Lênh đênh kiếm sống trên hồ Thác Bà

Hoàng Sa
13/10/2023 - 21:08
Lênh đênh kiếm sống trên hồ Thác Bà

Một góc hồ thủy điện Thác Bà, huyện Yên Bình, Yên Bái

Những phụ nữ người dân tộc thiểu số ở ven hồ thủy điện Thác Bà ngày ngày lầm lũi mưu sinh bằng nghề đánh bắt tôm cá với nhiều nỗi gian nan.

Ngày ngày trên hồ thủy điện Thác Bà, Yên Bái, có hàng trăm người phụ nữ lênh đênh làm công việc đánh bắt tôm cá. Mỗi chiếc thuyền máy thường có một cặp vợ chồng cùng đi đánh bắt.

Họ xuất bến vào khoảng thời gian chiều tối đi thả bẫy ở các khu vực hồ ven đảo, mỗi thuyền mang theo cả nghìn rọ tôm. Rọ nọ nối với rọ kia bằng một sợi dây, trong rọ đặt sẵn mồi rồi tất cả được thả xuống nước. Rọ được thả từ đêm hôm trước, sáng hôm sau họ lại đi từ 4-5h để thu bẫy bắt tôm cá. Đến khoảng 9-10h sáng, các thuyền mua gom tấp vào mua hàng của họ, thành quả lao động của một ngày được thanh toán luôn trên mặt hồ. 

Những phụ nữ mưu sinh trên hồ Thác Bà  - Ảnh 1.

Bến thuyền đánh bắt tôm cá ở xã Mông Sơn, huyện Yên Bình, Yên Bái

Chị Hà Thị Thịnh, ở xã Mông Sơn, Yên Bình, cho biết: "Vợ chồng tôi làm nghề đánh tôm cá ở hồ Thác Bà đã hơn chục năm. Vào những ngày lễ tết, ngày mưa bão hoặc có công việc gia đình thì mới nghỉ, còn không thì ngày nào 2 vợ chồng cũng đi đánh tôm cá như thế này. Làm lâu rồi, thành ra quen với công việc, ngày nào cũng thức khuya dậy sớm, nó trở thành nghề mưu sinh chính của gia đình tôi".

Chị Bàn Thì Hay, ở xã Mông Sơn, chia sẻ: "Nhờ có hồ Thác Bà nên chị em ở khu vực ven hồ có công việc làm ổn định là đi đánh bắt tôm cá. Thu nhập không quá nhiều nhưng cũng đủ đáp ứng cho cuộc sống gia đình. Thế nên hầu như nhà nào cũng đi đánh bắt tôm cá. Để làm công việc này thì cũng phải đầu tư vốn mua thuyền và mua rọ".

Công việc đánh bắt tôm cá nhìn có vẻ không quá nặng nhọc nhưng thực tế thì lại khá gian nan với chị em phụ nữ. 

Ông Nguyễn Công Khiêm, một chủ thu gom tôm cá ở xã Mông Sơn, cho biết: "Do đánh bắt tự nhiên nên họ lệ thuộc vào nhiều yếu tố lắm. Hôm nào may mắn thì kiếm được 500-700 nghìn, hôm ít thì chỉ được 200-300 nghìn đồng. Vào mùa nước cạn thì có thể kiếm được khá hơn, nước đầy như mùa này thì khó đánh bắt. Nhưng nói chung là làm nghề này cũng khá vất vả, đặc biệt là chị em phụ nữ, cứ lênh đênh trên sông nước, mùa Đông thì rét buốt, mùa nóng thì mướt mải lắm".

Những phụ nữ mưu sinh trên hồ Thác Bà  - Ảnh 2.

Những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn xuất đi Hà Nội được chị em bán ngay tại bến thuyền cho tiểu thương ở địa phương

Bà Triệu Thị May, ở xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, chia sẻ: "Phụ nữ đi đánh bắt lênh đênh trên hồ vất vả lắm nhưng vì kiếm sống cho gia đình thì phải chấp nhận thôi. Mùa nóng, ngồi trên thuyền nóng nực, hơi nước nóng ở mặt hồ bốc lên rất khó chịu. Nhiều khi vào ngày mưa bão kéo dài, nếu đi đánh bắt cá thì có thể được nhiều hơn. Thế nhưng mức độ nguy hiểm lại vô cùng lớn, thậm chí là có thể nguy hiểm đến tính mạng, vì lúc ấy sóng nước ở hồ rất mạnh, nên người dân chỉ còn cách ngồi nhà chờ ngày mưa bão đi qua mà thôi. Mọi chi phí cuộc sống gia đình đều lệ thuộc vào nghề đánh bắt tôm cá, không thì cũng chẳng biết làm công việc gì khá hơn".

Những phụ nữ mưu sinh trên hồ Thác Bà  - Ảnh 3.

Hồ thủy điện Thác Bà đã tạo ra nguồn lợi thủy sản giúp chị em người dân tộc thiểu số mưu sinh

Ngày nay, việc thương lái về thu mua tôm cá ngay tại bến cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân làm nghề đánh bắt. Sau mỗi ngày lao động, sản phẩm được tiêu thụ hết luôn, những loại hàng đủ tiêu chuẩn chất lượng thì được vận chuyển về Hà Nội, số hàng còn lại thì bán cho tiểu thương ở địa phương. 

Một số chủ hàng từ Hà Nội đã về đặt mua hàng thủy sản ở địa phương đều đặn, ngày nào cũng có xe đông lạnh về gom hàng. Vậy nên đầu ra cho sản phẩm đối với người dân làm nghề đánh bắt cũng được thuận lợi hơn so với trước kia. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm