Lỗ hổng chính sách pháp luật dành cho trẻ tự kỷ

20/04/2018 - 13:49
Trẻ tự kỷ ngày càng gia tăng ở nước ta, với khoảng 200.000 người. Tuy vậy, nhiều vấn đề liên quan đến người bị tự kỷ, đặc biệt là trẻ em, chưa được đưa vào văn bản luật, nghị định hay thông tư nào; chưa có hệ thống chính sách chung cho trẻ tự kỷ.
Ở nước ta, vấn đề trẻ tự kỷ đã được phát hiện và nhắc tới nhiều từ hơn 10 năm nay. Theo ông Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, hiện tại, “thiếu sót lớn nhất là chưa có hệ thống chính sách giáo dục cho trẻ tự kỷ”. Thậm chí, các nhà khoa học đang có những tranh luận rất khác nhau. Trong đó, chuyên gia y khoa không coi đây là bệnh, tật; còn các nhà tâm lý học coi đây là sự rối nhiễu về hành vi, thiếu hụt về nhận thức. “Không có bằng chứng về mặt khoa học thì rất khó hình thành chính sách chung”, ông Tiến nói.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cũng nhìn nhận thực tế hiện nay “nhiều vấn đề liên quan đến người bị tự kỷ, đặc biệt là trẻ em, chưa được đưa vào văn bản luật, nghị định hay thông tư nào để điều chỉnh”.
ong-bui-sy-loi.jpgÔng Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội
 
Theo ông Lợi, nếu không giúp đỡ những trường hợp trẻ bị tự kỷ, thì khả năng tiếp cận và hòa nhập cộng đồng của các em sẽ rất khó khăn. Thậm chí xảy ra một số vấn đề về xã hội, như các em có những hành động tự phát gây nguy hiểm cho chính bản thân và cho người khác.
Dù tự kỷ là bệnh hay không, theo ông Lợi, điều quan trọng nhất là phải nghiên cứu, đánh giá và xây dựng chính sách đối với các cháu tự kỷ là gì? Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan phải có trách nhiệm với trẻ tự kỷ. Theo ông Lợi, Bộ LĐ-TB&XH phải có dánh giá, tổng hợp, đồng thời nghiên cứu, xem xét nhằm nhanh chóng tổ chức chỉ đạo, triển khai làm sao để sớm đưa các em hòa nhập với cộng đồng và khắc phục được tình trạng gia tăng trẻ bị tự kỷ.
Cùng với đó, tổ chức nghiên cứu chứng tự kỷ để thể chế bằng pháp luật. "Có thể đưa vào Luật Người khuyết tật, hay là luật khác liên quan tới tự kỷ để có hành lang pháp lý tổ chức thực hiện”, ông Lợi nói.
Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH rà soát, tổng kết Luật Người khuyết tật, để xem xét, kiến nghị đưa đối tượng người tự kỷ vào luật. “Cần phải nghiên cứu hình thành chính sách để có một luật điều chỉnh dành cho người tự kỷ. Nếu không đưa đối tượng người tự kỷ vào một luật độc lập thì chí ít là đưa vào thông tư, nghị định”, ông Lợi cho biết.
trung-tam-giao-duc-tre-dac-biet-2.jpgBuổi học của trẻ tự kỷ tại trung tâm giáo dục ở Hà Giang. Ảnh HH
 
Theo quan điểm của ông Lợi, sự quan tâm với trẻ tự kỷ không chỉ là dành các chế độ, chính sách như các trẻ thiệt thòi khác. Quang trọng là phải đào tạo, huấn luyện cho đội ngũ giáo viên; hỗ trợ phổ biến kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ và người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tự kỷ, để họ có kinh nghiệm truyền đạt và từng bước khắc phục được tình trạng của các em.
Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Tại Việt Nam chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ, nhưng theo thống kê sơ bộ của Bộ này, nước ta có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ. Tuy nhiên, theo tính theo cách tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), con số này chừng 500.000 trường hợp. Thực tế số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng từ năm 2000 đến nay. 
Theo bà Nguyễn Thị Hà, đã có một số địa phương bắt đầu hình thành các cơ sở can thiệp đặc biệt, góp phần hạn chế những khó khăn về kinh tế cho gia đình, giúp các em tự kỷ được can thiệp và trị liệu lâu dài. Tuy nhiên, với những gia đình có hoàn cảnh kinh tế và thu nhập thấp thì việc cho con can thiệp trị liệu lâu dài sẽ là một gánh nặng về kinh tế.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm