Hiện phần mềm gọi xe trực tuyến của Mai Linh đã xuất hiện 2 biểu tượng Mai Linh Bike (xe máy loại thường) và Premium Bike (xe máy hạng sang), đồng thời trên hệ thống cũng nhận tài xế đăng ký tham gia dịch vụ này. Việc triển khai loại hình xe ôm công nghệ trước mắt thực hiện ở 3 TP lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM, sau đó sẽ nhân rộng ra các địa phương khác.
Được biết, Mai Linh không đầu tư mua xe máy để triển khai dịch vụ “xe ôm công nghệ”, mà ứng dụng sẽ kết nối người có nhu cầu đi xe với tài xế nhàn rỗi. Những tài xế này sẽ trở thành đối tác của công ty. Dịch vụ “xe ôm công nghệ” của công ty này sẽ có bộ nhận diện thương hiệu riêng. Công ty sẽ trang bị áo và mũ bảo hiểm cho lái xe tham gia mạng lưới M.Bike.
Những cá nhân dưới 50 tuổi (bao gồm cả nam giới và phụ nữ), đã được cấp giấy phép lái xe đều có thể tham gia mạng lưới M.Bike. Tuy nhiên, phương tiện được các tài xế xử dụng trong quá trình cung cấp dịch vụ “xe ôm công nghệ” không được sản xuất trước năm 2014.
Mặc dù vậy, cho đến giờ Mai Linh vẫn chưa tiết lộ tiêu chuẩn về lái xe và phương tiện của dịch vụ M.Bike Premium. Đây là dịch vụ đang nhận được sự quan tâm lớn vì mức cước cao gấp đôi M.Bike thông thường, gần tương đương với giá dịch vụ vận chuyển ô tô của UberX hay GrabCar.
Mức giá cước của dịch vụ “xe ôm công nghệ” M.Bike khá “dễ chịu”: 11.000 đồng/2km đầu, sau đó giá cho mỗi km di chuyển là 3.800 đồng. Với M.Bike Premium thì mức giá cước đắt gấp đôi M.Bike, với 20.000 đồng/2km đầu và 7.000 đồng/km tiếp theo.
Như vậy, ngoài các dịch vụ "xe ôm công nghệ" như GrabBike, UberMoto... trên thị trường hiện đã có thêm sự lựa chọn khác. Có thông tin cho biết, sau Mai Linh, một số hãng dịch vụ vận chuyển khác cũng đang nghiên cứu cho ra đời các dịch vụ xe ôm công nghệ với phương thức hoạt động tượng tự Uber, Grab.