Mối đe dọa an ninh
Chương trình cấp quốc tịch và định cư bằng đầu tư ở châu Âu hay còn gọi là “golden visa” (visa vàng) đang được áp dụng ở các nước Liên minh châu Âu (EU) gồm Áo, Cyprus, Luxembourg, Malta, Hy Lạp, Latvia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ireland, Hà Lan và Pháp. Chương trình này trao quyền công dân hoặc cư trú hợp pháp cho công dân các quốc gia nước ngoài để đổi lấy khoản đầu tư lớn.
Các chương trình visa vàng châu Âu mang lại cơ hội tuyệt vời cho người nước ngoài và những người không phải người EU di cư sang châu Âu. Mua bất động sản, trái phiếu chính phủ, quyên góp hoặc tạo việc làm thông qua đầu tư doanh nghiệp là một số tùy chọn đầu tư chung đủ điều kiện cho “thị thực vàng” ở châu Âu.
Thị thực vàng do các bang Schengen phát hành cho phép di chuyển tự do hoặc miễn thị thực du lịch ở tất cả 26 quốc gia Schengen bao gồm các quốc gia không phải là thành viên như Croatia, Romania, Bulgaria, Serbia và Cyprus. Các chương trình visa vàng đã thu hút khoảng 25 tỷ euro (28,7 tỷ USD) đầu tư vào EU trong thập kỷ qua từ 6.000 công dân mới và gần 100.000 cư dân mới.
Thế nhưng, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo các quốc gia thành viên EU đẩy mạnh chương trình visa vàng cho nhà đầu tư nước ngoài hướng đến cấp quốc tịch là “mối đe dọa an ninh”. Bà Vera Jourova - Ủy viên phụ trách về tư pháp, người tiêu dùng và bình đẳng giới của EC - cảnh báo:
“Tình trạng bán quốc tịch tràn lan là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng. Những đối tượng tội phạm sẽ lợi dụng chương trình visa vàng để trở thành công dân quốc gia thành viên và từ đó có thể tự do đi lại khắp châu Âu. EU không thể trở thành thiên đường cho tội phạm, tham nhũng và tiền bẩn”. Bà Jourova nhấn mạnh các thành viên EU phải nhanh chóng áp dụng luật mới của liên minh về chống rửa tiền và đảm bảo không cấp quốc tịch cho các đối tượng mờ ám.
Theo báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) và Nhân chứng Toàn cầu (Global Witness), lợi ích tài chính của chương trình bị cắt xén bởi những rủi ro tham nhũng do một số chương trình không được quản lý đúng cách. TI cáo buộc một số nước EU tiến hành chương trình visa “bí mật”, nằm ngoài quy định quản lý của EU hoặc không công bố số liệu đầy đủ.
TI chỉ ra rằng các nước thành viên EU như Malta và Hy Lạp đã cấp quốc tịch những người giàu có từ Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và châu Phi cũng như một số quốc gia Đông Nam Á thông qua chương trình visa vàng. Đại diện của TI, ông Eka Rostomashvili cảnh báo visa vàng đe dọa toàn bộ châu Âu, kể cả những quốc gia thành viên không áp dụng chương trình trình này, góp phần giúp tội phạm rửa tiền, quan chức tham nhũng tẩu tán tài sản và gây bất ổn thị trường bất động sản.
Báo cáo chung của Tổ chức Minh bạch Thế giới và Nhân chứng toàn cầu kêu gọi EU thiết lập các tiêu chuẩn để quản lý chương trình visa vàng và mở rộng các quy định chống rửa tiền - hiện mới chỉ áp dụng cho các ngân hàng hoặc công ty game - tới tất cả những bên có liên quan đến ngành công nghiệp bán visa. EC dự kiến công bố báo cáo về chương trình này ở các nước EU vào tháng 12.
Các nhóm, trong việc phát hành báo cáo, đang tìm kiếm các tiêu chuẩn toàn diện cho các chương trình thị thực như vậy, bao gồm đánh giá thường xuyên rủi ro và cơ chế rửa tiền để thu thập và điều phối thông tin về người nộp đơn xin thị thực. Họ cũng muốn EU đóng cửa cho bọn tội phạm. “Brussels cần xác định tiêu chuẩn cho các chương trình này và đảm bảo rằng họ được tôn trọng ở tất cả các nước thành viên cung cấp giấy phép cư trú và giấy phép cư trú để đầu tư”, bà Laure Brillaud, chuyên gia chống rửa tiền tại Tổ chức Minh bạch Quốc tế, nói.
Dung dưỡng tội phạm?
Bà Naomi Hirst của tổ chức Nhân chứng Toàn cầu cho biết, việc các cá nhân mua giấy phép cư trú hoặc quyền công dân EU đặt ra những rủi ro về tham nhũng và rửa tiền. Visa định cư châu Âu có giá trung bình khoảng 900.000 euro nhưng ở Cyprus có thể lên đến 2 triệu USD. Cyprus đã thu được 4,8 tỉ euro (5,5 tỉ USD) từ chương trình này, trong khi Bồ Đào Nha chỉ thu được gần 1 tỉ euro một năm.
Báo cáo cho biết, ở Malta - nước thu được 718 triệu euro từ chương trình visa vàng, các ứng viên có hồ sơ phạm tội hoặc đang bị điều tra vẫn có thể được coi là đủ điều kiện “trong một số trường hợp đặc biệt”. “Cách quản lý kém và nhiều lỗ hổng cho phép những cá nhân tham nhũng đến làm việc và du lịch tự do trên khắp châu Âu và làm suy yếu an ninh tập thể của EU”, chuyên gia Laure Brillaud cho biết.
Để được cấp quốc tịch Malta, về tài chính đương đơn chính phải nộp 650.000 euro cho Chính phủ Malta, mua trái phiếu Malta và phải mua nhà ở Malta. Tổng cộng chi phí khoảng 1,2 triệu euro. Cá nhân được cấp quốc tịch Malta có thể kinh doanh tại Malta và có hộ chiếu đến hơn 160 quốc gia không cần visa, trong đó có Mỹ. Cá nhân ấy cũng đương nhiên trở thành công dân châu Âu và có thể cư trú tại một trong các nước thành viên EU.
Từ năm 2014 đến nay đã có khoảng 800 gia đình gồm 3.200 người nhận được quốc tịch Malta qua chương trình visa vàng. Chính phủ Malta giữ bí mật về quốc tịch và danh tính của các cá nhân này. Nhiều người sử dụng quốc tịch Malta để tránh thuế. Từ khi châu Âu thiết lập mạng lưới tự động trao đổi thông tin giữa các quốc gia, nếu công dân Pháp mở tài khoản ở Thụy Sĩ, nước này sẽ thông báo cho Pháp biết.
Tuy nhiên, nếu công dân Pháp đó xuất trình hộ chiếu Malta, thông tin về tài khoản sẽ được Thụy Sĩ thông báo cho Malta nhưng Malta không đánh thuế tài sản ở nước ngoài như ở Pháp. Do đó, bán hộ chiếu là một cách lẩn tránh luật pháp quốc tế nhằm chấm dứt tình trạng bí mật ngân hàng. Nỗ lực của cộng đồng quốc tế có nguy cơ thất bại vì kiểu bán hộ chiếu này.
Bên cạnh đó, việc nhập cảnh vào Bồ Đào Nha cũng rất dễ dàng. Điều này cho phép những người sinh sống và làm việc tại Bồ Đào Nha dù chỉ trong 1 tuần năm đầu tiên và 2 tuần trong những năm tiếp theo cũng có thể nộp đơn xin cư trú với mức đầu tư tối thiểu 350.000 USD. Điều đáng nói 3 trong số 21 nghi phạm của cuộc điều tra Operation Labyrinth nhắm vào các nghi vấn rửa tiền, hối lộ và tham nhũng xung quanh gói cấp thị thực này là người gốc Trung Quốc. Theo báo cáo Chiến lược kiểm soát Buôn lậu quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2017, các tổ chức từ Angola bị tình nghi đã rửa tiền thông qua việc mua bán các doanh nghiệp và bất động sản ở Bồ Đào Nha.
Mới đây, Chính phủ Bồ Đào Nha đã liên kết Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính Quốc tế về rửa tiền để tiến hành đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện chính sách Visa vàng. Đây được xem là dấu hiệu tích cực cho thấy những nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc xử lý những vấn đề bất cập do chính sách mang lại.