Đầu vào giỏi vẫn có nguy cơ thất nghiệp
Trao đổi về dự thảo quy chế tuyển sinh ngành sư phạm năm nay, TS Nguyễn Tùng Lâm - nguyên Hiệu trưởng THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - cho hay, ông có thể nhìn thấy trước sự thất bại trong việc thu hút đầu vào ngành này.
“Tôi nghĩ với yêu cầu cao này thì chắc chắn các trường sẽ không tuyển được sinh viên. Cứ cho là tuyển lựa được sinh viên giỏi nhưng nếu ra trường vẫn chật vật xin việc thì tuyển thật chất lượng để làm gì? Lương thấp, khó xin việc là câu chuyện thực của ngành sư phạm. Vì thế nếu có cam kết việc làm thì mới hi vọng có người học chứ chỉ đơn thuần đưa “hàng rào” chặn đầu vào yếu kém thì không thể tuyển sinh được!”, TS Tùng Lâm thẳng thắn.
Theo TS Tùng Lâm, Bộ GD&ĐT phải giải quyết được vấn đề vị thế của ngành giáo dục, của giáo viên, câu chuyện về công ăn việc làm cho sinh viên ra trường. Ít nhất phải có những cam kết cụ thể về việc nếu sinh viên ra trường đạt kết quả tốt thì sẽ được đãi ngộ ra sao, bố trí việc làm như thế nào…
Ông cũng đánh giá cao cách làm của ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) khi đào tạo theo đơn đặt hàng của tỉnh và cho rằng đây là cách làm thực tế, đảm bảo ra trường có việc làm ngay cho người học. Theo ông, số giáo viên thiếu ở một số địa phương không đáng kể nên mấu chốt không phải là tuyển được bao nhiêu người học. Thay vào đó cần đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên hiện có.
“Bộ GD&ĐT cần chấp nhận giai đoạn khó khăn này, trong đó theo tôi tập trung vào việc giao chỉ tiêu đào tạo lại giáo viên hiện có, giảm thiểu đào tạo mới”, ông Lâm nói.
Không thể theo kinh nghiệm của thế giới
Nhận định về giải pháp của Bộ GD&ĐT, GS.TS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cho biết, cần thiết để thu hút người tài vào học ngành sư phạm, tránh tình trạng hạ thấp chất lượng đầu vào như năm ngoái.
Theo ông, giải pháp này cũng chính là kinh nghiệm của một số nước có nền giáo dục phát triển, sinh viên học ngành sư phạm luôn nằm trong tốp đầu chất lượng đầu vào.
Tuy vậy, khi áp dụng ở Việt Nam, điều này có phần khiên cưỡng bởi chỉ đáp ứng được mong muốn của Bộ GD&ĐT mà chưa tính đến vị trí của người học, đặc biệt là học sinh giỏi.
“Việc học sinh giỏi có muốn học ngành sư phạm hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đi kèm với siết đầu vào cần có những ưu đãi nhất định, từng ưu đãi đó phải gắn liền với các giải pháp cụ thể từ khâu đào tạo, sử dụng, tuyển dụng... Chắc chắn, cần có đảm bảo về việc làm cho các em giỏi”- ông cho hay.
Hiện tại, mới chỉ có ĐH Hồng Đức thực hiện đào tạo theo dạng cam kết có việc làm do xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của địa phương. Theo các chuyên gia, đã đến lúc tính toán kỹ về số lượng đào tạo mới để tránh tình trạng dư thừa, đồng thời đưa ra các chính sách thu hút giáo viên ở những nơi còn thiếu. Vấn đề là giải pháp cân đối lượng giáo viên, bù chỗ thiếu, giải tỏa nơi thừa, chứ không đơn thuần là sẽ đào tạo mới bao nhiêu và đầu vào cần phải thật giỏi.