ mất việc làm. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động Ngày phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN Việt Nam tổ chức từ ngày 10 đến 12/5, tại TP Cần Thơ.
hoi-thao-edit-3.jpg
Buổi tọa đàm thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia 
 
Buổi tọa đàm nằm trong chuỗi hoạt động Ngày phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN Việt Nam tổ chức từ ngày 10 đến 12/5, tại TP Cần Thơ đã thu hút hàng trăm cán bộ hội viên phụ nữ đến từ 20 tỉnh/thành phố khu vực phía Nam tham gia.
 
Các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ về những vấn đề như: Thực trạng dạy nghề; Dự báo nguồn nhân lực nữ; Giải pháp gắn kết dạy nghề và tạo việc làm bền vững trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; định hướng nghề nghiệp cho phụ nữ trong thời đại 4.0; một số đại biểu còn nêu lên thực trạng vướng mắc về số lượng chị em tham gia học nghề ở độ tuổi 35 trở lên rất nhiều, trong khi nhiều doanh nghiệp chỉ nhận công nhân dưới 35 tuổi, làm sao giải quyết vấn đề này…
 
hoi-thao-edit-1.jpg
Ông Trần Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, chia sẻ tại tọa đàm 
 
Ông Trần Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, thẳng thắn chỉ ra: Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh những cơ hội mới được mở ra cho phụ nữ thì có những thách thức khiến nhóm lao động nữ có trình độ chuyên môn thấp phải đối diện với nguy cơ mất việc làm.
 
Thực trạng việc làm hiện nay của lao động nữ cho thấy trình độ, năng lực và chuyên môn nghề nghiệp của phụ nữ còn thấp, định hướng nghề nghiệp vẫn theo hướng truyền thống (dệt, may, giày da, uốn tóc, dịch vụ gia đình...); đa số phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn chỉ có thể làm được những công việc không ổn định, làm việc bấp bênh, thu nhập thấp, dễ mất việc làm. Lao động nữ vẫn tập trung ở những ngành sử dụng chủ yếu sức lao động, lao động nam đa số làm việc những ngành dựa vào vốn và kỹ thuật.
 
Lao động nữ chiếm trên 70% ở các ngành dệt may, da giày, chế biến nông sản; lao động nam tập trung ở các ngành giao thông, xây dựng, viễn thông, công nghệ thông tin. Phần lớn lao động nữ làm việc trong điều kiện làm việc chưa được cải thiện, thời gian lao động kéo dài, việc làm bấp bênh, rủi ro cao.
 
Ông cũng ra nhiều giải pháp trong đó có phát triển các hình thức dạy nghề đa dạng, linh hoạt gắn với tạo việc làm cho lao động nữ, nhất là lao động nữ thuộc hộ gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn, lao động nữ tại các địa bàn nông thôn; tập trung việc hướng nghiệp, nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ năng nghề để lao động nữ có điều kiện thích nghi và hòa nhập với cơ chế thị trường; tạo điều kiện cho chị em nâng cao kiến thức, am hiểu thị trường lao động, tiếp cận thị trường lao động, am hiểu pháp luật lao động… “Yếu tố quyết định vẫn là sự chủ động của cá nhân người phụ nữ, những nỗ lực, tự ý thức về bản thân mình và có ý chí vươn lên”- ông Tuấn nhấn mạnh.
 
hoi-thao-edit-2.jpg
Bà Hồ Thị Quý, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Hỗ trợ Phụ nữ phát triển Kinh tế, TƯ Hội LHPN Việt Nam, phát biểu tại buổi tọa đàm
 
Bà Hồ Thị Quý, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Hỗ trợ Phụ nữ phát triển Kinh tế, TƯ Hội LHPN Việt Nam, cho biết: “Không dạy nghề cơ sở có mà nên dạy nghề chị em có sở trường nhằm tăng tính tự chủ cho chị em. Tỉnh nào có cơ sở dạy nghề nên kết nối với người mạnh, kết nối doanh nghiệp mạnh để các cơ sở dạy nghề mạnh hơn. Những tỉnh không có cơ sở dạy nghề, có thể làm mạnh vấn đề định hướng nghề”.
 
Bà Hồ Thị Quý còn chia sẻ thêm: Đào tạo nên quan tâm về đạo đức nghề nghiệp. Thực tế học viên được đào tạo ra có đạo đức nghề nghiệp hay không phụ thuộc vào cả doanh nghiệp và trường dạy. Vì doanh nghiệp cũng phải quan tâm đến lao động, làm sao để người lao động gắn bó với mình. Chứ đừng làm theo kiểu lúc họ còn trẻ thì vắt kiệt sức đến lúc họ 35 - 40 tuổi thì đào thải. Như vậy, doanh nghiệp đó không có trách nhiệm xã hội. Về lâu dài khi ý thức xã hội ngày một cao thì chắc chắn sản phẩm của doanh nghiệp đó sẽ không được người dân sử dụng.
 
hoi-thao-edit-4.jpg
Lễ ra mắt chương trình “Khởi nghiệp thời trang cho phụ nữ”  
 
Song song với buổi tọa đàm “Đào tạo nghề gắn với việc làm bền vững”, tại Trung tâm Vì sự phát triển của Phụ nữ đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ), TƯ Hội LHPNVN còn tổ chức hội thảo chuyên đề sản xuất, kinh doanh trong thời đại 4.0 và ra mắt chương trình “Khởi nghiệp thời trang cho phụ nữ” do nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam làm người hướng dẫn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm