Luật sư bày cách kiện sản phẩm nhiễm chì

09/08/2016 - 10:01
'Khi phát hiện ra một hộp sữa bị sủi bọt, tôi niêm phong các hộp còn lại rồi gửi đi giám định. Sau đó, công ty đến làm việc và với những chứng cứ thuyết phục của tôi, họ phải chấp nhận bồi thường'.
Đó là câu chuyện của Luật sư Giáp Văn Điệp (Đoàn Luật sư Bắc Giang) khi đòi quyền lợi cho sản phẩm mua bị lỗi. Luật sư Điệp kể, cách đây mấy tháng, anh có mua vài dây sữa (không nêu tên) cho con uống. Về nhà, anh cho con uống. Khoảng 2 hôm sau, khi cho con uống đến hộp thứ 4, anh thấy sữa bị sủi bọt, trong khi hạn sử dụng vẫn còn dài. Ngay lập tức, anh thông báo cho nhà sản xuất thông qua đường dây nóng. Đồng thời, niêm phong những hộp còn lại rồi gửi đi xét nghiệm.

Khi làm việc với bộ phận chăm sóc khách hàng của công ty, họ nhất định không chịu bồi thường. Anh cho biết, nếu công ty không bồi thường thì sẽ đưa ra tòa, bởi với những chứng cứ có trong tay, chắc chắn sẽ đòi được quyền lợi. Với chứng cứ thuyết phục gồm biên lai thu tiền, sản phẩm lỗi và bản xét nghiệm sản phẩm, công ty phải chấp nhận bồi thường cho anh 5 triệu đồng.
tra-xanh-c2-nhiem-chi-180616.jpg
Người tiêu dùng cần mua hàng ở những cửa hàng có địa chỉ rõ ràng
Với những sản phẩm khi đã tiêu thụ rồi mới phát hiện ra nhiễm độc, thì người tiêu dùng (NTD) cũng phải chuẩn bị từ trước để khi xảy ra sự cố còn có bằng chứng. Luật sư Điệp cho rằng, lâu nay NTD khi mua phải sản phẩm lỗi hoặc kém chất lượng thì chỉ nghĩ là không mua sản phẩm đó nữa; mà không nghĩ đến chuyện đổi lại sản phẩm hay tố cáo, khởi kiện mà chấp nhận thiệt thòi.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam cho rằng, nhiều NTD thường không muốn khiếu nại khi phát hiện ra sản phẩm lỗi, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe. NTD cho rằng sản phẩm mình mua giá trị nhỏ và mua lẻ, nếu khiếu nại rất mất thời gian, rồi thủ tục pháp lý rườm rà, tỷ lệ thành công cũng không cao. Vì vậy, đa số NTD lựa chọn việc im lặng thay vì phải khiếu nại để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
img_1028-1044.jpg
Luật sư Giáp Văn Điệp, người đã được một hãng sữa bồi thường
Để bảo vệ quyền lợi của mình, Luật sư Điệp cho rằng, NTD cần phải thay đổi thói quen, cách nghĩ. Việc thay đổi này bắt đầu từ việc mua hàng ở những nơi có địa chỉ rõ ràng, có điểm bán cố định, lấy hóa đơn, chứng từ và lưu lại (nếu có).

Theo luật sư Điệp, khi phát hiện sản phẩm bị lỗi, ảnh hưởng đến sức khỏe thì NTD cần yêu cầu cơ sở sản xuất bồi thường. Việc đòi bồi thường được tiến hành theo các bước:

Bước 1: Là giải quyết bằng thương lượng, hòa giải. Trường hợp hai bên thực hiện thương lượng thì các thỏa thuận giữa hai bên, hoặc có bên thứ ba làm trung gian. Mọi thỏa thuận phải lập thành văn bản, có dấu xác nhận của chính quyền địa phương. Đây được xác định là quan hệ dân sự tránh bị hình sự hóa giao dịch dân sự như một số vụ việc vừa qua. Còn nếu kiện đơn vị sản xuất đòi bồi thường, thì phải chuẩn bị các tài liệu liên quan như hóa đơn mua hàng, sản phẩm bị lỗi, chứng minh sức khỏe bị tác động do dùng sản phẩm...

Bước 2: Nếu hai bên không tự thương lượng được thì tiến hành hòa giải, nếu vẫn không đạt được sự đồng thuận thì đưa ra trọng tài, thậm chí tòa án xét xử. Ngoài ra, NTD có thể đơn phương khởi kiện hoặc thông qua Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tại các địa phương. Tuy nhiên, Luật sư Điệp cho rằng, khi khởi kiện, tỷ lệ thắng của NTD rất thấp. Bởi họ phải chứng minh được sản phẩm đó làm ảnh hưởng đến sức khỏe, rồi có hóa đơn, hay phiếu mua hàng. Trong khi đó, hầu hết NTD mua sản phẩm ở các cửa hàng nhỏ lẻ không có hóa đơn chứng từ. 'Nếu có thể, thì thương lượng hoặc hòa giải là phương án tốt nhất cho cả 2 bên', luật sư Điệp nói. 

Trở lại với việc hàng triệu chai C2 và Rồng đỏ nhiễm chì đã được bán ra thị trường và được tiêu thụ. Theo nhiều chuyên gia, những người sử dụng sản phẩm này, đặc biệt là uống nhiều, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, việc khởi kiện sẽ khá khó khăn, bởi phải chứng minh sức khỏe của mình bị tác động bởi uống C2 và Rồng đỏ nhiễm chì. Hơn nữa, phải có hóa đơn, chứng từ mua sản phẩm...

Do đó, để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, tốt nhất, NTD cần nói không với sản phẩm nhiễm chì, kém chất lượng.

NTD khi khiếu nại các sản phẩm liên quan đến nước uống nhiễm chì, có thể liên hệ các Văn phòng luật sư sau để được tư vấn miễn phí:

1. Văn phòng Luật sư Phạm Nghiêm. Trưởng văn phòng: Luật sư Phạm Công Út. Địa chỉ: số 122/7, đường Trần Đình Xu, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, TP.HCM. ĐT:  0903 342 188.
2. Văn phòng luật sư Tín Việt và Cộng sự. Trưởng Văn phòng: Luật sư Trần Thu Nam. Địa chỉ: Nhà C15, ngõ 88 phố Trung Kính, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội. ĐT: 043.555.34.34- 097.669.3333.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm