pnvnonline@phunuvietnam.vn
Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm ở trường học: "Điểm danh" các lỗi vi phạm
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu thăm khám cho trẻ bị ngộ độc
40 học sinh lớp 5 có biểu hiện ngộ độc, nghi do thực phẩm
Ngày 8/12, bác sĩ Vi Hồng Kỳ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu (Sơn La), cho biết tối 7/12, bệnh viện đã tiếp nhận 40 học sinh có biểu hiện ngộ độc, nghi do thực phẩm.
Theo bác sĩ Kỳ, các học sinh nhập viện với biểu hiện đau bụng, buồn nôn. Qua khai thác bệnh sử, được biết các em học sinh trên đều học lớp 4, Trường Tiểu học Mộc Lỵ (huyện Mộc Châu). Sau khi ăn tối tại một nhà hàng, các em có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ tiến hành thăm khám. Qua đánh giá ban đầu, các trường hợp được chẩn đoán theo dõi nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn. Ngay lập tức, bác sĩ đã truyền dịch chống độc, giảm co cho các bệnh nhi.
Sau 4 tiếng nhập viện, có 37 học sinh đã được xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định; 3 trường hợp tiếp tục ở lại theo dõi. Đến sáng ngày 8/12, sau khi các bác sĩ đánh giá tình hình sức khỏe ổn định, 3 học sinh này cũng đã được xuất viện.
Sau khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, lãnh đạo huyện Mộc Châu đã đến động viên các em học sinh và chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương lẫy mẫu thực phẩm xác định nguyên nhân vụ việc.
Trước đó, ngày 17/11, hàng trăm học sinh trường iSchool (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) sau khi ăn trưa tại trường thì có biểu hiện đau bụng, nôn ói, tiêu chảy và sốt, nghi bị ngộ độc thực phẩm. Tổng cộng đã có gần 700 học sinh được đưa tới các bệnh viện trên địa bàn tỉnh thăm khám, cấp cứu, trong đó nhiều học sinh chuyển biến nặng. Đặc biệt, một bệnh nhi 6 tuổi đã tử vong trên đường chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh). Các bác sĩ chẩn đoán, vào thời điểm nhập viện, bệnh nhi bị sốc nhiễm trùng và ngộ độc thực phẩm.
Theo kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang, có 3 loại vi khuẩn được phát hiện qua xét nghiệm mẫu cánh gà chiên (thực phẩm mà các học sinh ăn bữa trưa) là Salmonella spp, Escherichia coli và Bacillus cereus. Trong đó, Bacillus cereus - chủng sinh độc tố ly giải hồng cầu và độc tố ruột không ly giải hồng cầu - còn có trong mẫu nước mắm. Hiện Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo quy định tại điều 317 Bộ luật hình sự, xảy ra tại Trường iSchool Nha Trang để điều tra.
* Khoảng 15h ngày 25/11, 16 học sinh trường Tiểu học Nguyễn Trãi (phường 7, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) có biểu hiện nôn ói, đau bụng, tiêu chảy… sau khi được ăn bánh, dưa hấu và uống sữa. Các học sinh đã được ban giám hiệu nhà trường đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang cấp cứu, theo dõi và điều trị.
Vi phạm những lỗi nào?
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội tên địa bàn thành phố có 4.526 cơ sở giáo dục với 4.538 bếp ăn tập thể và căng-tin trường học.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học, thời gian qua, TP Hà Nội đã thành lập các đoàn thanh kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm. Trong đó, tập trung vào điều kiện an toàn thực phẩm và kiểm soát nguyên liệu đầu vào tại bếp ăn tập thể các trường học.
Qua kiểm tra 215 cơ sở, có 182 cơ sở đạt, chiếm tỷ lệ 84,7%. Theo đánh giá, một số tồn tại ở các bếp ăn tập thể như khu bàn chia đồ ăn chín chưa phù hợp, thiếu dụng cụ che đậy bảo quản đồ ăn chín tại khu vực ra đồ. Một số bếp ăn tập thể chưa có xe chuyên dụng để vận chuyển suất ăn sẵn; chưa có biện pháp để bảo quản đồ ăn chín theo quy định, thùng rác tại một số nơi trong khu vực bếp không có nắp đậy kín.
Ngoài ra, qua truy xuất nguồn gốc thực phẩm cho thấy có một số lỗi như thực hành của nhân viên sơ chế, đóng gói chưa được thường xuyên. Nhiều nơi còn sơ chế và đóng gói nguyên liệu trực tiếp dưới nền nhà. Nhiều trường chưa thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm tra giám sát định kỳ và đột xuất tại các cơ sở cung cấp nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm cho bếp ăn tập thể. Các đơn vị cung cấp thực phẩm (rau, củ, quả) chưa chứng minh được nguồn gốc đến địa chỉ trồng trọt.
Cách chăm sóc trẻ bị ngộ độc thức ăn
Theo các chuyên gia, các triệu chứng thường xuất hiện sau khi ăn đồ bị nhiễm độc từ 1 giờ tới 3 ngày. Trẻ có thể nôn liên tục hoặc vài lần trong ngày. Bên cạnh đó, trẻ còn đau bụng dữ dội, đau quặn từng cơn sau đó đi ngoài tiêu chảy. Tùy vào tác nhân gây ngộ độc mà dấu hiệu nôn trớ nổi bật hay đi ngoài nhiều hơn. Khi trẻ có những dấu hiệu trên, phụ huynh nên cho con đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kíp thời. Nếu trẻ bị nặng sẽ được điều trị nội trú, trường hợp nhẹ có thể điều trị ngoại trú.
Cách chăm sóc tại nhà cho trẻ bị nhiễm trùng, nhiễm độc do thực phẩm:
- Đặt trẻ nằm, đầu nghiêng sang một bên để tránh tình trạng hít sặc. Bù nước và chất điện giải bị mất do nôn trớ.
- Thay đổi chế độ ăn giúp bé phục hồi nhanh hơn. Cụ thể, cho trẻ ăn cháo, uống nước bù điện giải Orezol. Nếu tình trạng nôn trớ vẫn xảy ra, tạm ngưng ăn trong 1 giờ sau đó cho ăn lại với lượng ăn ít hơn từng ngụm hoặc từng thìa. Khi trẻ ổn định, cho ăn trở lại bình thường nếu trẻ không nôn trớ nữa. Thức ăn tiếp theo nên là loại dễ tiêu hóa như cháo, cơm mềm, bánh mì, súp nghiền…
- Theo dõi nhiệt độ thường xuyên, dịch nôn trớ, phân và nước tiểu của trẻ. Nếu có dấu hiệu nặng như nôn nhiều, chất nôn có máu hoặc ngả xanh, trẻ không uống hoặc bỏ bú, mệt, sốt cao, phân có máu…, cần đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.