Mái ấm của những phụ nữ mắc bệnh tâm thần tại Benin

Nhu Thụy
16/02/2023 - 08:36
Mái ấm của những phụ nữ mắc bệnh tâm thần tại Benin

Trung tâm Saint Camille nằm ở Tokan, ngoại ô thành phố Cotonou, Benin

Trung tâm Saint Camille nằm ở Tokan, ngoại ô thành phố Cotonou (Cộng hòa Benin) là ngôi nhà của hơn 300 người bị tâm thần, căn bệnh vẫn đang bị kỳ thị tại quốc gia Tây Phi này.
"Ở đây, tôi thấy hạnh phúc"

Odette đưa tay trái xoa xoa cái đầu cạo trọc của mình. Mặc chiếc váy bà bầu có hoa văn, cô ấy trông mệt mỏi khi đứng trên đôi chân sưng phù, dựa vào một cây cột bên ngoài nhà nguyện. Odette được nhân viên Trung tâm Saint Camille tìm thấy trong tình trạng mang thai, đi lại mất phương hướng trên phố. 

Tiến sĩ Nicole Ahongbonon, con gái của người sáng lập Trung tâm - đã chẩn đoán Odette mắc bệnh tâm thần phân liệt cũng như bệnh thiếu máu. Odette đang được điều trị tại Saint Camille. Cô cho biết, mình từng sống lang thang thời gian dài tại khu chợ Saint Benoit, ngoại ô Cotonou. Đây cũng là nơi cô nhiều lần bị xâm hại tình dục và mang thai ngoài ý muốn.

Còn bệnh nhân Ajoke chia sẻ về câu chuyện của cô: "Khi mang thai hai đứa con đầu, tôi chưa nhận ra mình có vấn đề về tâm thần. Tôi thường xuyên mất ngủ và dễ bị hoảng loạn vào ban đêm". Khi mang thai lần 3, do không may để mất con, gia đình chồng của Ajoke đã đuổi cô ra khỏi nhà. Đối mặt với tình trạng vô gia cư và đau khổ vì mất con, Ajoke đi bộ quãng đường 140 km từ Lagos (Nigeria) đến Benin. Cô được phát hiện rồi đưa vào Trung tâm Saint Camille trong trạng thái kiệt sức và nhiễm HIV.

Mái ấm của những phụ nữ mắc bệnh tâm thần tại Benin - Ảnh 1.

Ông Gregoire Ahongbonon, Giám đốc Trung tâm Saint Camille

Abigail cũng là một bệnh nhân đã sống nhiều năm tại trung tâm. Cô bị gia đình bỏ mặc từ nhỏ vì căn bệnh tâm thần phân liệt. Suốt thời gian dài, Abigail bươn chải kiếm sống quanh một khu ổ chuột ở Cotonou. Trên lưng cô đầy vết sẹo do bị đánh đập, xâm hại. Năm 2015, một người dân đã gọi báo cho Trung tâm Saint Camille về trường hợp của Abigail khi cô đang mang thai và sống cơ nhỡ.

Qua vài năm tích cực điều trị, khi sức khỏe tinh thần đã cải thiện, nhiều phụ nữ vẫn chọn gắn bó với Trung tâm Saint Camille. Nở nụ cười trên môi, Abigail cho biết đứa trẻ cô sinh ra đã được một gia đình ngoại quốc nhận nuôi. "Ở đây, tôi thấy hạnh phúc", cô nói.

Từng là bệnh nhân của trung tâm, nữ tu Pascaline Agoton (40 tuổi) thấu hiểu hoàn cảnh những phụ nữ sống tại đây. Agoton nhận được sự ủng hộ tinh thần để vượt qua chứng rối loạn lưỡng cực năm 2004. Sau đó, cô được hỗ trợ để theo học ngành y và trở thành y tá trưởng tại Trung tâm Saint Camille.

"Trong xã hội châu Phi, những phụ nữ vô gia cư và mắc bệnh tâm thần dễ bị cưỡng hiếp vì có niềm tin rằng nếu một người đàn ông ngủ với một phụ nữ mắc bệnh tâm thần, anh ta sẽ giàu có hoặc không có bùa chú nào có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của anh ta. Hệ thống quản lý yếu kém về sức khỏe tâm thần trong khu vực là một vấn đề nghiêm trọng do hoàn cảnh dễ bị tổn thương của những phụ nữ này khi sống trên đường phố. 

Mái ấm của những phụ nữ mắc bệnh tâm thần tại Benin - Ảnh 2.

Nữ tu Pascaline Agoton, y tá trưởng tại Saint Camille

Đó là lý do vì sao chúng tôi mong muốn giúp đỡ, cho họ một mái ấm an toàn", ông Gregoire Ahongbonon, Giám đốc Trung tâm Saint Camille, bày tỏ.

Những tấm lòng vàng

Ông Gregoire Ahongbonon là người sáng lập Hiệp hội Saint-Camille-de-Lellis (ASC) chuyên chăm sóc những người mắc bệnh tâm thần ở Tây Phi từ năm 1983. ASC là một hệ thống chăm sóc toàn diện, gồm các trung tâm và phòng khám cung cấp dịch vụ điều trị nội trú, ngoại trú với giá cả phải chăng, chăm sóc và phục hồi chức năng cho bệnh nhân ở Togo, Benin và Bờ Biển Ngà. ASC hiện có 10 trung tâm điều trị nội trú, với 200 giường và gần 50 phòng khám ngoại trú để hỗ trợ 130.000 bệnh nhân. 

Mái ấm của những phụ nữ mắc bệnh tâm thần tại Benin - Ảnh 3.

Bệnh nhân Abigail

Với những cống hiến của mình, ông Ahongbonon đã nhận được Giải thưởng Nhân đạo Aurora "Đánh thức nhân loại", Giải thưởng "Phá vỡ xiềng xích của sự kỳ thị" và Giải thưởng Nhân quyền Geneva của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vì đã biến việc chăm sóc cho những người mắc bệnh tâm thần trở thành hiện thực trên khắp Tây Phi.

Ở tuổi 71, ông Ahongbonon vẫn duy trì thói quen chạy xe quanh Tokan, vùng ngoại ô Cotonou, tìm kiếm những người có dấu hiệu bất ổn tâm lý. Ông cố gắng trò chuyện, giải thích về việc đang làm. Ông Ahongbonon đưa họ đến trung tâm để tạm trú cũng như điều trị bệnh. Sau khi được đội ngũ y, bác sĩ tại đây kiểm tra sức khỏe bước đầu, họ sẽ có một nơi ăn chốn ở tạm thời. Chi phí ăn ở, điều trị tại trung tâm đều miễn phí. Người bệnh được cung cấp quần áo, thực phẩm và thuốc men. Nguồn quyên góp chủ yếu đến từ các nhà hảo tâm.

Nguồn: CNN
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm