Liệt nữ xứ Đoài thành phúc thần của vùng đất Yên Hưng

Nguyễn Thị Thiện
27/07/2018 - 11:01
Liệt nữ xứ Đoài thành phúc thần của vùng đất Yên Hưng
Đó là Anh hùng liệt sỹ Minh Hà, một người con xứ Đoài (vùng đất Sơn Tây). Liệt sĩ Minh Hà đã dành trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và hy sinh ở tuổi 22 trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Tuổi 17 trái tim dâng Tổ quốc

Tượng đài liệt sĩ Minh Hà tại Trường học mang tên bà (trường THPT Minh Hà, Quảng Ninh)

 

Ở huyện Thạch Thất (Hà Nội), đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ Kháng chiến chống Pháp, có 3 cá nhân được Nhà nước phong tặng và truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang và 1 cá nhân được phong tặng Anh hùng Lao động. Trong số đó, duy nhất có 1 liệt nữ, đó là Anh hùng liệt sĩ Minh Hà.  

Tên thật của bà là Đỗ Thị Sinh (1925 - 1947). Bà sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho tại thôn 3, xã Canh Nậu (Thạch Thất, Hà Nội). Phụ thân bà là cụ Đỗ Khắc Tuân, người từng được triều đình nhà Nguyễn sắc phong Cửu phẩm  văn giai  năm 1926, thời Bảo Đại nguyên niên (năm đầu tiên vua Bảo Đại lên ngôi). Là người  có lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc, năm 1942, bà đã sớm tìm đến ánh sáng của lý tưởng Cách mạng. Nhờ người anh rể là Nguyễn Văn Canh (sau làm Bí thư Đảng uỷ xã Canh Nậu, liệt sỹ thời kỳ chống Pháp), bà đã được dìu dắt và giác ngộ về Đảng.

 

Tham gia hoạt động Cách mạng, bí danh của bà là Minh Hà. Khi ấy, mới 17 tuổi, Minh Hà được cha mẹ cho đi học lớp cứu thương tại Hưng Yên, sau đó trở về vừa làm y tá tại Nhà thương Sơn Tây (Bệnh viện Sơn Tây ngày nay) vừa làm công tác tuyên truyền vận động cách mạng trong quần chúng.

 

Không lâu sau, năm 1944, Minh Hà được tổ chức giao nhiệm vụ tham gia gây dựng tổ chức Việt Minh tại khu vực giáp ranh liên huyện ở các xã: Hiệp Thuận (huyện Quốc Oai) và xã Canh Nậu (huyện Thạch Thất). Dưới các hình thức: tập võ gậy, làm công tác vệ sinh..., bà đã tập hợp được quần chúng, tuyên truyền giác ngộ Cách mạng cho họ. Đến tháng 1/1945, tổ chức Việt Minh tại địa phương do bà lãnh đạo đã thực hiện các hoạt động như: rải truyền đơn, tập hợp lực lượng, chống thu thóc tạ, cảnh cáo bọn phản động đàn áp nhân dân...

 

Thân nhân viếng mộ liệt sĩ Minh Hà.
 

Một lòng kiên trung

 

Ngày 12/5/1945, bà bị bọn Nhật bắt khi đang viết tài liệu tuyên truyền về chính sách của Việt Minh. Thấy Minh Hà còn trẻ, có nhan sắc lại hiểu biết rộng (bà khá thạo tiếng Nhật), bọn giặc đã dùng đủ mọi mánh khoé để dụ dỗ, dùng tiền bạc, bổng lộc hòng mua chuộc bà; một tên quan Nhật còn ngỏ ý muốn lấy bà làm vợ.

 

Trước mọi mưu đồ của giặc, bà đã cương quyết chống lại, còn dùng lời lẽ sắc sảo chửi thẳng vào mặt bọn cướp nước và lũ tay sai bán nước. Biết không thể khuất phục nổi người nữ đảng viên trẻ tuổi, bọn giặc giam bà tại nhà tù Kim Đái (Sơn Tây), chúng tra tấn bà dã man nhưng bà vẫn kiên cường chịu đòn, giữ vững khí tiết người đảng viên cộng sản.

 

Tháng 7/1945, được sự giúp đỡ của một số tù nhân khác, bà đã vượt ngục thành công, trở về tiếp tục hoạt động củng cố phong trào. Tháng 8/1945, bà cùng các đồng chí cán bộ Cách mạng lãnh đạo nhân dân giành chính quyền ở xã Canh Nậu và tỉnh Sơn Tây, sau đó tham gia công tác chính quyền Cách mạng. Đến nay, bà con trong vùng vẫn còn trầm trồ truyền tụng về bà như một huyền thoại: Mỗi khi đi họp hay công tác xa, bà Minh Hà thường cưỡi ngựa bạch, lưng đeo gươm, trông oai phong lẫm liệt như một nữ tướng...

