pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những phụ nữ mưu sinh bên thác Bản Giốc
Nhộn nhip mưu sinh bên dòng thác
Dưới thác Bản Giốc nước trắng sáng như bạc đổ về phía hạ lưu sông Quây Sơn có hàng trăm phụ nữ người dân tộc Tày, Nùng ở xã Đàm Thủy, từ già đến trẻ, đang miệt mài bán hàng và làm các dịch vụ du lịch.
Hoạt động dịch vụ ở khu vực thác Bản Giốc khá nhộn nhịp. Hàng ngày chị em từ các thôn bản cùng nhau đến khu vực thác, mang theo các loại hàng hóa để bán cho du khách. Người thì dắt ngựa, người mang hàng hóa là bánh kẹo, nước giải khát, nước uống, đồ lưu niệm…vv, rất đa dạng về loại hình để bán.
Có những cụ già hơn 80 tuổi nhưng vẫn miệt mài ngồi bán hàng cho khách du lịch. Những chị em trẻ thì năng động hơn. Họ không chỉ bán cho du khách người Việt Nam, mà còn bán cho cả du khách nước ngoài khi họ có nhu cầu mua sản phẩm của người Việt Nam về làm kỷ niệm.
Việc chọn khu vực thác Bản Giốc làm dịch vụ du lịch của người dân địa phương đã diễn ra từ hàng chục năm về trước. Khi đó, mọi thứ còn khá sơ khai. Một số người dân chủ yếu mang các loại hàng hóa do chính tay họ sản xuất để bán cho du khách. Sau này, du lịch phát triển mạnh, khách đến nhiều, thì phụ nữ ở địa phương đã về đây buôn bán ngày càng sôi động hơn. Nhờ đó kinh tế của các hộ gia đình người dân ở quanh khu vực thác Bản Giốc cũng khá phát triển.
Nhanh nhạy tiếp cận nhu cầu khách hàng
Các chị em làm dịch vụ du lịch và bán hàng ở khu vực thác Bản Giốc khá năng động, nhanh nhạy trong việc tiếp cận với nhu cầu, thị hiếu của du khách. Người thì chọn làm dịch vụ cho thuê ngựa, người chọn đi bè chở khách, người bán hàng hóa là đồ ăn, đồ lưu niệm, nên có thể nói các loại dịch vụ hàng hóa ở đây khá đa dạng.
Cụ Hoàng Thị Nọn 86 tuổi, người có thâm niên bán hàng lâu nhất ở thác Bản Giốc
Những cụ trên 80 tuổi thì lựa chọn bán các loại mặt hàng như đồ lưu niệm, đồ chơi, bởi các cụ chỉ ngồi một chỗ nên chọn bán các loại mặt hàng không bị hư hỏng, nếu như để lâu không bán được. Những người trẻ thì chọn bán các loại mặt hàng như đồ ăn, đồ uống, đồ khô như bánh kẹo, thuốc lá, cà phê…vv. Còn một số chị em thì lại lựa chọn làm dịch vụ đi bè mảng, cho thuê ngựa, chạy xe ôm.
Những phụ nữ làm dịch vụ cho thuê ngựa
Chị Nông Thị Uốn ở thôn Bản Giốc chia sẻ: “Tôi làm dịch vụ cho thuê ngựa để chụp ảnh từ mấy năm nay, mỗi lượt khách thuê ngựa là 30 nghìn đồng. Mỗi ngày cũng có thu nhập khoảng 200 - 300 nghìn đồng. Vào những ngày lễ tết thì đông khách nên có thể kiếm được nhiều hơn. Công việc cho thuê ngựa cũng khá tốt, nhưng cũng phải đầu tư nhiều, mỗi con ngựa hiện nay có giá khoảng trên dưới 70 triệu đồng. Hàng tháng phải đầu tư chăm sóc nuôi dưỡng ngựa. Công việc này cũng khá phù hợp với người dân địa phương, nó cũng tạo ra nguồn thu nhập khá ổn định cho chúng tôi”.
Số người tham gia bán hàng ở bên sông Quây Sơn là đông hơn cả, có tới gần trăm người. Hàng ngày họ vận chuyển hàng hóa và túc trực đón khách để bán hàng.
Chị Nông Thị Thoa, ở thôn Khuổi Ky, xã Đàm Thủy, cho biết: Mỗi ngày đi bán hàng như thế này cũng kiếm được khoảng 300 nghìn đồng. Nếu ngày đông khách thì chị em kiếm được khá hơn. Nên cũng có đồng ra đồng vào để trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con cái học hành. Nếu không có nghề bán hàng ở thác Bản Giốc, thì thật sự là kinh tế của người dân nơi đây sẽ gặp khó khăn".
Vì bán hàng hóa, làm dịch vụ du lịch, nên mỗi chị em đều phải nắm bắt nhu cầu thị hiếu của du khách, qua đó lựa chọn những loại hàng hóa phù hợp. Hầu hết chị em đều rất nhanh nhạy trong việc kinh doanh buôn bán.
Bà Triệu Thị Huệ, Chủ tịch Hội LHPN xã Đàm Thủy, cho biết: "Chị em phụ nữ ở địa phương nói chung là khá nhanh nhẹn, giỏi buôn bán, nên nhờ đó mà kinh tế các hộ gia đình ở xã Đàm Thủy cũng khá hơn trước. Đồng thời cũng làm tăng vai trò ở địa phương khi chị em nắm giữ vai trò chủ động trong lao động và sản xuất kinh doanh của gia đình. Đây là những điều đáng mừng".