Linh thiêng Điểm cao 820 ở biên giới xứ Lạng

Cẩm Na
26/07/2025 - 23:04
Linh thiêng Điểm cao 820 ở biên giới xứ Lạng

Bộ đội Đồn Biên phòng Pò Mã luôn chắc tay súng, hiên ngang bảo vệ cột mốc ở Điểm cao 820

Nơi đây - Điểm cao 820 trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 đã diễn ra những trận đánh ác liệt. Để bảo vệ Điểm cao trọng yếu này, gần 500 cán bộ, chiến sĩ, dân quân, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong đã anh dũng chiến đấu, giữ vững thế trận ở tuyến đầu Tổ quốc.

Hoàn thành ước nguyện của thân nhân các Liệt sĩ

Con đường từ Đồn Biên phòng Pò Mã (Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng - Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn) lên Điểm cao 820 phải vượt chặng đường đèo dốc cheo leo. Trong ánh nắng nhạt buổi sáng, Điểm cao 820 tứ bề gió lộng, bảng lảng mùi khói hương tri ân lan toả.

Đứng trang nghiêm trước Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ ở Điểm cao 820 trong uy nghi, tưởng nhớ, giọng Trung tá Đặng Thành Long, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pò Mã, sang sảng giới thiệu với du khách thập phương và đoàn cựu chiến binh về thăm chiến trường xưa: Sau trận chiến tranh ác liệt với quân xâm lược năm 1979, khi cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Pò Mã tiếp quản, nơi này chỉ có ngôi miếu nhỏ để tưởng nhớ anh linh các Liệt sĩ và những người đã ngã xuống.

Linh thiêng Điểm cao 820 ở biên giới xứ Lạng - Ảnh 1.

Đoàn cựu chiến binh trong chuyến về nguồn tháng 7 - tri ân các Anh hùng Liệt sĩ ở Điểm cao 820

Cuối năm 2014, Điểm cao 820 mới được xây dựng khang trang. Hàng chục năm qua đi, cứ đến Ngày 27/7, khi mọi nơi trên cả nước đều tưởng nhớ anh linh các Liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Pò Mã và thân nhân các Liệt sĩ lại lặng lẽ mong ước khi Điểm cao 820 vẫn còn hoang lạnh, chưa được nhiều người biết đến.

Tâm tư, mong muốn của cán bộ, chiến sĩ biên phòng và hàng trăm thân nhân Liệt sĩ đã được đáp ứng đúng dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống lực lượng Biên phòng (3/3/2024). Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở Điểm cao 820 được khánh thành hơn 1 năm nay, để người dân thập phương có nơi đến thắp hương tưởng nhớ, tri ân các Liệt sĩ trọn vẹn hơn.

"Ngay ở gần cổng Đồn Biên phòng Pò Mã, chúng tôi cũng có tấm bia tri ân các Liệt sĩ của Đồn đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và trong thời bình. Còn tại Điểm cao 820 này có 473 Liệt sĩ đã mãi nằm lại nhưng đây là con số vẫn chưa được thống kê đầy đủ…" - giọng của Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pò Mã bỗng như nghẹn lại.

Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đã đi qua 46 năm, Nhà bia tưởng niệm Anh linh các Liệt sĩ nơi đây được hoàn thành như ước nguyện của biết bao thân nhân Liệt sĩ nhưng còn rất nhiều Liệt sĩ đã hoá thân vào rừng cây, ngọn cỏ, vách đá ở Điểm cao 820 linh thiêng này.

Linh thiêng Điểm cao 820 ở biên giới xứ Lạng - Ảnh 2.

Gần 500 Liệt sĩ đã ngã xuống nhưng còn rất nhiều Liệt sĩ đã hoá thân vào rừng cây, ngọn cỏ, vách đá để bảo vệ Điểm cao 820 linh thiêng này

Xúc động khi được tự tay thắp nén hương tri ân các đồng đội đã ngã xuống 

Đứng trước Nhà bia tưởng niệm, chắp tay cầu nguyện tri ân các Liệt sĩ, trong bộ quân phục bạc màu, ông Vi Ngọc Hải, 74 tuổi, Cựu chiến binh Đồn Biên phòng cửa khẩu Tân Thanh, xúc động cho biết: "Khi nhận tin của Ban liên lạc Đồn Biên phòng Chi Lăng tổ chức cho chúng tôi đi thăm chiến trường xưa, tôi mất mấy đêm không ngủ được. Háo hức, chờ mong, bởi lúc tôi còn là chiến sĩ ở Đồn Biên phòng Pò Mã thì chưa xây dựng Điểm cao 820. Sau 46 năm, lần đầu tiên tôi được trở lại đơn vị cũ. Được tự tay thắp nén hương tri ân các đồng đội đã ngã xuống ở nơi này, tôi rất xúc động, hạnh phúc và biết ơn!".

Năm 1979, ông Vi Ngọc Hải khi ấy là chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Mã. Ông công tác ở Đồn được hơn nửa năm thì cấp trên cử ông đi học tiếng Trung Quốc. Sau đó ông về làm phiên dịch tại Đồn Biên phòng Chi Lăng, rồi làm Chính trị viên ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tân Thanh đến lúc nghỉ hưu. Ông Hải nhớ lại: "Lúc đó, nơi này chỉ có đường mòn đất đỏ, mùa mưa lầy lội, trơn trượt. Các chiến sĩ ở Đồn mỗi lần đi lấy lương thực, thực phẩm ở huyện Thất Khê (cũ) đều rất vất vả, chỉ bằng sức người là chủ yếu. Mỗi Đồn khi ấy chỉ có 2 con ngựa, còn lại chiến sĩ phải tải bằng ba lô, gùi lương thực gần 20 km về Đồn".

Linh thiêng Điểm cao 820 ở biên giới xứ Lạng - Ảnh 3.

Ông Vi Ngọc Hải (bên trái) và ông Lê Xuân Hùng, từng công tác ở Đồn Biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị, bên cộc mốc chủ quyền ở Điểm cao 820

Trong ký ức của ông Vi Ngọc Hải khi nhắc về thời chiến tranh biên giới phía Bắc, cả chiến trường biên giới Lạng Sơn đều rất khốc liệt. "Thời bình hôm nay, tôi được trở về thăm đơn vị cũ, được thấy tận mắt Đồn biên phòng Pò Mã hiện đại hơn xưa, nhà dân cũng được xây dựng kiên cố, không còn là nhà trình tường, dựng vách lên trát đất ở như hồi chúng tôi còn công tác ở Đồn" - ông Vi Ngọc Hải chia sẻ.

Cũng chung cảm xúc lắng đọng, xúc động và tự hào, ông Lê Xuân Hùng, người cựu chiến binh từng công tác ở Đồn Biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị hay bác Nguyễn Văn Ngoãn, người lính U80 từng công tác ở Đồn Biên phòng Thanh Lòa từ lâu đã ước muốn được đến tri ân các Liệt sĩ ở Điểm cao 820 vào những ngày tháng 7. "Có thể, năm sau sức khoẻ kém hơn tôi sẽ không đến đây được. Hôm nay, được đặt chân lên chính mảnh đất kiên cường của tỉnh nhà, được thắp hương tưởng nhớ các Liệt sĩ đã thay chúng tôi nằm lại ở biên giới, cảm xúc thật khó tả. Chúng tôi ở tuổi già vẫn luôn làm gương, vận động con cháu sống và làm việc có ích cho đất nước, noi gương các Anh hùng Liệt sĩ để tiếp bước gìn giữ vững chắc biên giới hôm nay" - ông Nguyễn Văn Ngoãn xúc động nói.

Ký ức không bao giờ quên của người dân sống ở biên giới

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, với bà Nông Thị Sìn (SN 1947), thôn Cao Lan, xã Quốc Khánh, đó là những ký ức mà cả đời bà không bao giờ quên. Bà Sìn nhớ lại: "Ngày ấy, cả thôn đang sinh sống bình thường, bỗng nhiên sáng sớm tinh mơ có tiếng pháo đạn bắn xối xả vào thôn. Theo đó tiếng kẻng, tiếng loa báo động khẩn cấp, nhà nào cũng dắt con bỏ nhà chạy vội vào hang đá gần nhà ẩn nấp. Đợi khi vắng tiếng đạn pháo, lúc đêm tối mọi nhà mới mò về lấy lương thực, quần áo mang vào núi để sống qua ngày…".

Sau vài ngày căng thẳng, chính quyền địa phương vận động người dân sơ tán xuống vùng thấp. Chồng bà Sìn công tác ở Quân chủng Phòng không không quân, với nhiệm vụ kỹ thuật, ông thường xuyên xa nhà. Năm 1987, ông nghỉ mất sức mới trở về bên vợ con. Thời điểm ấy, bà Sìn mới có con trai đầu lòng được 4 tuổi, bà địu con trước ngực, gánh đồ, xếp hàng theo dòng người đi sơ tán. Được một thời gian, người dân nhớ nhà, nhớ quê bảo nhau quay về, lúc đạn pháo bắn ác liệt lại trốn vào hang đá. 

Linh thiêng Điểm cao 820 ở biên giới xứ Lạng - Ảnh 4.

Phần thưởng lớn nhất của đời Nông Thị Sìn (SN 1947), thôn Cao Lan, xã Quốc Khánh, là tấm Huân chương Kháng chiến Hạng Ba được bà lưu giữ cẩn thận trong nhà

Bà Sìn nhớ lại: "Nhà tôi lúc ấy bị đạn pháo bắn gãy cột nhà, làm sập 1 góc mái. Cách nhà vài trăm mét là những hố đạn pháo to như hố bom, lỗ chỗ cả 1 vùng. Chúng tôi ai cũng sợ chiến tranh nhưng vẫn quay về gắn bó với rừng, người dân trong thôn phân công nhau đi đào củ sắn, củ mài, măng rừng, thú rừng về làm lương thực".

"Năm 2014, Đồn Biên phòng Pò Mã Cao và chính quyền địa phương kêu gọi xây dựng Cao điểm 820 để giữ đất biên cương. Tôi khi ấy là Đội trưởng sản xuất (nay là trưởng thôn), vận động cả thôn, ai có sức khoẻ đều tham gia khiêng bê tông, tiếp tế lương thực cho bộ đổi xây dựng Điểm cao 820".

Cả tuổi trẻ cống hiến cho công tác địa phương, ngoài 80 tuổi, bà Sìn cười rổn rảng khoe: "Phần thưởng lớn nhất của đời tôi là tấm Huân chương Kháng chiến Hạng Ba. Để chứng thực với con cháu trong nhà, sau này các con, cháu noi gương bà, tiếp tục phấn đấu, cống hiến cho đất nước, quê hương". 

Hội viên phụ nữ cùng Bộ đội Biên phòng chung tay bảo vệ biên giới

Biên giới bình yên, hình ảnh quân - dân gắn bó keo sơn, kiên cường trên tuyến đầu chống giặc là bài học về truyền thống yêu nước vẫn được khắc ghi, được nhắc nhớ mãi trong lịch sử xứ Lạng khi quân - dân chung tay xây dựng Điểm cao 820.

Linh thiêng Điểm cao 820 ở biên giới xứ Lạng - Ảnh 5.

Hội viên, phụ nữ xã biên giới Quốc Khánh tiếp nối truyền thống từ thế hệ trước, tham gia làm đường đi tuần tra biên giới được dễ dàng và an toàn hơn

Theo ghi chép trong cuốn sách "Cánh cửa thép Lạng Sơn" do Ban liên lạc Cựu chiến đấu Quân đoàn 14 - Mặt trận Lạng Sơn viết: "Chị Đàm Thị Chao, Hội trưởng Hội phụ nữ xã Tri Phương (cũ) (nay sáp nhập vào xã Quốc Khánh) ngoài vận động hội viên giúp bộ đội còn ủng hộ 500.000 đồng mua thuốc men, thực phẩm tiếp tế cho điểm tựa 820. Chị Đinh Thị Sen, Hội phó Hội phụ nữ xã Tri Phương (cũ) dùng thuốc Nam gia truyền cứu sống hàng chục thương binh.

Hội LHPN thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định (cũ) quyên góp được hàng chục tấn gạo, lợn, gà, vịt bánh trái, thuốc lá, trà kẹo và hàng tấn giẻ sạch để lau súng trong thời tiết giá lạnh ở điểm cao"… Đáp lại, cán bộ chiến sỹ Biên phòng đã tiết kiệm khẩu phần ăn hàng ngày giúp nhân dân xã Đức Long (cũ) 600 kg gạo, xã Tri Phương (cũ) 300 kg gạo, quyết không để người dân nào bị đói. Việc làm này đã khơi dậy tinh thần "Quân - dân như cá với nước", vượt qua khó khăn trong những ngày đầu, sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

Hình ảnh bộ đội cùng đoàn viên, thanh niên, phụ nữ gồng mình vác những tấm bê tông to nặng di chuyển từng mét từ chân đồi đến đỉnh cao vô cùng vất vả. Nhiều người trầy vai, rớm máu vì tấm bê tông đè xuống, cứa phải nhưng miệng vẫn hát vang bài ca trập trùng biên giới. Những ngày sôi động, ý nghĩa đó đã xây nên một chiến lũy ở Điểm cao 820 linh thiêng hôm nay".

Linh thiêng Điểm cao 820 ở biên giới xứ Lạng - Ảnh 6.

Các cựu chiến binh và nhiều người dân ở mọi miền đất nước đến Điểm cao 820 ôn lại truyền thống hào hùng đánh giặc, giữ nước của dân tộc

Kế thừa truyền thống của thế hệ đi trước, Hội LHPN xã biên giới Quốc Khánh hôm nay vẫn tích cực tham gia các "Tổ phụ nữ tự quản tham gia quản lý đường biên cột mốc". Bên cạnh hình ảnh người lính Đồn biên phòng Pò Mã hiên ngang, vững chắc tay súng trong mọi hoàn cảnh thời tiết khắc nghiệt ở Điểm cao 820 gây xúc động lòng người, thì hôm nay, không hiếm để bắt gặp hình ảnh đẹp của hội viên, phụ nữ xã biên giới sát cánh cùng bộ đội Biên phòng đi tuần tra biên giới, phát quang đường biên, tham gia các hoạt động ý nghĩa để bảo vệ vững chắc từng tấc đất biên cương xứ Lạng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm