Những mái ấm nghĩa tình quân dân nơi phên dậu của Tổ quốc

02/03/2019 - 08:58
Sau hơn 1 năm triển khai, Chương trình 'Đồng hành cùng phụ nữ biên cương' do TƯ Hội LHPNVN phối hợp Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tổ chức vừa tạo ra nguồn lực lớn hỗ trợ sinh kế cho người dân vừa mang lại cho hội viên, phụ nữ khó khăn những mái ấm nghĩa tình. Đây cũng là những món quà đầy ý nghĩa nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959-3/3/2019) và 30 năm ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989-3/3/2019).

Niềm vui khởi nguồn từ mô hình sinh kế

21.jpg
Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa đã thăm hỏi, động viên gia đình chị Hồ Thị Bát, xã A Ngo, huyện Đăkrong trong ngày trao Mái ấm (1/2019)

 

Chị Đinh Thị Thơm (SN 1986) ở thôn Nà Thuộc, xã Bắc Xa, huyện Định Lập, Lạng Sơn là một trong những phụ nữ đầu tiên được thụ hưởng từ chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương. Chị Thơm cho biết: “Nhà tôi thuộc diện hộ nghèo. Gia đình có một ít ruộng nhưng năng suất kém, mỗi vụ chỉ được 3-4 bao lúa. Sinh kế của cả nhà chỉ biết trông cậy vào hơn 100 gốc thông lấy nhựa mà cha mẹ cho, nhưng chúng tôi lại lỡ sinh tới 4 người con (con lớn 10 tuổi, con nhỏ mới 3 tuổi) nên rất vất vả. Vợ chồng suốt ngày phải đi làm để lo kiếm sống, nuôi con, lo cho con học nhưng vẫn cứ thiếu ăn quanh năm”.

Từ thực tế đó, năm 2018, gia đình chị Thơm được Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương hỗ trợ một con bò giống. Chị Thơm kể: “Tôi học ít, không thể nhớ chính xác ngày mình được trao tặng bò nhưng vẫn nhớ rõ về cảm giác vui mừng ngày ấy. Khi được gọi lên nhận bò, tôi rất phấn khởi, vui lắm. Nghe bà con xung quanh nói nó có trị giá khoảng 10 triệu đồng. Đó thực sự là tài sản lớn, có giá trị với gia đình chúng tôi. Sau khi nhận bò, tôi còn được cán bộ hướng dẫn, tư vấn cách chăm sóc chăn thả…”.

Từ ngày nhận bò về, vợ chồng chị Thơm rất chăm chút nuôi nó lớn, chọn những đồi bãi có nhiều cỏ non để chăn thả, hy vọng đến năm sau có thể cho đi lấy giống để sinh sản. “Khi ấy, gia đình chắc chắn sẽ có được một nguồn thu lớn để trang trải cuộc sống” - chị Thơm phấn khởi tâm sự .

Tại Quảng Bình, trong số phụ nữ được hỗ trợ có chị Hồ Thị Coong ở bản Hà Nông, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa. Chị Coong cũng có hoàn cảnh rất khó khăn. Bản thân chị từng bị thoát vị đĩa đệm và lao xương nên hiện chỉ nằm một chỗ. Con gái thứ ba của chị Coong là Hồ Thị Thây mới 16 tuổi đã là trụ cột của gia đình, chị gái đi lấy chồng, anh trai đi học xa. Trước đây, Thây cứ một ngày đi học, một ngày đi làm nương lấy tiền nuôi anh đi học, nuôi mẹ, nuôi em trai Hồ Phon mới học tiểu học. Nhưng giờ khó khăn quá, Thây cũng đã phải nghỉ học, nhưng chưa khi nào ước mơ tiếp tục đi học trong em nguội tắt.

Trước hoàn cảnh khó khăn đó, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (tỉnh Quảng Bình) đã phối hợp với Hội LHPN TP Đồng Hới triển khai các hoạt động hỗ trợ gia đình chị Hồ Thị Coong 3 con lợn, trong đó có 1 con nái đang chửa nhằm rút ngắn thời gian sinh đàn, sớm giúp gia đình chị bớt khó khăn. Ngoài ra, Hội LHPNvà Đồn biên phòng cũng đã nỗ lực tìm cách để hỗ trợ cô con gái lớn của chị Coong có thể trở lại trường học.

Còn tại Đắk Lắk, cũng trong một năm qua, tại 4 xã biên giới của tỉnh đã có 25 hội viên, phụ nữ ở 4 xã biên giới trong tỉnh được hỗ trợ vốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với tổng số vốn hơn 585 triệu đồng. Tiêu biểu trong đó có chị Hà Thị Lý (SN 1968) ở thôn Dự, Xã Ia Lốp, huyện Ea Súp…

Chị Lý có gia cảnh rất khó khăn. Vợ chồng sinh được 2 người con, đứa lớn sinh năm 1992, đứa nhỏ sinh năm 1994, nhà lúc nào cũng thiếu ăn. Năm 2004, gia đình chị phải di cư từ Cần Thơ đến đây với hy vọng thoát nghèo. Khi đến Đắk Lắk, được nhà nước hỗ trợ 2ha đất làm nhà và làm nông, trồng mì, nhưng do thời tiết thất thường, sức khỏe vợ chồng lại yếu nên tuy làm nhiều năm nhưng không có gì dư dả, đời sống rất bấp bênh, con cái không có điều kiện để học hành tử tế. Bản thân chị Lý, mấy năm trước, trong một chuyến đi trao quà tình nghĩa, chị đã không may bị tai nạn dẫn tới gãy xương vai. Kể từ đó, chị Lý không đủ khả năng để làm những công việc nặng nữa, chỉ loanh quanh ở nhà dẫn đến kinh tế gia đình vốn đã khó, lại càng khó hơn.

Đến tháng 9/2018 vừa qua, chị Lý cho biết mình đã may mắn nằm trong danh sách 32 chị em được “Chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương” của Hội LHPN lựa chọn tham gia chương trình học nghề may miễn phí hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số vùng biên khởi nghiệp.  “Trong 3 tháng học, tôi nỗ lực lắm. Ngày tốt nghiệp nhận chứng chỉ, tôi nằm trong số 22 chị hoàn thành khóa học và thuộc diện 1 trong  4 chị được giáo viên khen thưởng vì đã học tốt. Tôi vui lắm!”.

Sau khi học xong, Lý còn được Hội LHPN cho vay vốn 3 triệu đồng để mở tiệm may tại nhà.  Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa rồi, tiệm may của chị khá đông khách đến sửa quần áo, đặt may váy đầm… “Tháng ấy, tôi cũng có thu nhập về cho gia đình tới gần 3 triệu đồng” - chị Lý phấn khởi khoe và đề xuất: “Trong chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp bằng nghề may, nếu có thể bằng cách nào đó, hỗ trợ thêm chị em chiếc máy vắt sổ nữa thì sẽ rất tiện lợi, đỡ phải mất nhiều thời gian trong việc hoàn thành sản phẩm, không phải mang đi xa để thuê vắt sổ. Chắc chắn khi ấy, thu nhập của chị em sẽ được tăng lên khá nhiều”.

Mái ấm mang lại mùa xuân vui

1.jpg

Buổi trao tặng Mái ấm cho gia đình chị Hồ Thị Bát A Ngo, huyện Đakrông, Quảng Trị (tháng 1/2019)

 

Cũng tại khu vực trên dải Trường Sơn có gia đình chị Hồ Thị Bát người phụ nữ dân tộc Pako sống ở thôn A Đeng, xã A Ngo (huyện Đakrông, Quảng Trị). Sinh năm 1979, đã có rất nhiều mùa xuân đi qua cuộc đời chị Hồ Thị Bát, nhưng ngày vui thì không nhiều. Như mọi cô gái Pako khác, chị sớm lấy chồng và lần lượt sinh ba đứa con. Chồng bị bệnh đau lưng kinh niên nên không làm được việc nặng, chỉ chủ yếu đi rẫy và ai thuê gì thì làm nấy. Phần mình, chị Hồ Thị Bát cũng chỉ biết phụ chồng làm rẫy và xoay xở chăm ba đứa con. “Cả đời mình chưa bao giờ đi xa quá cái rẫy cách nhà hơn 4 cây số đâu. Vì không có thời gian và không có tiền. Cái nhà cũ của mình bé lắm, chẳng đủ chỗ cho lũ trẻ nay đã lớn và hai vợ chồng nằm ngủ, vào ngày mưa thì nhà dột, ngày nắng thì rất nóng” - chị Bát kể.

Mùa xuân năm 2019 đã thực sự là mùa xuân vui với chị Hồ Thị Bát khi Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đến với bản làng quê hương chị. Gia đình chị đã được nhận 60 triệu đồng hỗ trợ (trong đó 50 triệu đồng từ đơn vị nhận đỡ đầu xã biên cương là Hội LHPN TP Hồ Chí Minh, 10 triệu đồng từ sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ biên phòng tỉnh Quảng Trị) cùng ngày công, góp sức của bà con nhân dân, phụ nữ, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay (Quảng Trị). Ngôi nhà được khởi công từ tháng 10/2018 với diện tích sử dụng 50m2, lợp mái tôn cao ráo, khang trang và đã được trao cho gia đình chị Hồ Thị Bát vào những ngày giáp Tết Kỷ Hợi vừa qua. “Mình quá mừng vui, quá hạnh phúc, cứ như đang mơ vậy. Giờ có nhà tốt ở rồi, lũ trẻ có chỗ ngủ đủ ấm rồi, hai vợ chồng mình yên tâm làm ăn để nuôi các con ăn học rồi!” - Chị Hồ Thị Bát xúc động nói dù cho tiếng Kinh còn bập bẹ.

3.jpg
Chị Hà Thị Lý ở thôn Dự, Xã Ia Lốp, huyện Ea Súp bên tiệm may được Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp

Thượng úy Nguyễn Văn Bằng - Đội trưởng tham mưu hành chính Đồn Biên phòng cửa khẩu La Lay (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) - cho biết.: “Trong khuôn khổ các hoạt động của Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, Đồn đã phối hợp với các cấp Hội LHPN tổ chức rất nhiều hoạt động ý nghĩa. Chúng tôi cùng chăm lo đời sống cho bà con, trao tặng nhiều phần quà có giá trị với mong muốn bà con có một cuộc sống đầm ấm, vui tươi và cùng với Bộ đội biên phòng góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Đặc biệt, trong dịp Tết nguyên đán vừa qua, TƯ Hội LHPNVN và Đồn Biên phòng đã vận động các nhà hảo tâm xây dựng những căn nhà nghĩa tình biên giới cho các hộ nghèo, hy vọng trong thời gian gần nhất, bà con sẽ có những ngôi nhà vững chãi, khang trang”.

10 con số ấn tượng của Chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương sau 1 năm nhìn lại

- 1.000 là số người tham dự trong Lễ ra quân toàn quốc.

 - 26/26 tỉnh biên giới, hải đảo tổ chức lễ ra quân/khởi động chương trình, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

- 71.225 là tin nhắn qua đầu số 1409 với tổng số tiền là 1.424.500.000 đồng vận động cán bộ, chiến sĩ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng. Nhờ đó đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ mô hình tại 14 xã biên giới với 100 triệu đồng/mô hình/xã. Đến tháng 2/2019 có 9 xã đã được cấp vốn, 1 xã đã xây dựng kế hoạch/ lựa chọn mô hình nhưng chưa cấp vốn; 4 xã đang xây dựng kế hoạch và lựa chọn hộ hưởng lợi)...

- 110 xã biên giới khó khăn (vượt 20 xã so với kế hoạch) - được các đơn vị nhận hỗ trợ cơ sở vật chất, nhu cầu thiết yếu cho hội viên, phụ nữ (trong đó tập trung hỗ trợ mái ấm tình thương, khám chữa bệnh cho phụ nữ nghèo, xây dựng nhà vệ sinh…).

- 77/110 xã được nhận hỗ trợ mô hình sinh kế từ các nguồn lực xã hội hóa.

- Trên 37 tỷ đồng là số tiền ủng hộ từ sự nỗ lực của các cấp Hội, cùng với sự chung tay, góp sức của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp (tính đến cuối tháng 10/2018), trong đó khoảng 40% là số đồng hành cùng phụ nữ biên cương phát triển kinh tế; khoảng 30% hỗ trợ xây dựng mái ấm tình thương; khoảng 30% các hoạt động an sinh xã hội khác...

- 110/110 là số xã được hỗ trợ đã đạt các chỉ tiêu về tuyên truyền giáo dục chính trị nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ; biểu dương, tuyên truyền gương điển hình phụ nữ tiêu biểu, mô hình, cách làm hay.

- 105/110 là số xã được hỗ trợ đã đăng ký với cấp ủy, chính quyền thực hiện ít nhất một hoạt động thiết thực, phù hợp tham gia xây dựng nông thôn mới.

- 100/110 xã đạt chỉ tiêu tập hợp được trên 50% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên.

- 100% là tỷ lệ chi hội trưởng tại được hỗ trợ được bồi dưỡng nghiệp vụ ít nhất 1 lần...

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm