Luật sư nói về việc chồng đòi vợ tiền ăn, chữa bệnh khi ly hôn: Không chỉ đáng xấu hổ mà còn phạm luật

Nguyễn Long
06/03/2021 - 20:18
Luật sư nói về việc chồng đòi vợ tiền ăn, chữa bệnh khi ly hôn: Không chỉ đáng xấu hổ mà còn phạm luật

Luật sư Đặng Văn Cường.

Luật sư cho rằng, việc người đàn ông đòi tiền ăn, tiền chữa bệnh của vợ khi 2 người quyết định ly hôn không chỉ là hành vi đáng xấu hổ mà còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Những ngày qua, dư luận không hỏi bức xúc khi chứng kiến biên bản bàn giao tiền giữa 2 vợ chồng khi ly hôn. Biên bản thể hiện nội dung người vợ phải trả tiền cho người chồng để được nhận lại giấy tờ tuỳ thân, được "tự do" sau 14 tháng chung sống.

Điều bất ngờ là trong biên bản này thể hiện nội dung cô vợ phải trả cho người chồng một khoản tiền bao gồm tiền ăn trong thời gian sinh sống, tiền học phí của cô này, tiền chữa bệnh và các khoản tiền quà mừng cưới... thì người chồng mới trả giấy tờ tùy thân cho cô.

Chăm sóc nhau là nghĩa vụ của vợ chồng

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận xét, đây là hành vi đáng xấu hổ, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Theo quy định tại Điều 19, Luật hôn nhân và gia đình thì vợ chồng có nghĩa vụ yêu thương, chăm sóc, quý trọng, giúp đỡ lẫn nhau. Việc vay mượn, chi phí để thực hiện các nhu cầu tối thiểu thiết yếu như: ăn, mặc, ở, chữa bệnh là nghĩa vụ của chồng đối với vợ và của vợ đối với chồng. Pháp luật không cho phép đòi lại các khoản tiền liên quan đến các nhu cầu thiết yếu này.

Như vậy, nghĩa vụ yêu thương, chăm sóc, quý trọng lẫn nhau là nghĩa vụ chung của vợ chồng. Trong trường hợp gia đình kinh tế khó khăn đến mức không có tiền để ăn, mặc, chữa bệnh, chỗ ở thì cả hai đều có nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc đảm bảo vấn đề đó.

Nếu một bên đi vay mượn tiền để về trả tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền chữa bệnh thì cả hai bên đều có nghĩa vụ thanh toán. Trường hợp số tiền ăn, ở, chữa bệnh do một bên làm ra thì bên kia không có nghĩa vụ phải trả lại. Thu nhập có được trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung vợ chồng, nếu chi tiêu vào các nhu cầu thiết yếu, tối thiểu thì các bên không có quyền đòi lại.

Không thỏa thuận được tài sản khi ly hôn thì phải đưa ra tòa giải quyết

Ông Cường cho biết, sau khi ly hôn, vợ chồng có thể tự thỏa thuận để giải quyết với nhau về việc chia tài sản chung và xác nhận tài sản riêng. Theo đó, tài sản chung vợ chồng là những tài sản được tặng cho chung, thừa kế chung, do vợ chồng lao động sản xuất làm ra trong thời kỳ hôn nhân.

Những khoản tiền như; nhẫn cưới và các tài sản khác mà hai vợ chồng được tặng cho chung thì sẽ phải chia đôi có tính đến công sức đóng góp, nguồn gốc tài sản và ưu tiên quyền lợi của phụ nữ. 

"Bởi vậy, nếu trường hợp người đàn ông này giữ giấy tờ của người phụ nữ với mục đích để ép buộc người phụ nữ này phải đưa cho anh ta những tài sản không phải là tài sản chung, không thuộc quyền sở hữu của anh ta thì đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản. Pháp luật không cho phép khi ly hôn, một trong hai bên lại đòi tiền ăn trong quá trình sinh sống với nhau, tiền khám chữa bệnh, tiền học phí cũng là chi phí đã chi ra rồi, pháp luật cũng không cho phép đòi lại những khoản tiền này. Vì vậy việc người đàn ông này đòi lại những khoản tiền đó là không có cơ sở pháp lý và không phù hợp với đạo đức xã hộI", Luật sư Cường nói.

Luật sư nói về việc chồng đòi vợ tiền ăn, chữa bệnh khi ly hôn: Không chỉ đáng xấu hổ mà còn phạm luật - Ảnh 2.

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng việc người chồng giữ giấy tờ tùy thân ép vợ phải trả tiền ăn, tiền học, chi phí khám chữa bệnh trong thời gian 2 người chung sống không chỉ là hành vi đáng xấu hổ, trái đạo đức mà còn có dấu hiệu vi phạm luật hình sự.

Trường hợp người phụ nữ này vì bị đe dọa, uy hiếp mà miễn cưỡng phải giao tài sản cho người đàn ông này thì hành vi có dấu hiệu tội phạm. Hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 170 bộ luật hình sự năm 2015. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:

"Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm".

(Trích Điều 170 - Tội cưỡng đoạt tài sản - Bộ luật Hình sự)

Theo Luật sư Cường, trong trường hợp cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ có căn cứ cho thấy rằng người đàn ông này đã giữ giấy tờ của người phụ nữ để đe dọa uy hiếp, buộc người phụ nữ này phải đưa những khoản tiền không có căn cứ, không đúng pháp luật cho mình. Còn người phụ nữ vì lo sợ, vì bị ép buộc, dọa nạt nên miễn cưỡng đưa tiền cho người đàn ông này thì dù việc đưa tiền có sự chứng kiến của cơ quan tổ chức cá nhân thì hành vi này cũng là hành vi cưỡng đoạt tài sản. Khi đó sẽ bị xem xét xử theo điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015.

Mấu chốt ở đây là cơ quan điều tra sẽ làm rõ số tiền, tài sản mà người phụ nữ đã phải miễn cưỡng đưa cho người đàn ông này là thuộc quyền sở hữu của ai, có phải là tài sản chung vợ chồng hoặc tài sản riêng của anh ta hay không?

Trong trường hợp có tranh chấp về việc chia tài sản chung vợ chồng thì hai bên có thể đưa sự việc đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác khiến người khác phải bàn giao tài sản cho mình một cách trái ý muốn.

Trước đó, trên mạng xã hội Facebook lan truyền một biên bản bàn giao với nội dung thể hiện người vợ phải "trả quà" cho người chồng mới có thể lấy lại một số giấy tờ tùy thân.

Cụ thể theo nội dung biên bản bàn giao được chia sẻ, vào tháng 12/2019 chị Phạm Thị T.H. (31 tuổi có xây dựng gia đình với anh Đỗ Ngọc H. (32 tuổi, trú xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình).

Sau khi về chung sống với anh H. cuộc sống vợ chồng không được hạnh phúc như ý muốn, dẫn tới việc hai bên muốn chia tay, song anh H. còn giữ một số giấy tờ cá nhân của người vợ và yêu cầu phải hoàn trả các khoản tiền mới trả lại giấy tờ cá nhân.

Cụ thể các khoản tiền gồm tiền ăn hằng tháng (14 tháng) là 12 triệu đồng. Tiền đi khám chữa bệnh để phục vụ sinh sản và tiền đóng học của chị H. là 7 triệu đồng. Tiền đóng học phí của chị H. lần 2 là 5 triệu đồng. Tiền mừng cưới của anh H. là 13,3 triệu đồng và một chỉ vàng mẹ chồng tặng cho chị H. ngày cưới trị giá 5,6 triệu đồng. Tổng số tiền là 42,6 triệu đồng.

Theo nội dung biên bản, đến nay chị vợ đã chuyển cho anh H. số tiền nói trên, có đại diện thôn, công an viên phụ trách thôn làm chứng, chứng kiến để chị H. lấy lại giấy tờ cá nhân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm