Ngày 20/12, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đã tổ chức buổi Gặp gỡ báo chí do ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban chủ trì.
Tại buổi họp, ông Lương Thanh Nghị cho biết, cộng đồng người Việt Nam hiện có 4,5 triệu người có mặt tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 80% sinh sống ở các nước phát triển. Thành phần cộng đồng ngày càng đa dạng hơn, lớp di dân mới tăng lên và làm thay đổi cơ cấu cộng đồng: Cô dâu, lao động, du học sinh trong cộng đồng có xu hướng gia tăng.
Cộng đồng NVNONN là nguồn lực quan trọng, có tiềm lực lớn về kinh tế, khoa học kỹ thuật, chính trị, văn hóa, xã hội cũng như tri thức. Số chuyên gia, trí thức NVNONN tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam duy trì ở mức 300 người/năm. Trong năm 2018, các nhóm và cá nhân trí thức kiều bào có nhiều hoạt động sôi nổi, kết nối nguồn lực quốc tế; ngoài các lĩnh vực truyền thống, những đóng góp về tri thức của kiều bào đã đi vào những vấn đề nóng, phù hợp với xu thế chung của thế giới và nhu cầu của Việt Nam như khởi nghiệp sáng tạo, các vấn đề về cách mạng công nghiệp 4.0. Các hội nghị, hội thảo được tổ chức để tập trung nguồn tri thức, tài chính của kiều bào vào giải quyết những vấn đề cụ thể, tại từng địa phương cụ thể.
Đáng chú ý, công tác NVNONN đã hướng tới tăng cường thu hút, phát huy nguồn lực đầu tư, thương mại, chất xám, đặc biệt là từ trí thức, doanh nhân, kiều bào trẻ phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước: xác định rõ nhu cầu thực sự của các bộ, ngành, địa phương; có đầu mối đủ thẩm quyền hỗ trợ, kết nối trí thức, doanh nhân; tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp kiều bào với doanh nghiệp trong nước để trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ tiên tiến, làm cầu nối đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế….
Công tác NVNONN cũng hướng đến nhóm kiều bào trẻ - những người được đào tạo, năng động, sáng tạo nhưng lại có mối gắn kết lỏng lẻo với đất nước. Với bước đột phát mới này, công tác về NVNONN bước đầu đoàn kết, tập hợp lực lượng thanh niên, trí thức trẻ NVNONN hướng vào những nhiệm vụ phát triển cụ thể của đất nước.
Hiện có gần 3.000 doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài hoạt động đầu tư trên cả nước với tổng số vốn khoảng 4 tỷ USD. Lượng kiều hối trong năm 2016 là 11,88 tỷ USD, năm 2017 là 13,8 tỷ USD và theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối năm 2018 có thể lên tới 15,9 tỷ USD. 60% lượng kiều hối về nước được đầu tư cho kinh doanh, sản xuất.
Trong năm 2018, công tác về NVNONN tiếp tục được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Công tác đối với NVNONN đã tạo được sự chuyển biến rõ rệt trên nhiều mặt, đem lại nhiều thành công, đột phá mới làm cho NVNONN ngày càng hướng về quê hương, gắn bó và có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Công tác về NVNONN đã phát huy vai trò là một trong 4 nội dung trọng tâm của công tác đối ngoại, ngày càng kết hợp chặt chẽ và hỗ trợ tích cực các hoạt động ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa; tăng cường sự gắn bó giữa kiều bào với quê hương, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Công tác hỗ trợ kiều bào ổn định, hội nhập vào sở tại được triển khai với nhiều biện pháp, hình thức vận động. Đây là một trong những nội dung làm việc quan trọng của các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đem lại hiệu quả rõ rệt, tạo tâm lý yên tâm cho bà con ổn định cuộc sống ở sở tại và hướng về đất nước. Các hội đoàn tiếp tục được củng cố, phát triển ở diện rộng.
Công tác thông tin, văn hóa được đẩy mạnh với nhiều hình thức sáng tạo. Đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các phóng viên kiều bào tham gia và đưa tin về các hoạt động của đất nước, đặc biệt là vào dịp diễn ra các sự kiện lớn. Các hoạt động thường niên đã trở thành "thương hiệu" như Xuân Quê hương, Trại hè, thăm Trường Sa với hình thức tổ chức đổi mới ngày càng thu hút nhiều người tham gia, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước trong cộng đồng.
Phong trào dạy và học tiếng Việt đã lan tỏa trên toàn thế giới, nâng cao ý thức của kiều bào đối với việc duy trì tiếng Việt và truyền thống dân tộc. Tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Czech, Đài Loan… tiếng Việt được công nhận và giảng dạy như là ngoại ngữ thứ hai ở các trường phổ thông nơi có đông người Việt.
Những gương mặt Việt kiều nổi bật:
1, Với ý tưởng "giải phóng người nông dân", Tiến sĩ Việt kiều Canada Nguyễn Thanh Mỹ quyết định trở về quê hương Trà Vinh để khởi nghiệp ở tuổi 60. Ông đã thành công khi tạo ra nhiều đột phá công nghệ thu về hàng tỷ USD với tập đoàn Mỹ Lan. Hiện nay, ông cũng đang là người đứng đầu tập đoàn Rynan, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2018 - 2023.
Ông sản xuất phân bón thông minh giúp Việt Nam phát triển nông nghiệp thông minh trong điều kiện biến đổi khí hậu, giúp tăng doanh thu cho người nông dân, đồng thời giảm tối đa lượng khí thải ra do canh tác hóa học.
Tham vọng của ông là làm sao tạo ra những hạt giống chịu hạn, chịu mặn, tạo ra phân bón giảm ô nhiễm, hiệu quả, tiện lợi hơn, dùng công nghệ điện toán đám mây để đo độ đạm, độ cali của đất để bón phân hiệu quả, ứng dụng hệ thống tưới tự động như Israel, truy xuất nguồn gốc, áp dụng công nghệ điện toán đám mây vào phân phối, tiêu thụ, quảng cáo,…
2, Vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc (Pháp) đã đóng góp, lập quỹ giáo dục. Hơn 10 năm qua, quỹ này đã trao nhiều học bổng trị giá 300 tỷ đồng.
Trung tâm Khoa học giáo dục liên ngành (ICISE) được khánh thành tại Bình Định năm 2013 do vợ chồng giáo sư cùng những người bạn thiện nguyện xây dựng đã trở thành ngôi nhà chung cho khoa học Việt Nam và thế giới. Đến nay, 14 lần Gặp gỡ Việt Nam đã diễn ra, thu hút hàng nghìn nhà khoa học nổi tiếng, trong đó có nhiều nhà khoa học đạt giải Nobel. Từ năm 1994, các khóa học quốc tế theo chuyên đề cũng được tổ chức hàng năm nhằm đào tạo chuyên sâu cho sinh viên, nghiên cứu trẻ Việt Nam và châu Á.
|