pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lebanon đang định hình lại các chuẩn mực bình đẳng giới
Ahmed Fakih và Douaa Affarah dạy các con tôn trọng bình đẳng giới
Ahmed Moustaf (44 tuổi), một hiệu trưởng và Samiha Ghimrawi (36 tuổi), một giáo viên khoa học yêu nhau vì chung niềm đam mê giảng dạy. Họ kết hôn cách đây 4 năm, có một con trai và một con gái. Cặp đôi chia sẻ những lợi ích có được từ việc chia đều các công việc gia đình, chăm sóc con cái và cuộc sống hàng ngày. "Chính việc chia sẻ đã mang chúng tôi đến với nhau và giữ chúng tôi lại bên nhau", cả hai thổ lộ.
Trong một căn hộ trên đường phố Jabal Al-Badawi ở Tripoli, phía Bắc Lebanon, anh Ahmed bận rộn trong bếp chuẩn bị bữa tối cho gia đình bốn người. "Tôi thấy nấu ăn rất vui, ăn xong thì tôi dọn dẹp nhà bếp và rửa bát", anh kể.
Trong khi đó, chị Samiha dành thời gian này để lên kế hoạch cho các bài giảng trên lớp của ngày hôm sau. "Ahmed hỗ trợ tôi trong mọi công việc gia đình và cho tôi nhiều thời gian để chăm sóc bản thân và hoàn thành công việc của mình mà không phải lo lắng về con cái hay sợ thiếu trách nhiệm gia đình", chị hạnh phúc nói.
Sự hỗ trợ của chồng đã giúp chị Samiha phát triển sự nghiệp và theo đuổi việc nghiên cứu. Chị đã hoàn thành khóa cao học hóa sinh và dự định tiếp tục theo đuổi chương trình tiến sĩ.
Anh Ahmed coi giáo dục như một công cụ quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của gia đình, bạn bè và hàng xóm. Ahmed ủng hộ các mối quan hệ có sự tham gia, sử dụng cuộc sống của chính mình như một ví dụ về những gì có thể đạt được khi vợ và chồng chia sẻ trách nhiệm như nhau. Ahmed và Samiha muốn nuôi dạy các con của mình biết chia sẻ những giá trị sống và tăng cường sự bình đẳng trong cuộc sống hàng ngày trong gia đình và ngoài xã hội.
Tổ chức UN Women từng phối hợp với Trung tâm Nguồn lực về Bình đẳng giới và kết nối nghiên cứu để phát triển (CRD) thực hiện nghiên cứu ở Lebanon và chỉ ra rằng, 35% nam giới đồng ý việc "là một người đàn ông, cần phải cứng rắn" và 19% nam giới đồng ý rằng thật "đáng xấu hổ khi nam giới tham gia vào việc chăm sóc con cái hoặc các công việc gia đình khác". Bàn về viêc này, anh Ahmed nhận định: "Nhiều người coi công việc gia đình là nghĩa vụ mà một người phụ nữ phải đảm nhận, đó là một sự kỳ thị đáng xấu hổ. Một số đàn ông có quan niệm sai lầm về nam tính là mình nên lên giọng gia trưởng hoặc làm chủ gia đình. Còn theo tôi, một người đàn ông thực sự nên làm những người thân yêu vui vẻ, hạnh phúc. Tôi không thể coi mình là đàn ông nếu vợ tôi liên tục mệt mỏi vì việc nhà".
Nam giới không ngại việc nhà
Khaled Al-Nasr (30 tuổi) là thương nhân và Rania Al-Sayed (35 tuổi) là tình nguyện viên của Cơ quan Cứu trợ và Công trình của Liên hợp quốc cho người tị nạn Palestine ở vùng Cận Đông (UNRWA), đã kết hôn và có một con trai nhỏ tên là Walid. Cặp đôi coi trọng mối quan hệ gia đình và chia sẻ mọi khía cạnh trong cuộc sống. Ưu tiên số một của họ là con trai. Hai vợ chồng thay phiên nhau chăm sóc con, cho dù đó là bú bình vào ban đêm, chăm sóc con trong giờ làm việc… Anh Khaled cho rằng nghĩa vụ việc nhà của mình ngang bằng với vợ.
Niềm tin của chị Rania về sự chia sẻ bình đẳng không xuất phát từ sự nuôi dạy của bố mẹ. Chị lớn lên trong một gia đình mà các cô gái làm tất cả công việc nhà. "Bố tôi làm nông nghiệp và mẹ tôi thường phụ giúp ông ấy. Khi về nhà, các công việc khác từ dọn dẹp, nấu ăn và giặt giũ đều do mẹ đảm nhận mà không có sự giúp đỡ của bố tôi. Mẹ tôi đã qua đời ở tuổi 40, tôi nghĩ là do mệt mỏi tích tụ khiến bà ấy kiệt sức. Tôi không muốn mình như mẹ. Điều này đã dạy tôi tầm quan trọng của sự bình đẳng trong mọi khía cạnh của cuộc sống hôn nhân", chị Rania chia sẻ.
Nghiên cứu của UN Women cho thấy, phân chia giới truyền thống trong lao động giúp việc gia đình ở Lebanon tiếp tục là chuẩn mực, với 85 % phụ nữ làm việc nhà so với 56% nam giới. Khái niệm chia sẻ bình đẳng không phổ biến ở hầu hết cặp vợ chồng trong cộng đồng. Chính vì thế, gia đình anh Khaled thường xuyên phải đối mặt với những lời chỉ trích vì Khaled làm việc nhà và chị Rania có quyền ra quyết định. "Tôi không bị ảnh hưởng bởi các chuẩn mực của một xã hội không công nhận tầm quan trọng của quan hệ đối tác giữa nam và nữ. Trong mọi trường hợp, chúng tôi không dừng lại vì những bình luận tiêu cực. Tôi và vợ tự hào về mối quan hệ bình đẳng này", anh Khaled chia sẻ.
Bình đẳng trong gia đình và ngoài xã hội
Ahmed Fakih (38 tuổi), một giáo viên dạy kỹ năng sống và Douaa Affarah (31 tuổi), làm về quản trị kinh doanh, đã kết hôn được 7 năm và có hai con Juri và Nasser. "Kể từ ngày đính hôn, chúng tôi đã cùng nhau vun đắp một xã hội nhỏ được xây dựng dựa trên sự bình đẳng", cặp đôi giải thích.
Khi màn đêm buông xuống các con phố của khu phố Al-Fawwar ở Saida, Ahmed bế hai đứa con của mình lên giường, chọn một câu chuyện anh đã viết và bắt đầu đọc nhẹ nhàng cho các con nghe. "Tôi đã viết những câu chuyện về các chủ đề quan trọng, mang tính giáo dục cho các con kể từ khi chúng chào đời. Đến nay, tôi đã viết một loạt truyện với Juri và Nasser là nhân vật chính. Quan trọng hơn, tôi viết những vai có ảnh hưởng của phụ nữ, chẳng hạn như một người mẹ là nữ anh hùng và một vị cứu tinh, không giới hạn vai trò của cô ấy trong việc nội trợ như những định kiến về phụ nữ trong xã hội", anh Ahmed giải thích.
Mặc dù sống trong một xã hội bảo thủ nhưng đôi vợ chồng này đã quyết tâm tạo ra một môi trường khác biệt và cùng nuôi dạy con cái, tránh xa những quan niệm phân biệt giới. "Hôn nhân bền vững dựa trên sự hợp tác, quản lý và tham gia giữa vợ và chồng, bao gồm cả việc người cha có vai trò chính trong chăm sóc con cái giống như người mẹ. Điều này không làm mất đi bản lĩnh đàn ông, không khiến tôi rơi vào tình trạng thấp kém như một số người nghĩ", anh Ahmed nói.
Anh Ahmed không bỏ lỡ cơ hội vận động cho bình đẳng giới trong thời gian làm công tác xã hội ở trường và tại nhà thờ Hồi giáo, nơi anh thực hiện các hoạt động dành cho trẻ em. Một trong những thành tựu đáng tự hào nhất của Ahmed là vận động để Ủy ban Phụ nữ tham gia các cuộc họp tại nhà thờ Hồi giáo. Cả vợ chồng anh đều tin rằng có thể thay đổi thông qua đối thoại và thay đổi nền tảng trong các chuẩn mực văn hóa. Đối với họ, bước đầu tiên là trong nhà, tạo ra một không gian nuôi dưỡng niềm tin mà họ đã phát triển và gắn kết với nhau, trước khi chia sẻ chúng với những người khác.