Luật sư cảnh báo từ vụ người phụ nữ vay 50 triệu nhưng bị lừa chuyển khoản 200 triệu đồng

Linh Trần
17/02/2023 - 07:49
Luật sư cảnh báo từ vụ người phụ nữ vay 50 triệu nhưng bị lừa chuyển khoản 200 triệu đồng

Ảnh minh họa: VGP

Chị C. muốn vay 50 triệu đồng qua app nhưng bị lừa chuyển khoản mất 200 triệu đồng. Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, có 4 nguyên nhân khiến người dân "cả tin" để rồi khiến tài sản bị chiếm đoạt.

Vay 50 triệu đồng nhưng bị lừa 200 triệu đồng

Thời gian qua, mặc dù báo chí, truyền thông và các cơ quan nhà nước tuyên truyền rất nhiều về các thủ đoạn, cách thức lừa đảo trên mạng nhưng hành vi, thủ đoạn, cách thức lừa đảo ngày càng tinh vi, xảo quyệt và khó đối phó. 

Các hình thức lừa đảo chủ yếu như: Lập các app cho vay tiền với lãi suất "cắt cổ"; Tuyển cộng tác viên sàn thương mại điện tử, cộng tác viên làm online; Cuộc gọi lừa đảo; Giả mạo lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án; Giả mạo nhân viên của sàn thương mại điện tử, trung tâm mua sắm, đài truyền hình, công ty xổ số... hay giả danh nhân viên ngân hàng.

Mới đây, Báo Phụ nữ Việt Nam đã nhận được đơn của chị NT.C. (trú tại Cẩm Phả, Quảng Ninh) cho biết bị lừa hơn 200 triệu đồng khi vay qua app. Chị C. cho biết, bản thân có nhu cầu vay tiền nên đã tìm qua mạng xã hội và được giới thiệu 1 app về tài chính. Sau khi nghe tư vấn, chị thấy lãi khoảng 25%/năm, thủ tục dễ dàng nên đồng ý vay 50 triệu đồng. Chị nhập đủ các thông tin theo nhân viên tư vấn hướng dẫn rồi gửi đi nhưng chờ nửa tiếng mà không nhận được tiền. Chị hỏi lại thì nhân viên tư vấn cho biết, số tài khoản chị nhập không đúng, phải chuyển 20 triệu đồng để xác minh. Chị đã làm theo. 

Sau khi chị chuyển 20 triệu, số tiền vay vẫn không thấy đâu. Nhân viên tư vấn lại cho biết, tài khoản của chị nhập vẫn chưa đúng. Chị phải nộp thêm 50 triệu đồng. Số tiền nộp sẽ được công ty cộng và chuyển lại cả cùng với số tiền vay. Tin lời, chị lại làm theo nhưng vẫn không nhận được tiền.

Sau vài lần, số tiền chị chuyển cho tài khoản kia đã lên đến 200 triệu đồng nhưng vẫn không nhận được tiền vay. Số tiền chị chuyển cũng không được nhận lại, số điện thoại của nhân tư vấn cũng đã bị chặn. Nghi bị lừa, chị C. đã trình báo cơ quan công an và gửi báo chí nhờ hỗ trợ thông tin. "Tôi có chút khó khăn nên mới phải vay qua app, ngờ đâu còn bị lừa thêm 200 triệu đồng. Để có số tiền đó, tôi phải vay mượn người thân và sau mỗi lần chuyển tiền, tôi đều hy vọng app sẽ chuyển lại cho mình. Ngờ đâu bị lừa", chị C. nói.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết, mặc dù các lực lượng chức năng đã có rất nhiều khuyến cáo, hướng dẫn, cảnh báo, xử lý và thậm chí khởi tố hình sự rất nhiều vụ án, tuy nhiên các hình thức lừa đảo này vẫn gia tăng cả về số lượng, nạn nhân, phạm vi. Điều này có thể xuất phát từ các lý do cơ bản sau:

Thứ nhất: Lợi dụng vào việc người dân thiếu hiểu biết về công nghệ thông tin, quá tin người. Khi thấy các đối tượng liên hệ, ban đầu họ tò mò nhưng rồi sau đó sập bẫy không hay.

Thứ hai: Tâm lý không muốn công khai, tiết lộ mình bị lừa, hoặc số tiền lừa ít. Vì thế mà nhiều vụ việc các nạn nhân không tố giác tội phạm khiến cho việc tìm hiểu, đấu tranh loại tội phạm này khó khăn, kéo dài và không xử lý triệt để vụ việc.

Thứ ba: Do việc quản lý còn lỏng lẻo, chưa quyết liệt, các đối tượng dễ dàng xây dựng, lập app, kênh, số điện thoại mới để tiếp tục lừa đảo.

Thứ tư: Thủ đoạn, cách thức lừa đảo ngày càng tinh vi, khó đối phó, thậm chí nhiều đối tượng để máy chủ ở nước ngoài để gây khó khăn cho quá trình điều tra, xác minh tội phạm.

Vì thế, việc phát hiện xử lý hành vi phạm tội của các đối tượng là hết sức khó khăn. Nhiều vụ án do nạn nhân ở nhiều địa bàn khác nhau, số tiền ít nên tiếp nhận xử lý của các địa phương còn lúng túng, chưa phối hợp nhau để ngăn chặn, xử lý hành vi phạm tội. Dù có văn bản hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an liên quan đến thẩm quyền giải quyết nhưng thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc. Do những vụ án này đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật điều tra, xác minh thông tin đối tượng lừa đảo.

Vay 50 triệu đồng nhưng bị lừa chuyển 200 triệu và cảnh báo của chuyên gia - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Xử lý như thế nào?

Luật sư Hùng cho hay, người vi phạm quy định về sử dụng mạng nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 81, Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Cụ thể: 

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng các phương tiện giao tiếp trực tuyến trên mạng Internet, mạng viễn thông nhằm chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân có trị giá dưới 2.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản có trị giá dưới 2.000.000 đồng;

+ Thiết lập hệ thống, cung cấp dịch vụ chuyển cuộc gọi quốc tế thành cuộc gọi trong nước phục vụ cho mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có trị giá dưới 2.000.000 đồng;

+ Trộm cắp hoặc sử dụng trái phép thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt, gây thiệt hại tài sản hoặc để thanh toán hàng hóa, dịch vụ có trị giá dưới 2.000.000 đồng.

Trường hợp số tiền lừa đảo, chiếm đoạt trên 2 triệu đồng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo điều 174 Bộ luật hình sự. Tùy thuộc theo tính chất, mức độ, thủ đoạn, hành vi và số tiền chiếm đoạt mà mức phạt cao nhất có thể lên đến tù chung thân.

Luật sư Hùng khuyến cáo các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại; hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan... yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định.

Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch. Khi gặp những tin nhắn thông qua các trang mạng xã hội để vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản; nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài..., thì cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo; nhanh chóng liên hệ hoặc gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với người đó để kiểm tra thông tin.

Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm