pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ly hôn để kết thúc khổ đau, tại sao nhiều người mãi chẳng thể bình yên và hạnh phúc?
Chẳng cặp vợ chồng nào đang vui vẻ, hạnh phúc mà lại kéo nhau ra tòa. Người ta chỉ quyết định dừng lại việc đi chung đường, nhìn chung hướng, khi cảm thấy bản thân không muốn và cũng không thể tiếp tục chịu đựng những bất đồng, tổn thương thêm một ngày nào nữa.
Điều này dễ hiểu. Bản năng của con người là mưu cầu hạnh phúc. Quyết định ly hôn được đưa ra cũng không nằm ngoài mục đích này. Nhưng sự thật là không phải ai ly hôn xong cũng sẽ hạnh phúc.
Có người vẫn khóc ròng mỗi đêm dù chồng đã trở thành "chồng cũ" được nhiều năm có lẻ. Có người vẫn không ngừng "soi" facebook người bạn đời cũ, để làm gì thì chẳng rõ, chỉ là bản thân cứ muốn biết hiện tại người ta đang sống ra sao, hẹn hò với ai... Cũng có người chẳng làm điều gì nhưng lại đâm ra sợ yêu, thù hận đàn ông, cô đơn lắm, muốn được quan tâm chăm sóc lắm nhưng vẫn nhất quyết không bao giờ yêu thêm ai nữa,...
Đó đều là những biểu hiện của việc bạn chưa thật sự vượt qua được sang chấn hậu ly hôn. Nếu cảm thấy bản thân cũng đang trong tình cảnh "bỏ xong rồi nhưng vẫn còn vấn vương", rất có thể bạn đang vô thức để bản thân mắc phải 3 sai lầm chặn đường hạnh phúc, bình yên mà không hề biết.
1. Không chấp nhận rằng chuyện đã kết thúc
Hay nói cách khác chính là bạn vẫn đang có những chấp niệm với người đã thuộc về quá khứ. Đau buồn hay rơi nước mắt có phải là biểu hiện của sự chấp niệm không? Câu trả lời là không! Vì không ai có thể thực sự cười vui mà không cảm thấy gì sau khi bước ra khỏi tòa án sau phán quyết ly hôn.
Vậy chấp niệm trong hoàn cảnh này là gì? Chính là nỗ lực tìm hiểu cuộc sống sau ly hôn của đối phương và cả cái nhìn tiêu cực với tình yêu.
Bạn cần nhận thức được rằng khi đã đường ai nấy đi, anh ấy/cô ấy hẹn hò với ai, gặp gỡ ai, tái hôn với ai cũng là việc không còn liên quan gì tới bạn. Điều duy nhất bạn cần quan tâm chính là anh ấy/cô ấy có hoàn thành đúng trách nhiệm và nghĩa vụ với con hay không (trong trường hợp 2 người có con).
Đừng bao giờ quên: Một người đàn ông/phụ nữ làm bạn đau lòng, thất vọng và tổn thương không có nghĩa là tất cả đàn ông/phụ nữ trên đời đều sẽ đối xử như vậy với bạn.
2. Không chấp nhận bản thân đã sai
Chuyện tình cảm nói chung và hôn nhân nói riêng luôn cần sự nỗ lực, vun đắp từ cả hai phía. Khi một cuộc hôn nhân, một mối tình tan vỡ sẽ không bao giờ có chuyện một bên hoàn toàn đúng, một bên hoàn toàn sai.
Thử lấy một ví dụ đơn giản: Vợ chồng ly hôn vì anh chồng ngoại tình, vậy thì "cái sai" của người vợ trong hoàn cảnh này là gì được đây? Chính là đã quá tin tưởng và quá hết lòng với chồng để anh ấy coi đó là điều hiển nhiên, nên chẳng hề trân trọng.
Đôi khi, không cần tới những hành vi sai trái để trở thành người sai. Tốt không đúng người, hết mình không đúng việc cũng là sai.
Chấp nhận bản thân đã sai không phải để tự dằn vặt hay lún sâu hơn vào tổn thương tuyệt vọng, mà chính là để tự ngẫm nghĩ và tự rút kinh nghiệm cho những lần yêu sau.
Sai một lần có thể đổ lỗi cho sự kém may mắn, nhưng sai một lỗi nhiều lần thì chỉ có thể tự trách chính mình và chắc chắn, chẳng có ai mong điều đó xảy ra cả.
3. Không chăm sóc bản thân
Ăn uống, ngủ nghỉ vô tổ chức, phụ thuộc vào rượu bia, chất kích thích để tạm thời xoa dịu nỗi đau,... chính là những điều dễ hình dung nhất, cũng là "giải pháp" phổ biến nhất mà những người mới ly hôn, chia tay thường làm. Ngày một, ngày hai thì không sao, nhưng nếu những thói quen ấy được duy trì bằng tháng, bằng năm, bạn cần hiểu rằng chính bạn là người đang tự trói chân mình trong những chuyện đã qua, chứ không phải bất kỳ ai khác.
Sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần là hai mặt của một đồng xu. Bạn không thể cảm thấy hứng khởi nếu đêm qua chỉ ngủ có 2-3 tiếng nhờ vào một cơn say.
Nếu coi sang chấn hậu ly hôn là một hố đen, nhận thức và từ bỏ được "3 không" này cũng chính là vứt được khỏi tay chiếc xà beng khiến hố đen ấy ngày một sâu hơn trong vô thức. Chúng ta ly hôn là để bình yên và hạnh phúc hơn, nên đừng mãi để mình mắc kẹt trong những khổ đau tuyệt vọng.