pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mập mờ phòng khám, nhà thuốc trùng tên bệnh viện
Một phòng khám đặt tên là Bạch Mai, dù không phải là chi nhánh hay có liên doanh, liên kết với bệnh viện này
Dễ gây hiểu nhầm
Người phụ nữ sau đó dẫn bà Thành ra một nhà thuốc nằm trên đường Giải Phóng (Hà Nội) cũng có tên "Bạch Mai". Mua xong, bà mới vỡ nhẽ đây là nhà thuốc tư nhân, không liên quan gì đến nhà thuốc của BV Bạch Mai. Nhưng thuốc mua rồi làm sao trả lại được. "Tôi ở tỉnh lên Hà Nội khám bệnh, có biết thế nào là nhà thuốc tư nhân hay BV đâu. Thấy tên Bạch Mai, nghĩ là của BV Bạch Mai nên tôi mới vào mua", bà Thành chia sẻ.
Trước đây, nhiều y, bác sĩ đang làm việc tại BV Bạch Mai cũng đã từng nhận được tin nhắn, điện thoại của người dân, người thân trách móc, hỏi tại sao nhà thuốc của BV lại bắt tay với "cò" để "chặt chém" bệnh nhân. Những người làm việc trong BV Bạch Mai phải giải thích đó là sự trùng tên chứ BV không có nhà thuốc nào ở bên ngoài. "Nhà thuốc Bạch Mai nằm trên đường Giải Phóng là của tư nhân, không phải của BV Bạch Mai. Tuy nhiên, chúng tôi đã bị hiểu nhầm, mang tiếng là bắt tay với cò để chặt chém người bệnh", một bác sĩ làm việc ở BV Bạch Mai chia sẻ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản lý BV Bạch Mai, cho biết, việc đặt tên là quyền của doanh nghiệp nhưng cần tuân theo các quy định pháp luật. Hiện nay, BV Bạch Mai không liên doanh, liên kết với các cơ sở y tế tư nhân, nhà thuốc tư nhân. Vì thế, những phòng khám, nhà thuốc mang tên Bạch Mai không liên quan đến BV. "Trong BV có hệ thống nhà thuốc của BV và quản lý ngành theo quy định của Bộ Y tế. Còn hệ thống nhà thuốc bên ngoài khuôn viên BV là của tư nhân. Những cơ sở này chịu sự quản lý của Sở Y tế địa phương", ông Hùng nói.
Tôi không biết họ đặt tên giống với BV nhằm mục đích gì nhưng như vậy là nhập nhằng thương hiệu, là một dạng đánh tráo khái niệm”.
Ông Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản lý BV Bạch Mai
Cũng theo ông Hùng, không chỉ tại Hà Nội mà nhiều tỉnh, thành khác cũng có cơ sở y tế tư nhân đặt tên là Bạch Mai. Điều này đã khiến không ít bệnh nhân hiểu nhầm là cơ sở của BV Bạch Mai.
Cần kiểm tra làm rõ
Theo quan sát của PV, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành phía Bắc có nhiều nhà thuốc, phòng khám tư đặt tên giống với tên các BV lớn như BV Bạch Mai, BV Việt Đức, BV Xanh Pôn... Tại huyện Đan Phượng (Hà Nội), Phòng khám Đa khoa Bạch Mai (số 188, phố Tây Sơn, thị trấn Phùng) nằm ở vị trí giao thông thuận tiện. Đây là phòng khám do Công ty TNHH Y khoa Bạch Mai thành lập theo giấy phép số 1930/SYT. Ngoài ra, Công ty này cũng mở Phòng khám Đa khoa Bạch Mai tại Ngã tư Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Nhiều người đặt câu hỏi, 2 phòng khám trên có phải là chi nhánh của BV Bạch Mai hoặc có sự liên kết với BV hay không. Về vấn đề này, nhân viên văn phòng tại phòng khám thừa nhận, đây là phòng khám tư nhân chứ không phải chi nhánh của BV Bạch Mai. Công ty cũng không có liên kết với BV Bạch Mai về chuyên môn…
Ngoài phòng khám, nhiều nhà thuốc cũng đặt tên trùng với BV Bạch Mai. Cụ thể, trên đường Trần Bình (Hà Nội) có nhà thuốc Bạch Mai ở địa chỉ số 32 ngõ 58/3. Trên đường Giải Phóng, hàng loạt nhà thuốc mang tên Bạch Mai, Bạch Mai 1, Bạch Mai 2…
uTrường hợp các phòng khám, nhà thuốc đặt tên vi phạm với phần tên riêng, nhãn hiệu mà BV đã được bảo hộ thì BV có thể đề nghị tổ chức, cá nhân vi phạm chấm dứt hành vi hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định như: Gửi văn bản cảnh báo, yêu cầu cơ quan quản lý thị trường tại nơi phòng khám hoạt động xử lý vi phạm, khởi kiện tại Tòa án…
Luật sư Đặng Đình Ngọc, Văn Phòng luật sư Đặng Ngọc (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)
Tương tự, Việt Đức cũng là cái tên được nhiều phòng khám, nhà thuốc đặt. Ví như, Phòng Khám Đa khoa Việt Đức (xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Nhân viên văn phòng của phòng khám thừa nhận, đây là phòng khám tư nhân chứ không phải của BV Việt Đức. Phòng khám cũng không có y, bác sĩ của BV Việt Đức thăm khám. Ngoài ra, trên địa bàn Hà Nội, nhiều nhà thuốc mang tên Việt Đức như nhà thuốc Việt Đức 2 (phố Phủ Doãn, Hà Nội); Nhà thuốc Y dược Việt Đức (phố Cát Linh); nhà thuốc tư nhân Việt Đức (phố Trung Hòa, quận Cầu Giấy),…
Bác sĩ Lê Hữu Nghị, Phó Giám đốc BV Xây Dựng, cho rằng, việc đặt tên giống với tên các BV tuyến Trung ương là một hình thức vi phạm bản quyền. Những cơ sở y tế tư nhân đã sử dụng thương hiệu những BV lớn, có tên tuổi để gây sự chú ý của người bệnh. Trong khi đó, không phải bệnh nhân nào cũng phân biệt được đâu là của tư nhân, đâu là của nhà nước. Họ chỉ biết qua thương hiệu Bạch Mai, Việt Đức… Do đó, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý thị trường, y tế cần kiểm tra các cơ sở y tế tư nhân đặt tên như vậy nhằm mục đích gì, hoạt động như thế nào? Ngoài ra, khi xem xét cấp phép hoạt động cho cơ sở y tế tư nhân, cơ quan chức năng có thẩm quyền cần xem xét, không nên cấp phép cho đơn vị đặt tên giống hoặc gần giống với tên các BV. "Việc cấp phép cho các cơ sở y tế tư nhân có tên gần giống với BV Trung ương, bệnh viện tuyến cuối có một phần trách nhiệm của Sở Y tế. Vì vậy, đề nghị Sở Y tế cần xem xét lại quy trình cấp phép cho các nhà thuốc, phòng khám tư nhân có tên trùng với tên các BV lớn", bác sĩ Nghị nói.
Cùng quan điểm, ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai, đề nghị các cơ quan chức năng cấp phép cần xem xét lại.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp luật
Luật sư Đặng Đình Ngọc, Văn Phòng luật sư Đặng Ngọc (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, đối với các BV có phần tên riêng đã được bảo hộ thì hành vi đặt tên phòng khám tương tự gây nhầm lẫn mà chưa được sự cho phép là vi phạm quy định về bảo hộ nhãn hiệu. Cụ thể, trường hợp BV Bạch Mai, BV Việt Đức thì "Bạch Mai", "Việt Đức" là tên riêng, đáp ứng điều kiện bảo hộ. Nếu BV được cấp bằng độc quyền thì các đơn vị khác sẽ không được sử dụng tên này ở cùng lĩnh vực hoạt động. Còn các tên không đáp ứng điều kiện bảo hộ riêng như: BV Quân y 103 thì phần số 103 không đáp ứng điều kiện bảo hộ riêng, đơn vị khác vẫn được phép sử dụng.
Còn theo luật gia Trần Quốc Tuấn (Chi hội Luật gia, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), việc sử dụng tên công ty trùng/tương tự với tên nhãn hiệu đã được đăng ký sẽ gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức đã đăng ký nhãn hiệu đó. Cụ thể, theo khoản 1, Điều 19, Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định như sau: "Không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu đó. Trước khi đăng ký đặt tên doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp tham khảo các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký và được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp".
Luật gia Trần Quốc Tuấn cho biết, hiện nay thay vì phát hiện hành vi vi phạm rồi mới gửi thông báo yêu cầu giải quyết, chủ thể có quyền đối với nhãn hiệu thường gửi văn bản đến Phòng Đăng ký kinh doanh sau khi đã được cấp văn bằng bảo hộ. Nội dung là yêu cầu Phòng Đăng ký kinh doanh không chấp nhận những hồ sơ đăng ký doanh nghiệp có tên trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của họ.
Trường hợp Phòng Đăng ký kinh doanh xác nhận doanh nghiệp có hành vi vi phạm, doanh nghiệp phải tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo. "Doanh nghiệp nên chủ động tham khảo tên nhãn hiệu đã được bảo hộ trước khi đặt tên để không bị trùng. Cơ quan chức năng cũng cần kiểm tra kỹ thông tin hồ sơ mà các doanh nghiệp thành lập mới có trùng tên với nhãn hiệu đã đăng ký hay không. Với những tên đã quen thuộc với người dân như Bạch Mai, Việt Đức thì không nên cấp phép bởi có thể gây nhầm lẫn cho người dân", luật gia Trần Quốc Tuấn nói.
Về vấn đề trên, Báo Phụ nữ Việt Nam đã liên hệ với Sở Y tế Hà Nội để làm rõ. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi Sở Y tế Hà Nội phản hồi.