pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ Đắk Lắk thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế
Mô hình trồng nhãn của người dân ở Đắk Lắk.
Làm kinh tế tại chỗ
Gia đình chị H'Bi Bkrong thôn Bông, xã Eakao, thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, trước đây gia đình chị nuôi bò, nuôi heo, gà, vịt nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Mấy năm nay, thức ăn gia súc tăng cao nên cũng không có tiền để mua thức ăn.
Năm 2021, chị H'Bi được hỗ trợ vay vốn từ Hội LHPN xã là 20 triệu đồng. Vợ chồng chị quyết định mua dê giống về nuôi. Theo chị H'Bi, nuôi dê nhàn hơn nuôi heo, thực phẩm của dê chỉ là rau cỏ, không mất nhiều chi phí. Khi nuôi dê, chị H'Bi cũng tranh thủ làm việc nhà. Chị lấy lá keo, cỏ về cho dê ăn. Mỗi con dê bán được 4 triệu đồng, đủ tiền cho con cái đi học và chăm lo đời sống gia đình cũng tốt hơn.
Chị Amy My cũng trú tại xã EaKao cho biết, gia đình chị cũng thúc đẩy chăn nuôi quy mô lớn. Nhà chị vay vốn về để đầu tư chăn bò. Nhờ vay vốn, chị Amy chia sẻ, với việc chăn nuôi tốt, tư duy phát triển kinh tế đã khác trước giúp chị tăng thêm thu nhập cho gia đình. Con cái đi học tốt hơn. Mỗi con bò mẹ đẻ con sẽ cho thu nhập từ 20 triệu đồng/con bò con. Bò chỉ ăn cỏ, không tốn kém như nuôi gà, nuôi heo.
Chị H'Hoa Nie, chi hội phụ nữ thôn Bông, xã EaKao cho biết những năm gần đây chị tham gia hội phụ nữ cơ sở. Nhờ đó, chị được học thêm các kiến thức về phát triển kinh tế gia đình, bình đẳng giới. Không chỉ tự phát triển kinh tế gia đình, chị H'Hoa còn chia sẻ các kinh nghiệm làm kinh tế hộ gia đình của mình cho các chị em phụ nữ khác. Hai vợ chồng chị cùng hỗ trợ nhau sản xuất tại nhà, chồng chị không phải đi rừng như trước.
Hàng tuần, tại nhà cộng đồng của thôn, chị em phụ nữ lại tới các câu lạc bộ nhảy múa, hát hò, vừa giúp chị em vui vẻ, qua đó chị em cũng trò chuyện, hướng dẫn cách vay vốn, tiếp cận các nguồn vốn có thể vay.
Hiện xã EaKao có 600 hội viên và 90% là phụ nữ người dân tộc thiểu số. Nhiều năm trước, do thiếu đất canh tác nên nhiều chị em phải đi làm ăn xa. Giờ đây, nhờ các chính sách hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế, nhiều chị em đã tự thay đổi nếp sinh hoạt, làm kinh tế phát triển, tạo công ăn việc làm tại chỗ.
Phát triển du lịch cộng đồng
Hiện nay, nhiều chị em dân tộc thiểu số ở EaKao đã tham gia học dệt của dân tộc Ê Đê. Các buôn làng đang tự làm mới mình. Ví dụ như ở các hộ gia đình tham gia làm du lịch cộng đồng, bà con tự làm mới mình để mang đến cho du khách trải nghiệm thích thú.
Theo chị H' Yam Bkrông, trú tại thôn Tơng Jú, xã EaKao, thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk, các hộ dân ở đây phần lớn là người Ê Đê. Họ sẽ phục dựng lại các văn hóa của người dân tộc Ê Đê để phục vụ du khách. Ngoài ra, các hộ gia đình còn tham gia sản xuất trồng rau, nuôi heo theo truyền thống của người dân tộc. Các thực phẩm này trực tiếp phục vụ du khách và nhận được phản hồi rất tốt. Những năm qua, nhiều du khách từ mọi miền tổ quốc đã đổ về đây thăm quan và tìm hiểu nét văn hóa của dân tộc Ê Đê.
Từ khi có điểm du lịch văn hóa này, người dân địa phương rất phấn khởi. Có điểm du lịch nên người dân cũng có thể kinh doanh buôn bán, góp phần giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã EaKao.