“Lối đi không giống ai” của người phụ nữ M’Nông

Bài, ảnh: N.Minh
03/11/2022 - 10:42
“Lối đi không giống ai” của người phụ nữ M’Nông

H'Nga (bìa trái) tuyên truyền cho chị em về việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Ảnh: T.H

Năng động, nhiệt huyết, H’Nga (dân tộc M’Nông, nhóm Phát triển Cộng đồng buôn H Ngô A, xã Hoà Phong, huyện Krông Bông, Đăk Lăk) được nhiều phụ nữ Ê đê tín nhiệm, yêu quý. Với “lối đi riêng”, cô đã thay đổi nhận thức về việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản (SKSS) và tình dục của nhiều người dân nơi đây.

Chia sẻ về hoạt động của nhóm phát triển cộng đồng buôn H Ngô A, H'Nga nói bằng cả sự say mê, nhiệt huyết. Dù không gắn bó với nhóm ngay từ đầu nhưng có kinh nghiệm "vác tù và hàng tổng", Chi hội trưởng phụ nữ H'Nga đã khiến nhiều phụ nữ Ê đê biết yêu, quan tâm và chăm sóc sức khoẻ bản thân hơn.

“Lối đi không giống ai” của người phụ nữ M’Nông - Ảnh 1.

Truyền thông về chăm sóc SKSS cho phụ nữ tại huyện Krông Bông

Hành trình để khiến người phụ nữ Ê đê ở buôn H Ngô A hiểu rằng việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản là quan trọng, là cần thiết không hề đơn giản. Trước đây, họ có thói quen sinh con tại nhà. Họ không biết đi khám phụ khoa khi bị viêm nhiễm. Khi có thai, họ không bao giờ đi khám thai, họ không hiểu được những nguy cơ khi mang thai ngược, khi bị rau tiền đạo… Họ ngại ngần không dám chia sẻ với người khác về tình trạng bệnh của mình. 

Thậm chí, họ không còn có cả thói quen việc phơi quần áo ở ngoài nắng cho sạch sẽ, thơm tho. Họ cứ sống với những thói quen cũ và mặc nhiên âm thầm chịu đựng những đau đớn khi bị bệnh tật. Họ chỉ nghĩ đơn giản, bao đời nay vẫn sống như thế nên chẳng sao. Nếu bị bệnh, âu cũng là… số phận.

“Lối đi không giống ai” của người phụ nữ M’Nông - Ảnh 2.

Khi con ốm, phụ nữ Ê đê đã có thói quen đưa con đi khám ở cơ sở y tế

H'Nga cho biết, cách tuyên truyền của cô không giống như thông thường, không đi theo nhóm đông, không đi hết bản nọ đến bản kia để cho xong việc, để lấy số lượng. Cô chọn "hiểu tính cách, trình độ nhận thức của từng người để nói chuyện cho phù hợp". "Với những người muốn thay đổi bản thân để cuộc sống của mình tốt hơn thì việc tuyên truyền không khó. Có những người tự giác tham gia các buổi họp của nhóm phát triển cộng đồng. 

Hoặc nhờ những "người thực, việc thực"- những người đã đi khám, được cấp thuốc miễn phí, được chữa khỏi bệnh- chính họ là những tuyên truyền viên rất hiệu quả để chị em tin vào việc đi đến cơ sở y tế để khám bệnh.

"Tuy nhiên, với những người không hiểu biết, họ lấy lý do đi làm để trốn tham gia. Lúc đó, tôi phải đến nương để gặp từng người, tỉ mỉ nói chuyện, kiên trì phân tích cho họ những cái được, việc cần thiết bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ, sức khoẻ sinh sản. Với những chị em không biết chữ, tôi thủ thỉ với họ nhiều hơn bởi nhận thức của họ hạn chế. Tôi chọn cách "vật lộn, đấu tranh với tư tưởng" của từng người, từng nhà để họ biết đến chương trình chăm sóc SKSS", H'Nga chia sẻ.

“Lối đi không giống ai” của người phụ nữ M’Nông - Ảnh 3.

Chị em phụ nữ ở Krông Bông đã biết quan tâm đến việc chăm sóc SKSS

H'Nga cho biết, trường hợp càng khó thay đổi, cô càng dành nhiều thời gian, tâm sức cho họ. Cô không cho phép mình nản mà với phương châm "mưa dầm thấm lâu", cô tin họ sẽ thay đổi ít nhiều. "Thay đổi nhận thức về việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản với phụ nữ Ê đê đã khó nhưng thay đổi từ chính các ông chồng còn khó hơn. Có ông chồng cổ hủ đến mức nằng nặc không cho vợ đi khám sức khoẻ sinh sản. Họ cho rằng, vợ của họ, chỉ mình họ được chạm vào. "Cho vợ đi khám thì người khác (bác sĩ) cũng được động chạm vào à. Hay, vợ đi khám chứng tỏ có bệnh về phụ khoa, chứng tỏ không chung thuỷ mà đã đi với người khác". Họ còn thách thức vợ, nếu đi khám thì đừng trở về nhà nữa…". 

H'Nga cho biết, ông chồng này có vô vàn lý do để bắt vợ "lạc hậu" cùng mình như vậy. Với những trường hợp này, H'Nga phải đến vận động rất nhiều. Hết vận động chồng, cô còn tác động đến tâm lý của người vợ để người vợ trao đổi thêm với chồng. Sau nhiều lần thuyết phục, người chồng đã đồng ý cho vợ đi khám phụ khoa, chăm sóc SKSS, cho vợ tham gia các buổi tuyên truyền, sinh hoạt cùng các chị em, hội viên, phụ nữ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm