Với chủ đề "Bình đẳng giới, hòa bình thế giới và công bằng xã hội cho tất cả", Cuộc họp được khai mạc với sự tham dự của Tổng thư ký Đảng SWAPO (Namibia), Chủ tịch Hội Phụ nữ toàn châu Phi và nhiều lãnh đạo nữ Namibia.
Trong Hội thảo chuyên đề 1, Tổng thư ký Đảng SWAPO (Namibia) bà Sophia Shaningwa giới thiệu khái quát tình hình chính trị châu Phi và vai trò của Đảng SWAPO, đặc biệt trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Năm 2013 Đảng SWAPO đưa vào Điều lệ Đảng nguyên tắc 50-50 để đảm bảo sự tham gia bình đẳng của nam và nữ trong Đảng, đồng thời các danh sách lãnh đạo đều theo mô hình "ngựa vằn" - có sự đan xen nam nữ để khắc phục việc phụ nữ chỉ đảm nhiệm cấp phó.
Hội thảo 2 tập trung thảo luận về các tác động tiêu cực của công nghệ thông tin và mạng xã hội đối với xã hội, nhấn mạnh việc phụ nữ cần làm chủ công nghệ và đấu tranh đưa hình ảnh chân thực của phụ nữ lên truyền thông, chống lại việc lạm dụng hình ảnh phụ nữ như hiện nay.
Cuộc họp dành riêng một phiên để thảo luận công tác chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 17 của Liên đoàn diễn ra vào năm 2020. Hội LHPN Việt Nam được cử tham gia Tiểu ban Văn kiện.
Cuộc họp cũng tập trung thảo luận tình hình phụ nữ tại các khu vực trên thế giới, thể hiện tình đoàn kết với phụ nữ đang chịu ảnh hưởng của chiến tranh, xung đột, bạo lực... Sau các phiên thảo luận, Ban Lãnh đạo Liên đoàn đã nhất trí thông qua các Nghị quyết lên án bạo lực giới và phân biệt đối xử với phụ nữ, cảnh báo về hoàn cảnh nguy hiểm của phụ nữ trong xung đột, khủng bố, buôn bán người, lên án chủ nghĩa đế quốc, phản đối chiến tranh xâm lược, gây hấn, vi phạm độc lập chủ quyền và quyền tự quyết của các dân tộc, như việc Mỹ cấm vận Cuba.
Liên đoàn cũng thông qua Nghị quyết bày tỏ tình đoàn kết, chia sẻ với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam, yêu cầu các công ty hóa chất Mỹ có liên quan phải bồi thường thiệt hại và Chính phủ Mỹ cam kết mạnh mẽ, hợp tác hơn nữa với Việt Nam trong việc tẩy độc và giúp đỡ các nạn nhân và gia đình họ.
Bên lề Hội nghị, đoàn đã có buổi làm việc với Hội đồng Phụ nữ Đảng SWAPO-Namibia. Phó Chủ tịch Trần Thị Hương cảm ơn sự chu đáo, hiếu khách của chủ nhà Namibia, đóng góp vào thành công của Cuộc họp. Hai bên trao đổi về tình hình, các hoạt động trọng tâm của mình và cơ hội hợp tác sắp tới.
Namibia giành độc lập từ 1990, tuy nhiên bạn đã chuẩn bị nhân sự cho phong trào phụ nữ và các vị trí lãnh đạo nữ từ trước đó. Hiện nay Namibia có 45 phụ nữ trong Quốc hội (gồm 98 đại biểu), tỉ lệ nữ lãnh đạo trong Chính phủ và Quốc hội cũng rất cao. Hội đồng Phụ nữ Namibia thể hiện sự khâm phục trước các hoạt động đa dạng, hiệu quả của Hội LHPN Việt Nam và mong sớm cử đoàn đại biểu sang thăm làm việc tại Việt Nam.
Trong thời gian quá cảnh, đoàn cũng đã có buổi làm việc với Uỷ ban Bình đẳng giới của Đảng Cộng sản Nam Phi, Liên đoàn Phụ nữ Đảng ANC – Đảng cầm quyền tại Nam Phi và với Sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, thảo luận các cơ hội hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, sắp tới giữa phụ nữ hai nước.