Lịch sử phong trào đấu tranh đòi bình đẳng giới

22/06/2016 - 09:58
Quyền bình đẳng của phụ nữ có được như ngày nay là kết quả của quá trình đấu tranh không mệt mỏi của nhiều thế hệ phụ nữ, của từng cá nhân cũng như những hoạt động có tính tập thể của phong trào giải phóng phụ nữ.
Nước Pháp là một trong những quê hương của phong trào đấu tranh giải phóng phụ nữ.

Năm 1789, ở Pháp bắt đầu xuất hiện chủ nghĩa nữ quyền. Năm 1791, Olympe de Gouges đã soạn thảo Tuyên ngôn về quyền của phụ nữ và công dân để yêu cầu nhà chức trách công nhận cho phụ nữ các quyền giống như quyền đã được tuyên bố trong Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền Pháp năm 1789.
5.jpg
Olympe de Gouges - nhà tiên phong của phong trào nữ quyền. 
Ngày 8/3/1857, để chống lại việc bị bắt buộc phải lao động 12 giờ một ngày trong những điều kiện làm việc hết sức khắc nghiệt, các nữ công nhân ngành dệt tại New York - Mỹ đã đứng lên đấu tranh chống lại giới chủ.

Đó là những phản kháng đầu tiên của lực lượng lao động nữ trong việc đòi quyền lợi cho mình. Một mốc thời gian đáng ghi nhớ là vào ngày 8/3/1899, để chống lại việc các chủ tư bản Mỹ bóc lột lao động nữ và lao động trẻ em trong các nhà máy, xí nghiệp, 15.000 nữ công nhân ngành dệt và ngành may đã tham gia diễu hành trên các đường phố tại 2 thành phố Chicago và New York của Mỹ đòi tăng lương, giảm giờ làm khiến giới chủ phải nhượng bộ.

Thắng lợi đó đã cổ vũ tinh thần đấu tranh của phụ nữ lao động Mỹ để rồi tháng 2/1909, lần đầu tiên phụ nữ khắp nơi trên đất Mỹ đã tổ chức “Ngày phụ nữ” mít tinh, biểu tình đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Những cuộc đấu tranh đầu tiên đó của nữ công nhân Mỹ đã có tiếng vang lớn, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh của phụ nữ lao động trên toàn thế giới.

Ngày 26-27/8/1910, Đại hội lần thứ II của những người phụ nữ thế giới gồm 100 đại biểu đến từ 17 nước theo sáng kiến của bà Clara Zetkin đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày Quốc tế Phụ nữ để nhớ ơn những người phụ nữ đã đấu tranh cho phong trào giải phóng phụ nữ trên toàn thế giới.
cuc-biu-tnh-ca-ch-em-cng-nhn-ngnh-dt-may-chicago-v-new-york.jpg
 Cuộc biểu tình của chị em công nhân ngành dệt, may ở Chicago và New York.
Bên cạnh những thắng lợi giành được về quyền lao động, một quyền chính trị quan trọng của phụ nữ là quyền bầu cử cũng đã từng bước thừa nhận lần lượt ở các nước.

Ba nước đầu tiên trên thế giới công nhận cho phụ nữ có quyền bỏ phiếu là New Zealand vào năm 1893 (nhưng trên thực tế, phụ nữ chỉ có thể chính thức trở thành ứng cử viên vào năm 1919), Australia vào năm 1902 và Phần Lan vào năm 1906. Sau đó, một số bang của Mỹ cũng cho phép phụ nữ có quyền bầu cử. Lần lượt, nhiều nước trên thế giới đã công nhận quyền bầu cử cho phụ nữ. Không chỉ dừng lại ở dịp kỷ niệm ngày 8/3 hàng năm, sau này, quyền của phụ nữ đã được pháp luật quốc tế bảo vệ.

Năm 1945, trong Hiến chương Liên Hợp quốc, quyền bình đẳng nam nữ đã được công nhận, không chỉ với tư cách là một trong những quyền của con người mà còn là một quyền cơ bản của con người. Ngay Điều 1, Hiến chương Liên Hợp quốc đã khẳng định một trong những mục tiêu mà Liên Hợp quốc theo đuổi là “khuyến khích phát triển sự tôn trọng các quyền của con người và các tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ”.

Như vậy, quyền của phụ nữ trong việc được đối xử bình đẳng với nam giới đã được bảo vệ trong một văn bản pháp lý quốc tế cao nhất như Hiến chương Liên Hợp quốc. Lịch sử phong trào đấu tranh giải phóng phụ nữ bước sang một trang mới.

Sau đó, vào ngày 10/12/1948, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người, trong đó một lần nữa khẳng định niềm tin vào “các quyền cơ bản của con người, vào nhân phẩm và giá trị của mỗi con người, vào các quyền bình đẳng giữa nam và nữ” (Lời nói đầu Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người). Điều 2 bản Tuyên ngôn này khẳng định: “Mọi người sinh ra đều được hưởng tất cả các quyền tự do nêu trong bản Tuyên ngôn này, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính…”.

Với Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người, lần đầu tiên, nguyên tắc bình đẳng nam nữ trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội được khẳng định một cách rõ ràng trong một văn bản pháp lý quốc tế. Đặc biệt, trong bản Tuyên ngôn này, phụ nữ và trẻ em không chỉ là đối tượng được khuyến cáo đối xử bình đẳng với các đối tượng khác mà còn là đối tượng được bảo vệ đặc biệt: “Người mẹ và trẻ em được bảo đảm sự chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt. Tất cả trẻ em, dù sinh ra trong hay ngoài giá thú, đều được hưởng bảo trợ xã hội như nhau” (Điều 25, Khoản 3).

Ngày 16/12/1966, Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua 2 Công ước quốc tế quan trọng là Công ước về các quyền dân sự và chính trị và Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, trong đó nguyên tắc bình đẳng nam nữ lại tiếp tục được khẳng định. Điều 3 của Công ước này khẳng định: “Các quốc gia thành viên của Công ước này cam kết đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong việc hưởng thụ tất cả các quyền dân sự và chính trị mà Công ước đề ra”.

Với 2 bản Công ước nói trên, nội dung các quyền của phụ nữ ngày càng mở rộng và phát triển sâu sắc hơn, vấn đề quyền của phụ nữ trên thế giới đã có những thay đổi tích cực. Các quốc gia thành viên tham gia vào các công ước quốc tế nói trên đã có những động thái tích cực trong việc đảm bảo quyền của phụ nữ.
diu-hnh-k-nim-ngy-ginh-quyn-bnh-ng-gii-ti-philippines-nm-2008.jpg
 Diễu hành kỷ niệm ngày giành quyền bình đẳng giới tại Philippines năm 2008.
Tuy nhiên, 50 năm sau Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người và hơn 20 năm sau sự ra đời của 2 bản Công ước về quyền dân sự và chính trị và Công ước về các quyền văn hóa xã hội, người ta đã bắt đầu nhận ra rằng những văn kiện nói trên mới chỉ nêu lên được sự bình đẳng về mặt hình thức địa vị pháp lý giữa nam và nữ.

Những bất cập trong việc thực thi quyền bình đẳng nam nữ tại nhiều quốc gia trên thế giới khiến người ta thấy rằng muốn đạt được sự bình đẳng thực chất, cần phải có những điều kiện cụ thể để các quyền bình đẳng hình thức nói trên được thực thi trong thực tiễn.

Điều đó có nghĩa là cần phải có một văn bản có giá trị pháp lý quốc tế ràng buộc các quốc gia thành viên nhằm đảm bảo rằng, tại các quốc gia đó, các cơ quan có thẩm quyền đề ra được những biện pháp cụ thể để quyền bình đẳng giữa nam và nữ được thực thi trong thực tiễn.

Năm 1972, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc yêu cầu Ủy ban về Địa vị của phụ nữ tiến hành các hoạt động nghiên cứu và khảo sát đề chuẩn bị ban hành một công ước với mục tiêu như trên. Công ước được hoàn thành năm 1979 và được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua ngày 18/12/1979 với tên gọi Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ  (CEDAW) và có hiệu lực từ ngày 3/8/1981.

Tính đến nay đã có hơn 185 quốc gia thành viên tham gia Công ước. (Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký tham gia Công ước vào ngày 29/7/1980 và phê chuẩn vào ngày 27/11/1981).Tuy nhiên, vẫn còn một số quốc gia, trong đó có Mỹ chưa phê chuẩn.

Mục đích ban hành của CEDAW là tạo ra một công cụ pháp lý quốc tế có hiệu quả để ngăn chặn và tiến tới loại bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, nâng cao địa vị của người phụ nữ trong đời sống gia đình và trong xã hội ở các cấp độ quốc gia lẫn cấp độ quốc tế.

Các quy định của CEDAW không chỉ công nhận một nguyên tắc chung, có tính nền tảng về bình đẳng giữa nam và nữ trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội mà còn yêu cầu các nước thành viên cam kết sử dụng các biện pháp, kể cả biện pháp pháp lý trong việc bảo đảm thực thi quyền bình đẳng này trên thực tế.

Bên cạnh Công ước CEDAW, Liên Hợp quốc còn thông qua một số văn kiện quốc tế khác trong đó có những điều khoản liên quan đến quyền phụ nữ như Công ước về quyền trẻ em năm 1990, Tuyên ngôn về xóa bỏ bạo lực chống lại phụ nữ. Một số văn bản pháp lý quốc tế không có tính ràng buộc liên quan đến phụ nữ cũng được thông qua tại các diễn đàn quốc tế như Tuyên bố Viên và Chương trình hành động ngày 25/6/1993 và Tuyên bố Bắc Kinh và Cương lĩnh hành động toàn cầu tháng 9/1995.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm