Lưu giữ những giá trị lịch sử quý giá của nền báo chí cách mạng Việt Nam

PV
16/08/2022 - 16:23
Lưu giữ những giá trị lịch sử quý giá của nền báo chí cách mạng Việt Nam

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi trao tặng Bằng khen của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: TTXVN

5 năm là một chặng đường chưa dài nhưng với những người làm công tác bảo tàng thì đây là một chặng đường đặt nền móng đầy ý nghĩa, lưu giữ những giá trị lịch sử quý giá của nền báo chí cách mạng Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Thị Kim Hoa chia sẻ.

Ngày 16/8, tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học "Bảo tàng Báo chí Việt Nam - định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" và lễ kỷ niệm 5 năm thành lập (2017-2022).

Được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập ngày 28/7/2017, Bảo tàng Báo chí Việt Nam nằm trong hệ thống bảo tàng quốc gia, trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam với nội dung tập trung vào tiến trình lịch sử báo chí Việt Nam. Chỉ sau 3 năm thành lập (2017-2020), Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã hoàn thành không gian trưng bày thường xuyên, chính thức mở cửa đón khách tham quan từ ngày 19/6/2020 và trở thành một địa chỉ tham quan của những người làm báo và công chúng trong nước và thế giới.

Tính đến tháng 7/2022, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã sưu tầm được trên 35.000 tài liệu, hiện vật từ 15 cuộc vận động hiến tặng và những chuyến đi sưu tầm ở hơn 50 tỉnh thành; 20 cuộc trưng bày chuyên đề và tọa đàm khoa học về báo chí đã được tổ chức tại Bảo tàng và lưu động ở các địa phương khác.

Lưu giữ những giá trị lịch sử quý giá của nền báo chí cách mạng Việt Nam  - Ảnh 1.

Báo chí Việt Nam đón nhiều đoàn khách trong và ngoài nước tới tham quan. Ảnh: Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Dù trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong đó có nhiều thời gian giãn cách xã hội, song sau hai năm mở cửa đón khách, tính đến tháng 7/2022, Bảo tàng đã đón hơn 18.000 lượt khách tham quan, trong đó có hơn 150 lượt khách nước ngoài; hàng nghìn lượt theo dõi trên facebook, hàng trăm nghìn lượt truy cập webside của Bảo tàng. Một số cơ quan báo chí lớn đã tổ chức nhiều đoàn tham quan, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề ngay tại Bảo tàng và tiếp tục nhiệt tình hiến tặng thêm nhiều hiện vật, tư liệu mới.

Cùng với đó Bảo tàng đã biên soạn, xuất bản một cuốn sách tư liệu về lịch sử báo chí; thực hiện thành công hai đề tài nghiên cứu khoa học, sản xuất 250 phim tư liệu và clip về chân dung các nhà báo, các giai đoạn lịch sử báo chí, trong đó có chùm phim đoạt Giải B, Giải búa liềm vàng năm 2021 và một phim được nhận giải Khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI, 2021.

Bảo tàng cũng đã đóng vai trò nòng cốt và tiên phong trong việc khảo sát, định vị, lập hồ sơ công nhận Di tích lịch sử quốc gia cho Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại Đại Từ, Thái Nguyên.

Lưu giữ những giá trị lịch sử quý giá của nền báo chí cách mạng Việt Nam  - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự tọa đàm khoa học "Bảo tàng Báo chí Việt Nam - định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Ảnh: TTX

Nhân kỷ niệm 5 năm thành lập (2017-2022), Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Thị Kim Hoa chia sẻ: “5 năm là một chặng đường chưa dài nhưng với những người làm công tác bảo tàng thì đây là một chặng đường đặt nền móng đầy ý nghĩa. Kết quả đạt được trong 5 năm qua là tâm huyết và công sức của nhiều thế hệ lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí, các nhà báo lão thành và công chúng báo chí, trực tiếp là của những người làm Bảo tàng”.

Tại tọa đàm "Bảo tàng Báo chí Việt Nam - định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050", các đại biểu đã dành thời gian đóng góp, chia sẻ mang tính khoa học, cũng như có giá trị định hướng phát triển cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam thời gian trước mắt cũng như tương lai. Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi khẳng định, với định hướng phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Bảo tàng Báo chí Việt Nam cần tiếp tục làm phong phú kho tư liệu, cần có sự vào cuộc của tất cả các bên để đưa ra phương pháp sưu tầm và lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm