pnvnonline@phunuvietnam.vn
Liệu "cởi mở" có dẫn đến bùng nổ dân số trở lại?
Vấn đề dân số liên quan mật thiết đến quyền con người, quyền công dân - Ảnh: Kiều Trang
Dự thảo Luật Dân số đang được xây dựng để "gia đình tự quyết định số con". Đây là một điểm rất mới sau nhiều chục năm Việt Nam thực hiện kế hoạch hoá gia đình. Báo Phụ nữ Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế, về vấn đề này.
Việt Nam sẽ tập trung chuyển từ kế hoạch hóa gia đình sang chính sách dân số phát triển, việc này sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến tình hình dân số, thưa ông?
Ông Lê Thanh Dũng: Pháp lệnh Dân số năm 2008, sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số năm 2003 quy định quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Cụ thể, quyết định thời gian và khoảng cách sinh con; sinh 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Y tế đang hoàn thiện Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Dân số, trong đó có quy định về quyền và nghĩa vụ của các cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con. Cụ thể, các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cặp vợ chồng, cá nhân; được tư vấn, cung cấp thông tin, tiếp cận, lựa chọn, sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.
Các nội dung trên sẽ được thực hiện khi nào?
Ông Lê Thanh Dũng: Các nội dung trên đang trong giai đoạn đề xuất chính sách để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Tại thời điểm hiện tại, Pháp lệnh Dân số vẫn là văn bản pháp lý cao nhất quy định về công tác dân số; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ chấp hành các quy định của Pháp lệnh, cụ thể là vẫn phải chấp hành quy định sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.
Do vấn đề dân số có liên quan mật thiết đến quyền con người, quyền công dân nên pháp luật quy định những nội dung liên quan đến quyền con người để bảo đảm phổ quát cho tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện. Pháp luật không quy định vùng, tỉnh, thành phố nào mà tại đó người dân được quyền sinh nhiều con hay ít con hơn so với vùng, tỉnh, thành phố khác, chỉ trừ những trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định có thể sinh nhiều con hơn nhưng không vi phạm chính sách dân số.
Như đã trích dẫn quy định của Pháp lệnh Dân số nêu trên, quy định hiện hành chỉ cho phép sinh 1 hoặc 2 con, trừ những trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định. Đối với trường hợp là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sẽ bị áp dụng kỷ luật nếu vi phạm chính sách dân số; còn trường hợp người dân không thuộc các đối tượng trên thì không bị xem xét áp dụng các hình thức kỷ luật mà chỉ tuyên truyền, vận động để người dân thực hiện tốt chính sách dân số. Trường hợp chính sách mới được cơ quan có thẩm quyền thông qua, việc xử lý vi phạm sẽ được đề xuất để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật hiện hành.
Xin ông cho biết từ những yếu tố nào mà Dự thảo trao quyền cho các gia đình tự quyết định về số con?
Ông Lê Thanh Dũng: Cơ quan quản lý nhà nước phải căn cứ vào các cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý để đề xuất. Để xử lý bài toán sinh con, Bộ Y tế là cơ quan được giao xây dựng chính sách phải căn cứ nhiều yếu tố để nghiên cứu, phân tích.
Cụ thể, căn cứ vào các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới. Căn cứ vào tình hình dân số hiện nay và dự báo dân số trong thời gian tới. Xây dựng chính sách gắn với phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển đất nước bền vững. Nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách pháp luật về dân số...
Trên thực tế người Việt vẫn có người sinh 5-7 con, tốc độ gia tăng dân số vẫn ở mức thay thế, liệu "cởi mở" có dẫn đến bùng nổ dân số trở lại?
Ông Lê Thanh Dũng: Như tôi đã phân tích nêu trên, sự "cởi mở" không phải là lý do hay yêu cầu của việc xây dựng chính sách dân số.
Trên thực tế, vẫn có cặp vợ chồng, cá nhân sinh nhiều con hơn so với quy định của Pháp lệnh Dân số hiện hành. Số cặp vợ chồng, cá nhân sinh con thứ 3 trở lên sẽ bù trừ cho cặp vợ chồng, cá nhân chỉ sinh 1 con hoặc không sinh con.
Hiện nay, mức sinh còn chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, sự chênh lệch này chưa được thu hẹp rõ rệt; xu hướng mức sinh thấp (tổng tỉ suất sinh năm 2022 đạt 2,01 con/phụ nữ; năm 2023 ước tính là 1,96 con/phụ nữ, giảm thấp nhất trong 12 năm trở lại đây và được dự báo là sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo).
Khi xây dựng và đề xuất chính sách "Duy trì mức sinh thay thế", Bộ Y tế có căn cứ khoa học về việc không bùng nổ dân số khi chính sách được thông qua, điều này đã được nghiên cứu, phân tích trong Báo cáo đánh giá tác động chính sách. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan, tổ chức theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật, tránh lợi dụng việc quy định quyền tự quyết định về số con của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân để vụ lợi, tuyên truyền, thực hiện trái với chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân số.
Với tình hình hiện nay, trước khi có Luật Dân số, ông có nghĩ cần thêm chính sách khuyến sinh cho vùng liên tục có mức sinh thấp như Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và chính sách hạn chế sinh ở vùng mức sinh quá cao?
Ông Lê Thanh Dũng: Một trong các chính sách cơ bản được Bộ Y tế đề xuất trong Đề nghị xây dựng Luật Dân số đó là chính sách "Duy trì mức sinh thay thế". Mục tiêu của chính sách là xây dựng các biện pháp duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước; quy định quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, bảo đảm quyền con người trong thực hiện chính sách dân số; góp phần khắc phục tình trạng chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng, đối tượng, tận dụng lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số, dân số già gắn với phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển đất nước bền vững.
Nội dung chính sách tập trung vào việc quy định các biện pháp linh hoạt để có thể bù trừ mức sinh giữa khu vực có mức sinh thấp và khu vực có mức sinh cao. Chúng tôi có cơ sở để khẳng định, với những mục tiêu, nội dung của chính sách "Duy trì mức sinh thay thế" nêu trên sẽ duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước.
Luật Dân số mới có những tính toán nào về phát triển con người, tuổi thọ và giảm tỉ lệ trẻ em bị dị tật không?
Ông Lê Thanh Dũng: Đối với công tác dân số, các vấn đề về quy mô dân số; cơ cấu dân số; phân bố dân số; chất lượng dân số đã được nhiều luật quy định các nội dung liên quan. Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật hiện hành, đồng thời góp phần thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số, Luật Dân số quy định một số vấn đề về quy mô dân số; cơ cấu dân số; phân bố dân số; sức khỏe dân số; các biện pháp thực hiện công tác dân số; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân về công tác dân số. Đối với vấn đề nâng cao sức khỏe dân số, Luật Dân số quy định các biện pháp về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, sinh con; tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; giảm thiểu tình trạng tảo hôn, kết hôn sớm và hôn nhân cận huyết thống; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; nâng cao sức khỏe dân số tại cộng đồng.
Các biện pháp này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển con người, nâng cao tuổi thọ trung bình của người dân và giảm tỉ lệ trẻ em bị bệnh, tật bẩm sinh.
Xin cảm ơn ông!