pnvnonline@phunuvietnam.vn
Loại rau chứa lượng vitamin C gần gấp đôi cam, lại nhiều công dụng "thần kỳ"
Rau diếp cá (hay còn gọi là dấp cá, dấp tanh) có rất nhiều ở Việt Nam, đặc biệt là ở vùng nông thôn loại rau này mọc đầy ở những bờ ruộng, bãi đất hoang, nơi ẩm thấp. Vì cây phát triển nhanh nên nhiều người còn nhổ bỏ, tuy nhiên trong đông y và nhiều bài thuốc dân gian, diếp cá lại có tác dụng tuyệt vời.
Hàm lượng dinh dưỡng trong 100g rau diếp cá cụ thể được liệt kê trong Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam - Bộ Y tế như sau: Nước: 91.5 g; năng lượng: 22 Kcal; chất đạm: 2.9 g; carbohydrate: 2.7 g; chất xơ: 1.8 g; vitamin C: 68 mg; beta-caroten: 620 µg. Như vậy, lượng vitamin C trong diếp cá còn cao hơn cả cam (trong 100g múi cam có trung bình 40mg vitamin C).
Thông thường, người dân chỉ biết diếp cá dùng để hạ sốt cho trẻ, thế nhưng loại rau này còn rất nhiều công dụng khác, thậm chí là chữa được một số bệnh. ThS. lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, diếp cá có vị chua, cay, tính mát có tác dụng chủ yếu là thanh nhiệt, giải độc, thông tiểu tiện, giảm phù thũng, sát khuẩn, chống viêm.
Ngoài ra, rau diếp cá chữa sốt nóng trẻ em, trị mụn nhọt sưng đỏ, vú sưng đau do tắc sữa, chữa táo bón... Do vậy, các gia đình nên trồng loại rau này để sử dụng khi cần, vì việc trồng diếp cá trông không tốn diện tích, không khó khăn trong khâu chăm sóc.
Diếp cá có thể dùng để thanh nhiệt, giải độc rất tốt. (Ảnh minh họa)
Diếp cá có thể sử dụng được quanh năm, tuy nhiên dùng trong mùa hè là tốt nhất vì nó giúp thanh nhiệt, bổ sung nhiều vitamin, nước cho cơ thể. Lương y Vũ Quốc Trung hướng dẫn, diếp cá dùng để thanh nhiệt giải độc nên cho vào xay cùng nước lọc, rồi bỏ phần bã lấy nước uống.
Tuy nhiên, do diếp cá có mùi tanh nên nhiều người cảm thấy khó sử dụng. Để hạn chế mùi tanh, vẫn giữ nguyên được giá trị của diếp cá, ông Trung tư vấn mọi người nên cho thêm đậu xanh đã bỏ vỏ, hấp chín vào xay cùng. Ngoài việc xay lấy nước, diếp cá có thể ăn như một loại rau sống thông thường cũng rất tốt.
Ngoài thanh nhiệt, giải độc, diếp cá có thể dùng để chữa ho bằng cách: Dùng một nắm diếp cá tươi rửa sạch xay nhỏ, đun sôi với nước vo gạo. Chắt uống nước cốt, làm sau mỗi bữa ăn, đến lần 2-3 là thấy khỏi.
Hay với người có bị bệnh trĩ thì dùng rau diếp cá ăn sống mỗi ngày, kết hợp nấu nước để ngâm, xông, rửa lúc đang ấm. Phần bã mang rịt vào hậu môn.
Cách chữa sốt nóng cho trẻ bằng lá diếp cá cũng rất đơn giản: Dùng 20g diếp cá, rửa sạch, giã nát lấy nước, bỏ bã. Ngày uống 2 lần, dùng đến khi hết sốt.
Diếp cá giúp làm sạch tử cung, điều hòa kinh nguyệt chị em. (Ảnh minh họa)
Một tác dụng rất tốt của diếp cá với phụ nữ là giúp cải thiện tình trạng kinh nguyệt không đều. Lương y Quốc Trung hướng dẫn, chị em dùng diếp cá 40g, ngải cứu 30g, sau đó rửa sạch, giã nhỏ lọc bằng nước sôi để nguội, lấy một bát nước thuốc. Uống làm 2 lần trong ngày, uống liền 5 ngày, uống trước kỳ kinh 10 ngày.
Theo vị lương y này, rau diếp cá và ngải cứu đều chứa những thành phần giúp làm ấm, làm sạch tử cung. Từ đó tử cung sẽ luôn trẻ khỏe, kinh nguyệt đều đặn hơn mỗi tháng. Chị em sau tuổi 30 mắc chứng kinh nguyệt không đều khiến da sạm nám, lão hóa nhanh nên sử dụng để bổ khí huyết, ngày càng hồng hào, nhuận sắc.
Do diếp cá là loại rau mọc sát dưới mặt đất nên khi sử dụng, ông Trung lưu ý mọi người cần rửa sạch, ngâm kỹ để loại bỏ tạp chất, nhất là ký sinh trùng, giun sán. Ngoài ra, nếu xay dấp cá không nên để qua đêm rồi mới sử dụng, kể cả cho vào tủ lạnh cũng làm hàm lượng chất bị hao hụt, đồng thời tăng tính lạnh, gây hại sức khỏe.
Không lạm dụng rau diếp cá để làm sạch tử cung, đẹp da. Nếu muốn uống để cơ thể được giải nhiệt nên dùng 120-150ml nước diếp cá. Nên uống sau bữa ăn, tránh uống buổi tối.