 

 Năm 1946, do công tác tích cực và đạt hiệu quả rõ rệt, bà được cấp trên điều về công tác ở tỉnh Quảng Yên, một địa phương mà các cơ sở Cách mạng vừa trải qua đợt khủng bố nặng nề của giặc. Năm 1947, được tín nhiệm cao, bà trở thành tỉnh uỷ viên tỉnh Quảng Yên (nay là Quảng Ninh). Tỉnh uỷ đã phân công bà phụ trách địa bàn cơ sở kháng chiến yếu. Ở đó, địch hoạt động chống phá ta ác liệt, nhiều cơ sở bị vỡ, không ít cán bộ đã hy sinh. Đó là địa bàn xã Phong Cốc, huyện Yên Hưng của tỉnh Quảng Yên.

 

Hồi bấy giờ, huyện Yên Hưng có 6 xã với trên 1 vạn dân. Giặc biết có cán bộ tỉnh về nằm vùng lãnh đạo quần chúng nên đã truy lùng bắt bớ ráo riết. Minh Hà ở tại gia đình cơ sở cách mạng là mẹ đẻ của cô Tô Thị Thu (cô Thu nguyên là Chủ tịch UBND xã Phong Cốc, huyện Yên Hưng), được nhân dân nuôi giấu và hết lòng đùm bọc, che chở. Bị bọn mật thám theo dõi gắt gao, lại thêm có kẻ chỉ điểm nên bọn giặc đã dùng cách thức bắt người rất bất ngờ: chúng giăng dây 2 đầu đường liên xã, bắt giữ hơn 30 người đang trên đường đi chợ, trong đó có Minh Hà.

 

Do bọn giặc mới chỉ nghe danh tính, ngay cả kẻ nội gián cũng không biết mặt Minh Hà nên chúng đưa tất cả những người vừa bắt về tại Phòng Nhì của thị xã Quảng Yên. Chúng hứa sẽ thưởng cho ai chỉ mặt gọi tên người nào là Minh Hà. Thậm chí, chúng định dùng thủ đoạn tra hỏi, đe dọa đánh đập mọi người, hòng tìm ra bà bằng được.

 

Không muốn vì mình mà những người khác phải bị liên luỵ, bà đã tự bước ra khỏi đám đông dõng dạc nói với bọn giặc: “Tao chính là Minh Hà, còn tất cả những người kia đều là những người dân lương thiện đi chợ, không một ai có liên quan tới tao cả.” Địch đã chấp nhận thả tất cả những người khác, còn giam giữ một mình bà. Mua chuộc dụ dỗ không được, chúng  tra tấn bà vô cùng dã man, Minh Hà vẫn một lòng bảo vệ cơ sở kháng chiến vừa được gây dựng lại, cắn răng chịu đòn, không hề kêu la, quyết không khai nửa lời. Lũ giặc khát máu không có chứng cứ nào kết tội được bà, chúng tức tối cho tay chân đánh đập bà đến chết trong nhà tù...

 

“Phúc thần của dân” 

Đêm 14/7/1947, địch cho xác bà thả xuống dòng sông Chanh (một chi nhánh của sông Bạch Đằng) để thủ tiêu. Xác bà trôi dạt vào xã Phong Cốc, được bà con địa phương kín đáo vớt lên. Ngày 15/7/1947, một cuộc đấu tranh của nhân dân bùng nổ sôi sục để nhằm đánh lạc hướng bọn địch. Trong lúc ấy, một nhóm cán bộ và nhân dân đã tranh thủ khâm liệm, chôn cất bà chu đáo. Sau đó, nhân dân còn nhiều lần đấu tranh, đòi lập miếu thờ bà tại xã Yên Hưng, buộc bọn địch phải nhượng bộ. Minh Hà khi ấy là tỉnh uỷ viên tỉnh Quảng Yên (nay là Quảng Ninh), hy sinh khi mới 22 tuổi.

 

Nhân dân vùng Yên Hưng thường ca tụng “Bà Minh Hà là phúc thần của dân”. Đến nay, tròn 70 năm đã qua, tấm lòng người dân đất Quảng vẫn một lòng hướng về bà. Miếu thờ người nữ liệt sỹ luôn tỏa ngát khói hương tri ân và tưởng nhớ.

 

Để ghi nhớ công lao của bà, ngày 24/6/2005, Nhà nước đã truy tặng Minh Hà Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Vào dịp này, đoàn đại biểu Đảng bộ, Hội đồng nhân dân và UBND huyện Thạch Thất và thân nhân của Minh Hà đã đến thắp hương kính viếng Bà tại  xã Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh. Vinh danh và tri ân người con ưu tú của quê hương xứ Đoài, nhiều trường học các cấp ở Quảng Ninh và xã Canh Nậu vinh dự được mang tên người nữ đảng viên kiên trung Minh Hà. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm