pnvnonline@phunuvietnam.vn
Long An: Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" tiếp tục phát huy giá trị nhân văn
Dẫn đầu đoàn công tác là bà Nguyễn Thị Kiều Oanh - Phó Trưởng ban công tác phía Nam - Hội LHPN Việt Nam. Về phía lãnh đạo hội LHPN tỉnh Long An có bà Nguyễn Thụy Thắm - Phó Chủ tịch thường trực, bà Đỗ Thị Kim Thắm - Phó Chủ tịch.
Điểm đến đầu tiên của đoàn công tác là Trường Mầm non Hưng Hà. Tại đây, đoàn đã tặng quà trung thu cho hơn 120 phần quà cho các em. Bà Trần Thị Lan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hưng Hà chia sẻ, các trẻ và thầy cô giáo rất vui, phấn khởi khi được đón tiếp và nhận những phần quà ý nghĩa đến từ đoàn công tác. Những món quà này sẽ góp phần giúp các em có một mùa trung thu thật ấm áp.
"Nơi đây là vùng sát biên giới nên điều kiện kinh tế của các hộ gia đình rất khó khăn. Do đó, công tác vận động phụ huynh cho các con đến trường đầy đủ cần rất nhiều sự phối hợp từ nhà trường, địa phương.
Sự góp sức của mọi người giúp các em có đầy đủ sách vở, quần áo và được hỗ trợ phần nào về học phí để yên tâm đến trường. Niềm vui của những người làm giáo dục như chúng tôi là được nhìn thấy các em chăm ngoan, lễ phép và đến trường đầy đủ", bà Lan chia sẻ.
Sau đó, Đoàn công tác cũng đã đi thực tế một số gia đình được Hội hỗ trợ vay vốn để chăn nuôi năm 2022, trao quà tặng cho phụ nữ khuyết tật…
Nhờ sự hỗ trợ của Hội, cuộc sống của gia đình bà Ngô Thị Sự (46 tuổi) đã cải thiện hơn từ ngày vay vốn, mua thêm 1 con heo nái. Đàn heo của bà Sự liên tục sinh sôi, gia tăng số lượng. Dù việc chăn nuôi ban đầu có gặp nhiều khó khăn nhưng bà Sự vẫn lạc quan, ráng chăm đàn heo để có tiền lo cho gia đình.
"Những hoạt động hỗ trợ vay vốn của Hội đã hỗ trợ cho gia đình rất nhiều. Tôi mong chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương sẽ ngày càng phát triển để giúp cho những người có hoàn cảnh khó khăn khác trên địa bàn", bà Sự nhấn mạnh.
Chiều 29/9, Hội LHPN tỉnh Long An và Hội LHPN huyện Tân Hưng đã có buổi tiếp đón và báo cáo kết quả của công tác Hội, phong trào phụ nữ trong 9 tháng đầu năm 2023.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thụy Thắm - Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh Long An cho biết, vừa qua, Hội đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An cùng các ngành liên quan tổ chức dạy nghề cho 1.302 lao động nữ. Trong đó, 674 lao động nữ có việc làm sau đào tạo và giới thiệu việc làm cho 2.483 lao động nữ.
Bà Nguyễn Thị Lệ Huyền - Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Hưng chia sẻ, riêng năm 2023, Hội LHPN huyện đã tổ chức thăm hỏi, trao tặng 200 phần quà cho Hội viên, phụ nữ hộ nghèo, hộ cận nghèo ở 3 xã biên giới Hưng Điền B, Hưng Hà và Hưng Điền với tổng trị giá là 60 triệu đồng. Đồng thời, trao tặng 1 căn nhà Mái ấm tình thương cho hộ dân ở xã Hưng Hà với số tiền là 50 triệu đồng.
Kết thúc buổi công tác tại địa phương, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh đánh giá cao sự nỗ lực của Hội LHPN tỉnh Long An trong việc cụ thể hóa các kế hoạch, chủ trương và triển khai rất tốt nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2022-2027.
"So với những năm trước, tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em ở tỉnh Long An đã giảm nhiều nhờ có sự nỗ lực tuyên truyền của địa phương.
Trong năm 2024, dựa trên định hướng của Trung ương Hội, Hội LHPN tỉnh cần chọn ra các nhiệm vụ trọng tâm như: giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện kinh tế gia đình... để thực hiện tốt và hiệu quả hơn nữa. Đồng thời, Hội LHPN tỉnh Long An nên sớm thành lập CLB phụ nữ tri thức đa ngành để tham gia hỗ trợ phản biện xã hội sâu hơn", bà Kiều Oanh nhấn mạnh.
Đề xuất phát hiện bạo lực gia đình được cộng điểm thi đua
Bà Nguyễn Thụy Thắm - Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh Long An cho rằng, vấn đề bạo lực gia đình, trẻ em bị xâm hại vẫn còn. Tuy nhiên, nhiều địa phương do sợ bị trừ điểm thi đua nên không có sự ghi nhận.
Bà Thắm kiến nghị Trung ương Hội LHPN Việt Nam cùng các ban ngành liên quan nên ban hành quy định mới, chính quyền nơi nào phát hiện bạo lực gia đình thì được cộng điểm thi đua. Nơi nào mà người dân báo về bạo lực gia đình mà địa phương không công nhận thì bị trừ điểm. Điều này sẽ giúp việc phòng chống bạo lực gia đình hiệu quả hơn.
Đồng thời, chúng ta cần cân nhắc đến việc thay đổi các cụm ngôn ngữ như "phòng chống xâm hại" thành "kỹ năng tự bảo vệ cho phụ nữ, trẻ em". Chúng ta cần đưa các kiến thức về giáo dục giới tính, giáo dục sử dụng mạng xã hội vào các trường học sớm hơn.