Lừa đảo qua điện thoại: Sao chưa ngăn chặn được?

Vũ Vũ
02/04/2022 - 11:48
Lừa đảo qua điện thoại: Sao chưa ngăn chặn được?

Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, chừng nào vẫn còn tình trạng SIM rác (SIM không chính chủ) thì cuộc gọi rác, tin nhắn rác vẫn hoành hành và chúng ta khó lòng phát hiện, xử lý các hành vi lừa đảo, quấy rối, hù dọa qua điện thoại như hiện nay.

Đủ chiêu lừa đảo qua điện thoại

Chị Minh Ánh (phố Phương Mai, Hà Nội) bất ngờ nhận được điện thoại từ số máy lạ gọi đến xưng là người của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an). Người này thông báo chị Ánh bị xử lý "phạt nguội" lỗi vi phạm giao thông và yêu cầu chị cung cấp tên, tuổi, số CMND/CCCD để kiểm tra trên hệ thống của Cục Cảnh sát giao thông là lỗi gì, từ đó quy ra số tiền phạt, biện pháp xử lý.

Chị Ánh sau một hồi cung cấp thông tin cá nhân của mình thì sực nghĩ ra yêu cầu phía đầu dây bên kia cung cấp lại biển số xe ô tô của chị, cung đường chị vi phạm giao thông dẫn đến "phạt nguội". Khi được hỏi ngược lại, phía đầu dây bên kia dập máy luôn. Tuy đã kịp nhận ra cuộc gọi này có vấn đề nhưng chị Ánh cũng đã cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân của mình cho kẻ gian. Chị vô cùng lo lắng vì không biết rồi đây, kẻ gian sẽ sử dụng thông tin của chị vào những việc gì.

"Bà đang nợ tiền điện nhưng không thấy liên hệ với công ty điện lực để thanh toán. Gia đình bà cần làm theo hướng dẫn để thanh toán ngay, nếu không sẽ bị cắt điện", đó là những lời mà chị Giang Thùy Trang (Ba Đình, Hà Nội) nhận được từ một đối tượng tự xưng là nhân viên điện lực. Vì chắc chắn mình không chậm tiền điện, chị Trang đã trả lời: "Có phải lừa đảo không", liền bị đối tượng cúp máy. Xác minh lại với đơn vị điện lực, chị Trang biết đó là đối tượng giả mạo nhân viên điện lực.

Chị Phạm Minh Tâm (Tây Hồ, Hà Nội) kể, chị nhận được cuộc điện thoại tự xưng là nhân viên bưu điện thông báo, chị có một bưu kiện được gửi đến mà không hiểu vì lí do gì bưu kiện bị trả về phía bưu điện. Nhân viên bưu điện xin số chứng minh nhân dân của chị để xác nhận chủ số thuê bao di động này có đúng là người chủ được nhận bưu kiện hay không. Sau khi cung cấp số chứng minh nhân dân, chị Tâm được nhân viên bưu điện thông báo, bưu kiện của chị là một bức thư thông báo của Ngân hàng Đông Á. Nội dung của bức thư cho biết, chị Tâm đã sử dụng thẻ tín dụng của Ngân hàng Đông Á với số tiền lên đến 38 triệu đồng và hiện chưa thanh toán. Nếu chị Tâm không thanh toán số tiền trên thì sẽ bị ngân hàng đưa vào danh sách nợ xấu. Chị Tâm không mở thẻ tín dụng của Ngân hàng Đông Á và chị đã gọi đến ngân hàng này để tìm hiểu sự việc. Phía ngân hàng khẳng định, ngân hàng không phát đi thông báo này. Đến lúc này, chị Tâm biết mình đã bị kẻ gian lừa và lấy thông tin cá nhân, số chứng minh nhân dân của chị.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thời gian qua, khi hầu hết các hoạt động giải trí, trao đổi thông tin, công việc, tài chính… được nhiều người thực hiện qua điện thoại di động, thì gọi điện thoại trở thành đích nhắm của rất nhiều chiêu trò lừa đảo.

Điển hình, tháng 3/2022, Công an thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cho biết, một người dân tên T. (sinh năm 1948, ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội) trình báo về việc nhận được một cuộc điện thoại từ một đối tượng tự xưng là công an. Người này thông báo đang điều tra đường dây rửa tiền liên quan đến ông T. và yêu cầu ông nộp tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp để xác minh. Sau khi chuyển 600 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng, ông T. mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Vì sao nhà mạng không ngăn chặn cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo?

Trao đổi với Báo Phụ nữ Việt Nam, đại diện một nhà mạng cho biết, theo luật, nhà mạng không được phép nghe nội dung cuộc gọi hay xem nội dung tin nhắn vì đó là quyền riêng tư giữa những người dùng với nhau. Trong khi đó, hầu hết các cuộc gọi hay tin nhắn lừa đảo hiện nay đều xuất phát từ các đầu số liên lạc cá nhân, hệ thống kỹ thuật đương nhiên sẽ không thể biết được nội dung trao đổi giữa người gọi và người nghe là gì.

Hiện nay, hệ thống kỹ thuật nhận diện, phát hiện và ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác của các nhà mạng chủ yếu căn cứ vào các thông số như tần suất thực hiện cuộc gọi, nhắn tin đến hàng loạt số liên lạc lạ trong cùng thời điểm hoặc liên tiếp nhau. Bên cạnh đó là sự kết hợp với phản ảnh của người dùng trong việc xác nhận số điện thoại có phải là nguồn thực hiện cuộc gọi rác hay phát tán tin nhắn rác. Do đó, việc phát hiện và ngăn chặn các cuộc gọi, tin nhắn có nội dung lừa đảo, quấy rối, hù dọa… không dễ dàng.

Về vấn đề này, anh Nguyễn Quang Huy, Giám đốc công ty viễn thông J&K, một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông, cho rằng, chừng nào vẫn còn tình trạng SIM rác (SIM không chính chủ) thì cuộc gọi rác, tin nhắn rác vẫn hoành hành và chúng ta khó lòng phát hiện, xử lý các hành vi lừa đảo, quấy rối, hù dọa qua điện thoại như hiện nay. Vì thế, các cơ quan chức năng cần thúc đẩy để siết chặt việc quản lý SIM chính chủ, loại bỏ SIM không chính chủ càng sớm càng tốt.

Cần làm gì khi nhận tin nhắn, cuộc gọi hù dọa, lừa đảo?

Để tránh bị "sập bẫy" lừa đảo, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, đã khuyến cáo người dân 3 vấn đề.

Thứ nhất, người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước; không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở… cho bất kỳ ai khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các nghi can chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định. Lực lượng chức năng, nhất là lực lượng công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc online, qua mạng.

Thứ hai, thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội. Không cho mượn, thuê các giấy tờ cá nhân liên quan, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết.

Thứ ba, đối với các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, nhất là loại chuyển tiền qua mạng, tùy theo từng vụ án cụ thể, việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt sẽ rất khó khăn. Do đó, trường hợp nghi ngờ về hoạt động mạo danh cơ quan, tổ chức để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân cần kịp thời thông báo cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm