Mạnh dạn vay vốn đầu tư máy móc để phát triển nghề may

Lan Hương
31/03/2023 - 22:05
Mạnh dạn vay vốn đầu tư máy móc để phát triển nghề may

Chị Dừ Thị Lầu gương phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế gia đình ở địa phương

Chị Dừ Thị Lầu, hội viên phụ nữ thôn Tả Phìn (xã Dền Thàng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), đã mạnh dạn đầu tư nhiều máy móc hiện đại để phát triển nghề may, mang lại kinh tế ổn định cho gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng.

Gắn bó với công việc làm nương rẫy, cuộc sống tự cung tự cấp đủ ăn sống qua ngày, những năm mới lập gia đình, cuộc sống của chị Dừ Thị Lầu rất vất vả, khó khăn, điều kiện kinh tế chưa ổn định.

Năm 2014, chị đã mạnh dạn vay vốn Ngân hành Chính sách xã hội để đầu tư mua 1 chiếc máy may với số tiền 250 triệu đồng. Trong quá trình đầu tư để phát triển kinh tế, gia đình chị cũng gặp nhiều vấn đề như thiếu vốn sản xuất, thiếu kinh nghiệm… Chị đã mày mò, không ngừng học hỏi để may trang phục nam, nữ dân tộc Mông bán kiếm lời. Ngày đêm tập trung vào công việc may quần áo phục vụ khách hàng, số lượng khách hàng đặt may quần áo  ngày càng nhiều. Chị được bạn bè, du khách gần xa biết đến, quần áo được bày bán tại các chợ Y Tý, Mường Hum và bán tại nhà riêng.

Hàng năm, chị may được hàng nghìn bộ quần áo Mông để bán, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, chị còn tạo công ăn việc làm cho 4 - 5 hội viên, phụ nữ, giúp đỡ các chi em hội viên có hoàn cảnh khó khăn khác thoát nghèo bằng việc cho vay vốn làm ăn không lấy lãi, truyền tải nhiều kinh nghiệm làm giàu.

Nhận thức được việc chuyển đổi phát triển kinh tế nông nghiệp sang phát triển công nghiệp là phù hợp với thời đại, mang lại hiệu quả kinh tế cao, cuối năm 2022, chị tiếp tục đầu tư vốn mua thêm 1 chiếc máy thêu hoa văn với theo yêu cầu của khách. Dù trình độ văn hoá thấp, song chị luôn tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu để làm được những sản phẩm hoàn hảo nhất, đẹp và phù hợp với khách hàng. Bước đầu máy thiêu hoa văn đi vào hoạt động tương đối tốt, năm 2022, số lượng hoa văn thêu bán được khoảng trên 50 triệu đồng.

Thoát khỏi cái đói, cái nghèo - Ảnh 1.

Chị Dừ Thị Lầu đầu tư nhiều máy móc để phát triển nghề may, dệt

Bên cạnh việc may quần áo dân tộc Mông, chị Dừ Thị Lầu còn đầu tư thêm 2 máy xay xát đặt tại thôn Dền Thàng 1 và thôn Sín Chải, phục vụ xay xát thóc, nghiền ngô cho nhân dân, thu nhập thu được 20 triệu đồng/năm.

Song song việc xay xát thóc, nghiền ngô, chị Dừ Thị Lầu dành thời gian rảnh để nấu rượu bán chủ yếu phục vụ nhân dân các thôn Sín Chải, Tả Phìn, Dền Thàng 1 với lợi nhuận thu được trên 50 triệu đồng/năm. Để tiêu thụ bã rượu khi nấu rượu, chị còn đầu tư nuôi lợn đen địa phương, lợn sinh sản, lợn thịt tại thôn Dền Thàng 1 và thôn Tả Phìn, mỗi năm xuất bán lợn thịt thu được từ 150 - 200 triệu đồng. Qua đó, chị đã tạo công ăn việc làm cho nhiều hội viên, phụ nữ trong thôn.

Những thành quả đạt được hôm nay, ngoài sự nỗ lực của bản thân chị còn nhờ sự động viên, chia sẻ và đồng hành của Hội LHPN các cấp. Ngoài ra, bản thân và gia đình chị luôn chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia sinh hoạt Chi hội phụ nữ và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của một người hội viên, rèn luyện tốt phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang". Đồng thời, chị còn tham gia vận động những hội viên khác trong Chi hội cùng nhau xây dựng, thực hiện mô hình dân vận khéo "Nuôi lợn đen địa phương" có hiệu quả.

Với những nỗ lực ấy, chị Dừ Thị Lầu xứng đáng là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế hộ gia đình cho nhiều chị em phụ nữ học tập và làm theo về tinh thần cần cù, sáng tạo, năng động, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, trong phát triển kinh tế, nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm