Người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên có bằng phi công

Nhu Thụy (Tổng hợp)
14/03/2022 - 12:42
Người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên có bằng phi công

Bà Bessie Coleman

“Bessie dũng cảm” là tên gọi thân mật người hâm mộ dành tặng Bessie Coleman (26/1/1892 - 30/4/1926), người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên có bằng phi công. Bà đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều phụ nữ da màu phấn đấu, vượt mọi trở ngại để thực hiện ước mơ của mình.
Vượt định kiến

Sinh ngày 26/1/1892 tại Texas, Mỹ, bà Bessie Coleman sinh ra trong một gia đình nghèo có 13 con. Đi hái bông, bươn chải kiếm sống cùng cha mẹ, bà quyết tâm đạt được thành công trong cuộc sống. Năm 1915, bà chuyển đến Chicago và nhận công việc làm móng tay. Bà còn nhận làm quản lý nhà hàng với hy vọng kiếm tiền để theo học làm phi công.

Điều đáng buồn là các trường dạy phi công của Mỹ thời đó không nhận phụ nữ hay người da màu vào học. Vì vậy, Robert S. Abbott, người sáng lập tờ báo Chicago Defender, đã khuyến khích bà Bessie đi học ở Pháp để theo đuổi ước mơ của mình. Abbot đã đưa câu chuyện của Bessie lên tờ báo của mình và bà đã nhận được hỗ trợ tài chính từ chủ ngân hàng Jesse Binga và Defender. Bà đã tham gia một lớp học tiếng Pháp tại trường Ngôn ngữ Berlitz ở Chicago, sau đó đến Paris (Pháp) ngày 20/11/1920. Khi bà đến Pháp, vì một vụ tai nạn lúc đó nên các trường dạy phi công ở Paris đã không nhận nữ học viên. Sau đó, bà đã đi tàu đến miền Bắc nước Pháp để tới ngôi trường dạy lái máy bay do anh em nhà Cauldron điều hành. Bessie đã thuyết phục họ dạy bà lái máy bay. Sống cách trường học 15km, bà phải đi bộ đến trường. Sau khi lấy được chứng chỉ quốc tế, Coleman được đào tạo ở Đức cùng với các cựu quân nhân lái máy bay trong Thế chiến thứ nhất. Họ đã cùng nhau thực hiện những màn nhào lộn bất chấp tử thần trên không.

“Bessie dũng cảm” - Ảnh 1.

Bà Bessie Coleman cùng chiếc máy bay Curtiss JN-4 Jennie năm 1924

Ông Lonnie G. Bunch, Giám đốc Bảo tàng Quốc gia Smithsonian, nhấn mạnh, bà Bessie dũng cảm, khác biệt so với người khác ở sự ham học hỏi. "Bà ấy đã chọn một con đường đáng kinh ngạc và thực sự trở thành biểu tượng cho nhiều thế hệ sau", ông Bunch nói.

Bà Bessie đã trở thành tâm điểm của giới truyền thông khi trở về Mỹ. Là một phi công gan dạ trong những năm đầu của ngành hàng không, Coleman đã thực hiện vô số tiết mục nhào lộn trong các chuyến bay biểu diễn trên khắp nước Mỹ. Thậm chí, bà còn nhảy dù từ máy bay trước sự kinh ngạc của khán giả. Người hâm mộ thường gọi bà là "Nữ hoàng Bess" hay "Bessie dũng cảm". Bà đã xuất hiện tại hầu hết các sự kiện hàng không và hội chợ địa phương. Trên các tờ báo thuộc sở hữu của người da màu, họ viết: "Hãy xem nữ phi công liều lĩnh này biểu diễn các pha mạo hiểm sởn tóc gáy". Cách mặt đất cả nghìn mét, bà thuần thục làm động tác xoay và lộn vòng. Khi bay cùng một phi công khác, bà sẽ đi trên đôi cánh, sau đó nhẹ nhàng nhảy dù xuống đất.

Biểu tượng của sự ngoan cường

Thực tế, vào những năm 1920 ở Mỹ, phân biệt đối xử là một vấn đề nhức nhối. Khán giả buộc phải sử dụng các lối đi riêng tại rạp chiếu phim dựa theo màu da của họ. Bessie Coleman là một trường hợp bất thường trong ngành hàng không nhờ ý chí và sự kiên trì tuyệt đối. Mặc dù báo chí của người da màu theo dõi sự nghiệp của bà nhưng báo chí chính thống của người da trắng thì không. Trong thời đại của luật Jim Crow thực thi sự phân biệt chủng tộc, bà quyết tâm thành công và biến ước mơ của mình thành hiện thực. "Tôi không chấp nhận câu trả lời là không", bà Bessie nói.

“Bessie dũng cảm” - Ảnh 2.

Chứng chỉ phi công quốc tế của bà Bessie Coleman được cấp năm 1921

Cảm giác hồi hộp khi bay lượn và sự ngưỡng mộ của đám đông cổ vũ chỉ là một phần trong giấc mơ của Bessie. Bà cũng là một biểu tượng về sự ngoan cường. Cam kết thúc đẩy hàng không và chống phân biệt chủng tộc, bà Bessie đã nói chuyện với khán giả trên khắp đất nước về việc theo đuổi ngành hàng không và các mục tiêu cho người Mỹ gốc Phi. Bà từ chối tham gia các sự kiện hàng không cấm người Mỹ gốc Phi tham dự. Với quá trình đó, nữ phi công táo bạo này đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ phụ nữ cất cánh, khẳng định mình trong nhiều lĩnh vực.

Ngày 22/2/1923, sau khi mua một chiếc máy bay riêng, bà Bessie đã gặp tai nạn nghiêm trọng ở Los Angeles. Ở độ cao 100m, động cơ của máy bay dừng hoạt động rồi lao thẳng xuống đất. Nữ phi công bị gãy chân, gãy 3 xương sườn và nhiều vết rách trên mặt. Trên giường bệnh, bà Bessie nói rằng vụ tai nạn là một bước lùi nhỏ chứ không phải khoảnh khắc có thể kết liễu cuộc đời mình. Bà Bessie mất vài tháng để hồi phục. Bà quay trở lại với công việc mạo hiểm và bắt đầu tiết kiệm tiền cho một giấc mơ khác. Bà muốn mở một trường dạy lái máy bay để những người Mỹ gốc Phi khác có thể trải nghiệm sự tự do giống như bà. Bà Bessie nói: "Người da màu không cần phải trải qua nỗi khó khăn mà tôi phải đối mặt. Vì vậy, tôi quyết định mở một trường dạy cho những người phụ nữ da màu khác bay. Tai nạn có thể xảy ra và sẽ có người thay thế tôi".

“Bessie dũng cảm” - Ảnh 3.

Bưu điện Mỹ đã phát hành con tem 32 xu tôn vinh bà Bessie Coleman năm 1995

Bà đã mua một chiếc Curtiss JN-4 (Jenny) ở Dallas. Thợ máy và đại diện công khai của bà là William D. Wills đã lái máy bay từ Dallas để chuẩn bị cho một buổi trình diễn và phải thực hiện ba lần hạ cánh bắt buộc trên đường đi vì máy bay được bảo dưỡng quá kém. Ngày 30/4/1926, tại Florida, bà Bessie cất cánh trên một chiếc máy bay hai cánh ở ghế phi công phía sau cùng với người thợ máy William Wills đang lái chính. Bà Bessie nghiêng người qua một bên để dò tìm vị trí hạ cánh cho cuộc nhảy dù được lên kế hoạch vào cuối ngày hôm đó. Ở độ cao hơn 1.000m, chiếc máy bay bất ngờ lao chúi mũi và lật nhào. Bà Bessie bị văng khỏi máy bay và ngã tử vong. Thợ máy Wills cũng thiệt mạng khi máy bay rơi sau đó giây lát. Các nhà điều tra kết luận đây là một vụ tai nạn: Một đai ốc bị lỏng đã làm kẹt bộ điều khiển, khiến máy bay mất kiểm soát. Cái chết của bà Coleman ở tuổi 34 là tin tức trên trang nhất báo của người da màu, trong khi báo chí chính thống chủ yếu tập trung vào cái chết của Wills vì ông ấy là người da trắng.

Mặc dù bà Bessie không có cơ hội mở trường dạy lái máy bay của mình nhưng di sản của bà để lại đã truyền cảm hứng học lái máy bay cho nhiều người Mỹ gốc Phi khác. Câu lạc bộ Bessie Coleman Aero được thành lập để tưởng nhớ bà, giúp mang lại cơ hội được bay trên bầu trời cho cộng đồng người da màu. Một số giải thưởng Học bổng Bessie Coleman đã được thành lập dành cho học sinh lớp 12 có kế hoạch phát triển sự nghiệp trong ngành hàng không. Bưu điện Mỹ cũng đã phát hành con tem 32 xu tôn vinh Bessie Coleman năm 1995. Năm 2001, Bessie Coleman được giới thiệu vào Đại sảnh Danh vọng Phụ nữ Quốc gia và năm 2006 được giới thiệu vào Đại sảnh Danh vọng Hàng không Quốc gia Mỹ. Năm 2021, Liên minh Thiên văn Quốc tế đã đặt tên Bessie Coleman cho một ngọn núi hình trái tim trên Sao Diêm Vương để vinh danh bà.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm