Loại củ "ngoài xấu trong đẹp" giàu collagen và vitamin C, cực tốt cho phụ nữ

LÊ PHƯƠNG.
23/08/2022 - 11:50
Dù là loại củ rất tốt cho sức khỏe xuất hiện rất nhiều ở Việt Nam, nhất là vào khoảng tháng 8 hàng năm, tuy nhiên người dân rất ít sử dụng trong đời sống hàng ngày.

Nói đến sen, đa số mọi người chỉ biết chơi hoa hoặc thưởng thức những món ăn, thức uống kết hợp từ sen như nộm ngó sen hoặc trà sen. Ít ai biết rằng, chính củ sen nằm sâu dưới lớp bùn lầy lại là một vị thuốc quý, có chứa chất chống oxy hóa rất mạnh, giúp bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật, tốt cho hệ tiêu hóa, não bộ và tim mạch.

Tiến sĩ, lương y Phùng Tuấn Giang - Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, củ sen có hình ống bị chôn vùi trong bùn lầy, yếm khí (thiếu oxy) trầm tích. Nó có các lỗ hình bầu dục để lấy oxy và có thể nổi trong nước. Nhìn bên ngoài củ sen nhẵn, có màu vàng nâu; khi gọt bỏ vỏ, bên trong củ có màu trắng và thịt giòn ngọt mát.

Củ sen nằm sâu dưới bùn lầy rất khó lấy, nhưng lại rất giàu dinh dưỡng. (Ảnh minh họa)

“Củ sen ngọt nhẹ được ví như “hạt dẻ nước” với hương vị hấp dẫn và kết cấu tương tự như khoai tây. Củ sen cũng có độ giòn, ngon khi được nấu chín, vì vậy củ sen có ứng dụng trong nấu ăn rất đa dạng như xào, luộc, hấp, chiên giòn, hầm canh. Loại thực phẩm này cũng được sử dụng để làm tinh bột củ sen, hoặc thái lát sấy khô để làm thuốc trong y học cổ truyền với tên gọi liên ngẫu”, TS Tuấn Giang thông tin.

Xét về giá trị dinh dưỡng, ông Giang cho biết trong 100g củ sen tươi chứa khoảng 75 calo; 17g carbohydrate; 2,6 g protein; 0,1g lipid; 5g chất xơ; các yếu tố vi lượng vitamin C, kali, riboflavin, vitamin B6, đồng, mangan, vitamin B1, phospho, sắt, magie, canxi, folate, vitamin B5, vitamin B3, kẽm và selen.

Trong ẩm thực, lương y Tuấn Giang chia sẻ, củ sen có kết cấu giòn, kết hợp tốt với các loại rau củ như cà rốt và măng tây… để tạo thành món canh dưỡng sinh. Ngoài ra, củ sen cũng có thể được xào với các loại thịt, nõn tôm.

Củ sen kết hợp với một số củ, vị thuốc khác để nấu canh ăn rất bổ. (Ảnh minh họa)

Trong y học cổ truyền, củ sen có vị ngọt sáp, tính bình, hơi đắng và không độc; quy các kinh can, phế, vị. Củ sen được sử dụng trong y học cổ truyền để tăng cường lưu thông khí huyết, chỉ huyết, tiêu huyết ứ. Củ sen cũng có thể hỗ trợ điều trị các bệnh thấp nhiệt tích tụ.

Các nghiên cứu của y học hiện đại cũng chỉ ra rằng, củ sen góp phần mang lại nhiều lợi ích cho da, não bộ, tim mạch, tiêu hóa, miễn dịch, giúp chúng ta tăng cường sức khỏe, tăng năng lượng và kiểm soát cân nặng.

Cụ thể, một số tác dụng của củ sen với sức khỏe theo tư vấn của TS. lương y Phùng Tuấn Giang:

Củ sen giúp da tươi sáng

Củ sen là một nguồn vitamin C tuyệt vời. Nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa, vitamin C mà củ sen có lợi cho sức khỏe làn da thông qua một số cơ chế khác nhau.

Da được cung cấp vitamin C sẽ giúp thúc đẩy quá trình tổng hợp collagen, bảo vệ da chống lại các tổn thương do các gốc tự do và tia cực tím gây ra, đồng thời giúp đảo ngược các dấu hiệu lão hóa. Vitamin C cũng giúp làm giảm các dấu hiệu tăng sắc tố, như các mảng sẫm màu (nám) và sự đổi màu của da.

Tăng cường sức khỏe não bộ

Củ sen được coi là thực phẩm chứa nhiều nguyên tố vi lượng đồng. Đồng không chỉ giúp thúc đẩy mức năng lượng, củng cố xương và hỗ trợ quá trình trao đổi chất mà còn giúp tăng cường sức khỏe não bộ bằng cách kích hoạt chức năng của các đường dẫn thần kinh.

Nghiên cứu cho thấy sự thiếu hụt đồng có thể liên quan đến sự khởi đầu của các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer. Để giúp ngăn ngừa suy giảm nhận thức, sử dụng củ sen sẽ kích thích hoạt động trí óc.

Ngoài ra, một lượng lớn các hợp chất polyphenolic trong củ sen giúp cải thiện chức năng thần kinh bằng cách kích thích sản xuất các yếu tố dinh dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não trong các tế bào thần kinh đệm, loại tế bào phong phú nhất trong hệ thần kinh trung ương.

Ngoài góp phần trong bài thuốc đông y, củ sen còn có tác dụng hỗ trợ tăng cường miễn dịch rất tốt. (Ảnh minh họa)

Hỗ trợ tăng năng lượng

Sử dụng củ sen làm tăng lượng sắt trong cơ thể. Sắt hỗ trợ năng lượng liên tục bằng cách cho phép oxy đến các tế bào của cơ thể. Khi bị thiếu sắt, chúng ta thường cảm thấy mệt mỏi, uể oải và khó tập trung. Ăn thực phẩm giàu chất sắt giúp tăng lượng oxy trong tế bào và cơ bắp, thúc đẩy quá trình tiêu hóa protein và hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn.

Hỗ trợ tiêu hóa và quản lý cân nặng

Củ sen cung cấp chất xơ, hỗ trợ tiêu hóa và làm giảm các vấn đề tiêu hóa như táo bón. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng và Chuyển hóa chỉ ra rằng ngoài việc giảm táo bón, tiêu thụ chất xơ giúp giảm cảm giác đói, do đó giảm tổng năng lượng ăn vào và ngăn ngừa tăng cân.

Cải thiện sức khỏe tim mạch

Củ sen rất giàu chất dinh dưỡng và chất xơ, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch. Nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ nghịch giữa việc ăn thực phẩm giàu chất xơ không hòa tan với huyết áp và mức cholesterol.

Củ sen cũng là một nguồn cung cấp kali dồi dào. Kali chịu trách nhiệm đảm bảo nhịp tim khỏe mạnh. Những người có lượng kali thấp có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn, đặc biệt là bị đột quỵ. Điều này là do kali, kết hợp với các khoáng chất như magie và canxi, ngăn chặn sự tích tụ chất lỏng trong tế bào. Qua đó, nó giúp giảm mức huyết áp và các vấn đề tim mạch như tim đập nhanh, lưu thông kém và hẹp động mạch.

Tăng cường miễn dịch

Củ sen là một nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, có tác dụng như một chất chống oxy hóa trong cơ thể, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nutrients, vitamin C góp phần bảo vệ hệ miễn dịch bằng cách hỗ trợ các chức năng tế bào khác nhau.

Vitamin C hỗ trợ chức năng hàng rào biểu mô chống lại các tác nhân gây bệnh, thúc đẩy hoạt động thu gom chất oxy hóa và thúc đẩy tiêu diệt vi sinh vật. Thiếu vitamin C có thể dẫn đến suy giảm khả năng miễn dịch và dễ bị nhiễm trùng hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm