Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Nơi hội tụ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

18/11/2019 - 08:03
Cách đây 89 năm, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh, nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trải qua các thời kỳ cách mạng với những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không ngừng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ mới.

Góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc

Cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo đã xác định nhiệm vụ hàng đầu là giải phóng dân tộc. Và để giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa nghèo nàn, lạc hậu với 90% người dân không biết chữ, thì không cách nào khác là phải tạo nên một sức mạnh thống nhất từ tất cả mọi người dân cộng lại.

Từ nhận thức này, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh - tổ chức tiền thân đầu tiên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hội Phản đế đồng minh đã tuyên truyền vận động nhân dân dấy lên cao trào phản đế mạnh mẽ trong cả nước, với đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Đây cũng là bước đánh dấu sự trưởng thành về nhận thức và chỉ đạo thực tiễn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình tổ chức và xây dựng một mặt trận dân tộc thống nhất.

Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930-1945), Đảng đã lần lượt thành lập các mặt trận nhằm đáp ứng cho nhu cầu cách mạng. Cụ thể, tháng 11/1936, thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương, đến tháng 3/1938 đổi tên thành Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương (gọi tắt là Mặt trận dân chủ Đông Dương).

Bước sang giai đoạn đấu tranh chuẩn bị giành chính quyền, thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng Minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh (19/5/1941). Đây là thời kỳ chính sách Mặt trận được đề ra cụ thể, được áp dụng sinh động và các kinh nghiệm phong phú nhất.

Nhờ chính sách Mặt trận đúng đắn, phong trào lan rộng, cơ sở Mặt trận phát triển rộng rãi, khi thời cơ đến, Việt Minh đã ra lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Trong giai đoạn chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, ngày 29/5/1946, Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt) được thành lập.

 

Ngày 29/5/1946, Hội Liên hiệp Quốc dân (gọi tắt là Liên Việt) được thành lập tại Hà Nội, nhằm đoàn kết tất cả các Đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc, phấn đấu cho mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất, dân chủ và đoàn kết nhân dân. (Ảnh tư liệu/TTXVN)

 

Thực hiện lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt đã ra sức tuyên truyền vận động nhân dân tham gia kháng chiến.

Ngày 3/3/1951, Đại hội toàn quốc Mặt trận thống nhất Việt Minh-Liên Việt lấy tên là Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt) thông qua Tuyên ngôn, Chính Cương của mặt trận. Mục đích phấn đấu của mặt trận Liên Việt là “Tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược, đánh bại bọn can thiệp Mỹ."

Qua 9 năm kháng chiến, Mặt trận Liên Việt trở thành một trong những trụ cột của Nhà nước, tạo nên sức mạnh to lớn cho cuộc kháng chiến, kiến quốc.

Sau năm 1954, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai phá hoại Hiệp định Geneva chiếm đóng miền Nam, chia cắt lâu dài nước ta. Cách mạng Việt Nam lúc này có hai nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà.

Trong bối cảnh đó, ngày 10/9/1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp tại Hà Nội đã quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thông qua Cương lĩnh nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình trong cả nước để đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Tại miền Nam, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời với bản Tuyên ngôn và Chương trình hành động 10 điểm, nội dung cơ bản là đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân với mục tiêu đấu tranh đánh đổ chế độ độc tài tay sai của đế quốc Mỹ.

Tháng 4/1968, trên cơ sở thắng lợi và khí thế của Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam ra đời, nhằm đoàn kết, tranh thủ thêm tầng lớp trí thức, tư sản dân tộc tiến bộ ở thành thị, mở rộng thêm lực lượng trên mặt trận chống Mỹ và các thế lực tay sai.

Sau khi Việt Nam thống nhất, đầu tháng 2/1977, lãnh đạo của 3 tổ chức gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam đã họp và ra quyết định thống nhất ba tổ chức này thành một tổ chức chính trị duy nhất lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Có thể thấy, trong tất cả các giai đoạn lịch sử, với những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn có vai trò quan trọng trong việc tập hợp và phát huy sức mạnh của toàn thể nhân dân, trở thành nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Thúc đẩy sự phát triển của đất nước

Cùng cả nước bước vào công cuộc đổi mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân; tích cực vận động nhân dân phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, thi đua lao động sản xuất; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, qua đó, tạo nên sức mạnh to lớn, thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

 

Nhân dân bản Chà Lấu, xã Nậm Giải, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An vui nhảy sạp trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, ngày 14/11/2016. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

 

Nhiều cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận phát động như: phong trào xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa; ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền; xây dựng và sửa chữa nhà đại đoàn kết; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; ủng hộ, giúp đỡ nhân dân các vùng thiên tai lũ lụt... đã được nhân dân tích cực hưởng ứng, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đặc biệt, hai cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư" và “Ngày vì người nghèo” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, đã được nhân rộng ra cả nước, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội to lớn, góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất, tinh thần của nhiều hộ gia đình và người dân.

Bên cạnh đó, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục nhận được sự quan tâm vào cuộc của đông đảo các tầng lớp nhân dân, từng bước hình thành văn hóa tiêu dùng hàng Việt trong các cộng đồng dân cư.

Nhận thức của bộ phận lớn người tiêu dùng, các doanh nghiệp, các cơ quan về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sản phẩm và ưu tiên tiêu dùng hàng Việt Nam, mở rộng thị trường nội địa, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam được nâng lên...

Ngày nay, khi cả nước chung tay vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục là nơi tập hợp phát huy sức mạnh của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng tới mục tiêu chung là giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, hòa nhập với xu thế phát triển của thế giới.

Có thể thấy, trong suốt gần 90 năm qua, kế tục sự nghiệp vẻ vang của các hình thức tổ chức mặt trận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ngày càng phát triển, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng của khối đại đoàn kết toàn dân; nơi tập hợp và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đoàn kết động viên nhân dân cùng nhau khắc phục mọi khó khăn gian khổ, phấn đấu vươn lên giành những thành tựu to lớn về kinh tế, xã hội, nâng cao vị thế, hình ảnh của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương míttinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1938 tại khu Đấu Xảo Hà Nội (nay là Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt-Xô) với sự tham dự của hàng vạn người. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

 

Lán Khuổi Nậm ở bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng - nơi diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ VIII (tháng 5/1941) quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

 

Mặt trận Việt Minh là một trong những nhân tố cơ bản bảo đảm cho Cách mạng Tháng Tám thành công. Trong ảnh: Mittinh của hàng vạn quần chúng nhân dân tại quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội sáng 19/8/1945, do Mặt trận Việt Minh tổ chức. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nông dân tỉnh Bắc Kạn đang thu hoạch lúa mùa năm 1950. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

 

Đại biểu dự Đại hội thống nhất Việt Minh-Liên Việt (3-7/3/1951) phấn khởi chúc mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh được suy tôn là Chủ tịch Danh dự của Mặt trận Liên Việt. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức tại Hà Nội, tháng 9/1955. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

 

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp gỡ, thăm hỏi nhân dân khu dân cư số 8, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) trong lần về dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cùng nhân dân tại đây, sáng 11/11/2009. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

 

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp gỡ, thăm hỏi nhân dân khu dân cư số 8, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) trong lần về dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cùng nhân dân tại đây, sáng 11/11/2009. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình tiêu biểu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc của xã An Mỹ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, sáng 4/11/2014. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tham gia văn nghệ truyền thống cùng nhân dân khu dân cư thôn Tượng 1 và thôn Tượng 3, xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, ngày 13/11/2015. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

 

Không khí trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở thôn Tà Vàng, xã Atiêng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, ngày 11/11/2016. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

 

Nhân dân bản Chà Lấu, xã Nậm Giải, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An vui nhảy sạp trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, ngày 14/11/2016. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đến dự và trao giải cho các tác giả có tác phẩm đoạt giải tại Lễ tổng kết và trao thưởng Giải báo chí Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc lần thứ XII - năm 2015-2016, tối 17/11/2016. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

  

Múa cồng chiêng trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc của nhân dân liên khu dân cư Ka Tăng-Khe Đá, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, ngày 12/11/2017. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với nhân dân xóm Thanh Lương, xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, sáng 10/11/2018. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

 

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng tặng quà cho các hộ nghèo, gia đình chính sách khu phố 2, phường Tân Mai, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, sáng 18/11/2017. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn dự khai mạc các hoạt động trong sự kiện Tuần Đại đoàn kết - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2017 và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội), ngày 18/11/2017. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng Nội tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2018 cùng nhân dân xã Ba Vì, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN)

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cùng đồng bào dân tộc thôn Tân Thành, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn, chiều 19/11/2017. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ nhân dân Hà Nội trong ngày 30 Tết Nguyên đán Mậu Tuất (15/2/2018). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, sáng 10/11/2018. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

 

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân tặng quà cho hộ nghèo ở xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, ngày 11/11/2018. (Ảnh: Phúc Sơn/TTXVN)

 

Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng quà và học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, có hoàn cảnh khó khăn của trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Tam Lập tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, ngày 12/11/2018. (Ảnh: Nguyễn Văn Việt/TTXVN)

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng quà người nhân dân thôn Nam Ô Trình tại Ngày hội Đoàn kết toàn dân tộc của thôn Nam Ô Trình, xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, ngày 17/11/2018. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN) 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm