Ly hôn và từ chối nhận quyền làm cha

Đinh Thu Hiền
28/03/2022 - 15:38
Ly hôn và từ chối nhận quyền làm cha

Ảnh minh họa

Theo quy định của pháp luật thì con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân không phải là con ruột thì vẫn xác định là con chung của vợ chồng.
Rắc rối từ tài sản chung

Chị Nguyễn Thị L., sinh năm 1975, thường trú tại Khu phố 1, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, TPHCM, là bị đơn trong vụ án chia tài sản trước khi ly hôn. Trong lời khai tại Tòa án Nhân dân quận 9, chị L. cho biết, năm 1996, chị làm công nhân tại Công ty đông lạnh Phước Hưng. Thời điểm này, chị đã quen anh Nguyễn Trung N., sinh năm 1960 và cả hai bên phát sinh tình cảm, đồng lòng tiến tới hôn nhân. Năm 1997, chị L. và anh N. đã tổ chức hôn lễ và đăng ký kết hôn. "Sau khi chúng tôi cưới nhau, vì nhà anh N. quá chật chội do đông người ở nên chúng tôi không có chỗ ở. Tôi đã tiết kiệm được 5 chỉ vàng để làm 1 phòng ở thửa đất số 77, tờ bản đồ 16, diện tích là 48,9 m2 thuộc đất vườn", chị L. cho biết.

Vào năm 1998, chị L. sinh con đầu, đặt tên V.H. Anh N. đã bàn bạc với vợ ở nhà nuôi con và kinh doanh hoa lan, cây cảnh. Năm 2000, vợ chồng chị xây thêm ki-ốt trước nhà có diện tích 18 m2 để kinh doanh tạp hóa và xây thêm 3 phòng trọ ở phía sau có diện tích 60 m2. Năm 2002, vợ chồng chị L. tiết kiệm được 195 triệu đồng để mua thêm miếng đất nông nghiệp có diện tích là 1.887 m2 tại Bình Dương. Tới năm 2004, chị L. sửa chữa lại toàn bộ căn nhà 48,9 m2 cho tươm tất, kiên cố hơn. Trong quá trình sống chung, do có nhiều mâu thuẫn nên anh N. đã làm đơn xin ly hôn với chị L. vào ngày 18/1/2019. Tới ngày 7/3/2019, chị L. làm đơn yêu cầu chia tài sản chung là căn nhà 48,9 m2 cùng các căn phòng trọ cho thuê và miếng đất nông nghiệp có diện tích 1.887m2 tại Bình Dương.

Ngày 3/12/2019, anh N. đã cung cấp cho tòa giấy tờ căn nhà tại quận 9 mang tên ông Nguyễn Văn Năm, sinh năm 1924, là cha của ông N. (ông Năm đã mất). Chị L. cho rằng, việc ông N. để cho người nhà đã mất đứng tên là hành vi cố tình nên đã yêu cầu hủy giấy chứng nhận mang tên ông Năm. Trong khi việc tranh chấp tài sản còn chưa ngã ngũ, thì anh Nguyễn Trung N. lại có đơn từ chối nhận cha cho con.

Ly hôn và từ chối nhận quyền làm cha - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Rắc rối tình cảm vợ chồng, cha con

Tại Bản tự khai tại Tòa án Nhân dân quận 9, TPHCM, anh N. cho biết, vừa qua anh có gửi đơn xin ly hôn đến tòa án để ly hôn với chị Nguyễn Thị L. Anh N. trình bày lý do xin ly hôn là vào ngày 12/12/2015, anh đã vô tình phát hiện ra vợ ngoại tình. "Sau đó tôi có tìm hiểu thì phát hiện vợ tôi có quan hệ bất chính với ông C.V.L. Đầu tháng 2/2016, tôi cũng đã làm đơn ly hôn nhưng do vợ tôi có thai nên tôi không gửi đơn nữa", anh N. trình bày.

Vào ngày 24/8/2016, chị Nguyễn Thị L. đã sinh bé gái tên M.N. Anh N. cho biết đã lấy niêm mạc miệng của cháu bé và máu của anh để giám định, thì cho kết quả, cháu M.N không phải là con ruột của anh. Vợ anh dù biết như vậy nhưng vẫn nói với mọi người cháu M.N là con của anh và cho rằng anh N. vu khống. Bất chấp các lùm xùm này, tới ngày 29/3/2017, anh Nguyễn Trung N. vẫn làm giấy khai sinh cho bé M.N và đứng tên là cha. "Vợ chồng tôi đã không còn tình cảm gì với nhau nữa nên tôi đề nghị ly hôn. Chúng tôi có 2 con trai chung là V.H, sinh năm 1998 và T.D, sinh năm 2008. Cháu đầu đã lớn nên cháu tự quyết định việc ở với cha hoặc mẹ. Cháu thứ 2 mong muốn ở với tôi. Còn cháu M.N là con riêng của vợ tôi nhưng tôi vẫn nhận nuôi cháu, coi cháu như con ruột của mình. Cháu vẫn gọi tôi là ba!", anh Nguyễn Trung N. trình bày.

Theo anh N., vợ anh không chăm lo cho cháu M.N, thường xuyên bỏ bê. Khi cháu tập đi, leo trèo lên bàn ghế cao nhưng không có mẹ chăm sóc nên đã ngã nhiều lần, gãy hết hàm răng cửa phía trên. Do thương cháu M.N, lo cho cháu sẽ khổ nếu như ở với mẹ, nên dù biết cháu M.N không phải là con của mình, anh N. vẫn mong muốn tòa cho phép được nuôi dưỡng cháu. "Tuy nhiên, việc này sẽ tùy theo sự quyết định của tòa án", anh N. khẳng định. Về tài sản, anh cũng cho biết anh và vợ sẽ tự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì sẽ giải quyết theo pháp luật.

Nhận định về vụ việc này, luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết: "Trong đời sống hôn nhân của các cặp vợ chồng sẽ không tránh khỏi những mâu thuẫn, nhưng nếu các mâu thuẫn đó được giải quyết sớm bằng sự cảm thông, chia sẻ và thấu hiểu thì hạnh phúc vẫn tồn tại. Ngược lại, nếu những mâu thuẫn không được nhận diện và xử lý kịp thời, để tình trạng đó kéo dài thì chắc chắn hôn nhân sẽ sớm đổ vỡ. Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ly hôn ngày càng nhiều. Quay lại với vụ án ly hôn nêu trên, cũng xuất phát từ việc vợ chồng không có tiếng nói chung trong việc nuôi dưỡng con chung, đồng thời người chồng cho rằng người vợ của mình không đoan chính nên mới yêu cầu ly hôn. Để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện ly hôn của mình, đồng thời người chồng có một yêu cầu khởi kiện độc lập về việc yêu cầu Toà án "không công nhận quan hệ cha con". Bởi lẽ, nguyên đơn cho rằng người con thứ 3 được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân không phải là con của mình. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân không phải là con ruột thì vẫn xác định là con chung của vợ chồng. Cụ thể, theo quy định tại khoản 1, điều 88, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về xác định cha, mẹ con như sau: 1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng".

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh tư vấn, như vậy, theo quy định của pháp luật thì con cái sinh ra trong thời kỳ hôn nhân được xác định là con chung của vợ chồng dù trên thực tế đó không phải là con chung của cả hai. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được tòa án xác định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm