Mách bạn cách nhận diện hàng kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử

Anh Quân
15/03/2020 - 17:01
Mách bạn cách nhận diện hàng kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử
Mua sắm online “lên ngôi” trong mùa dịch bệnh Covid-19, là cơ hội để các sản phẩm , dịch vụ “trăm hoa đua nở”. Người tiêu dùng cần làm gì để nhận diện được hàng kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử?

Dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận sản phẩm, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí đi lại, thuận tiện trong giao dịch cũng như được hưởng nhiều tiện ích khác, mua hàng online là hình thức mua sắm được ưa chuộng của người tiêu dùng. Đặc biệt, thời gian này, để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19, thương mại điện tử lên ngôi cũng là dịp cho các loại hàng kém chất lượng "trăm hoa đua nở".  

Mách bạn cách nhận diện hàng kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử   - Ảnh 1.

Mua sắm online được nhiều chị em lựa chọn

Giữa tháng 2/2020, Hà Nội "cháy" hàng khẩu trang y tế và nước rửa tay xịt khuẩn để phòng chống dịch Covid-19. Sau nhiều ngày chờ đợi để mua nước rửa tay tại hiệu thuốc, nhưng không có, chị Nguyễn Thanh Trà (Q. Long Biên, Hà Nội) phải lên mạng đặt mua online.

Nhận 5 chai gel rửa tay khô với giá 40.000 đồng/hộp. Khi dùng, chị Trà thấy gel loãng, nồng nặc mùi cồn. sau khi sử dụng, tay khô và rát. Đọc kỹ nhãn mác trên chai, chị Trà cho biết, chị không thể tìm được một dòng thông tin nào ghi địa chỉ của nhà sản xuất để phản hồi.

Mách bạn cách nhận diện hàng kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử   - Ảnh 2.

Chị Thanh Trà và nhiều người tiêu dùng mua phải chai nước rửa tay nhái này

Nhưng chỉ sau đó ít ngày, chị đọc được trên báo chí thông tin Tổng cục Quản lý thị trường phát hiện hàng loạt sản phẩm nước rửa tay của thương hiệu này đang bán tràn lan trên mạng. Nhà sản xuất "xịn" của gel rửa tay Choice L, Công ty cổ phần Trung tâm Thương mại Lotte Việt Nam cũng công bố những dấu hiệu nhận biết hàng giả, hàng nhái đến người tiêu dùng.

Trường hợp mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng trên các shop bán hàng online như chị Thanh Trà không phải là hiếm. Theo thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), riêng với các sản phẩm phòng, chống dịch Covid-19 đang được bán trên các website thương mại điện tử, chỉ tính đến ngày 20/2/2020, tại các sàn thương mại điện tử như Shopee.vn, Lazada.vn, Tiki.vn, chotot.com, vatgia.com, fado.vn... Cục đã rà soát tổng số 223.597 gian hàng và 1.001.441 sản phẩm. Trong đó, hơn 30.000 gian hàng với gần 48.000 sản phẩm khẩu trang, gel/nước rửa tay khô vi phạm đã bị xử lý.

Cách nhận diện hàng kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử  

Thời gian qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng tiếp nhận các phản ánh, khiếu nại liên quan đến việc mua sắm trực tuyến. Cụ thể, người tiêu dùng phản ánh về việc mua hàng trên mạng không giống với quảng cáo, có sự chênh lệch giá lớn giữa các nhà bán lẻ, nhà bán lẻ có dấu hiệu lừa đảo, công dụng của sản phẩm không được tốt như những nhận xét (review) trên mạng…

Nhằm giúp người tiêu dùng tránh những nguy cơ bị lừa đảo và có được trải nghiệm tốt khi mua sắm trực tuyến, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã đưa ra một số lưu ý giúp người tiêu dùng nhận diện hàng giả, hàng kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử:  

- Nên tìm hiểu kỹ về sản phẩm/dịch vụ trước khi quyết định mua. Do đặc tính của mua sắm trực tuyến là không gặp trực tiếp nhà bán hàng, người tiêu dùng cũng nên tìm hiểu kỹ về người bán, nguồn hàng.

Mách bạn cách nhận diện hàng kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử   - Ảnh 3.

Người tiêu dùng cũng nên tìm hiểu kỹ khi mua hàng trên các trang thương mại điện tử.

- Bên cạnh việc tham khảo người thân, bạn bè. 

- Có thể sử dụng công cụ tìm kiếm về người bán hàng kèm từ khóa "nhận xét", "chất lượng", "có tốt không", "lừa dối"/ "lừa đảo"… Khi xuất hiện những dòng nhận xét không tốt trong mục kết quả, nên cân nhắc kỹ về quyết định mua hàng.

- Tìm những trang web hay diễn đàn chuyên nhận xét, đánh giá về sản phẩm cụ thể để có thêm thông tin. Những trang web này không bán hàng mà chỉ đưa ra các đánh giá sâu hơn về từng loại sản phẩm. Bên cạnh đó, nên tham khảo thêm các nguồn thông tin khác như bạn bè, người thân...

Ngoài những khuyến cáo trên của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, để không phải mua phải hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam, tùy theo từng sàn, có những lưu ý riêng:

Nếu mua hàng trên Shopee:

Bạn nên vào Shopee Mall, là trung tâm mua sắm được sàn kết hợp với các thương hiệu chính hãng, cam kết hàng chính hãng 100% và luôn có những chính sách ưu đãi dành cho khách hàng.

Mách bạn cách nhận diện hàng kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử   - Ảnh 4.

Nên dành thời gian tham khảo đánh giá và thời gian hoạt động của shop bán hàng

Nếu mua hàng tại các shop trên Shopee, trước khi chọn mua, nên dành thời gian tham khảo đánh giá Shop và thời gian hoạt động. Cụ thể, một số thông tin nên tìm hiểu: số người theo dõi shop; đánh giá – chấm sao của những người đã mua hàng; thời gian hoạt động của shop. Bạn nên chọn các shop có ảnh chụp thực tế khui hộp sản phẩm, so sánh thiết kế và cách đóng hộp giúp bạn có thể nhận diện được hàng nhái.

Nếu mua hàng trên Lazada: 

Nên mua các sản phẩm được bán bởi chính Lazada, với các sản phẩm chính hãng. Với những sẩn phảm này,  ở phần góc tay phải chỗ thông tin sản phẩm, bạn sẽ thấy hàng chữ: "Được bán & Giao hàng bởi Lazada".

Mách bạn cách nhận diện hàng kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử   - Ảnh 5.

Với hàng khuyến mãi, nên tham khảo giá của nhiều nơi bán khác nhau, tránh mắc bẫy khuyến mãi ảo

Nếu mua sản phẩm của các gian hàng đăng ký bán trên sàn này, ngoài việc tham khảo các đánh giá tốt về sản phẩm, bạn nên chọn sản phẩm của những đơn vị có uy tín, thương hiệu. Có thể sử dụng hình thức quét QR code để phát hiện hàng giả, hàng nhái.  


Trong trường hợp phát hiện hàng kém chất lượng, phát sinh tranh chấp liên quan đến quyền lợi khi mua sắm trực tuyến:


- Liên hệ với nhà bán hàng/sàn thương mại điện tử để giải quyết tranh chấp;


- Nếu cần tư vấn hoặc phản ánh, khiếu nại, có thể liên hệ tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội; email: bvntd@moit.gov.vn.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm