pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mâu thuẫn vợ chồng gia tăng vì nghỉ dịch kéo dài: Kịp thời hóa giải để tránh hậu quả đáng tiếc
Giận chồng, vợ dọa nhảy từ tầng 4 chung cư thuộc khu đô thị tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4 đến nay tiếp tục kéo theo rất nhiều người mất việc làm, cuộc sống mưu sinh càng thêm khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều gia đình, khiến hạnh phúc bị "lung lay". Không những thế, khó khăn về kinh tế, bí bách về đời sống đã khiến số lượng phụ nữ bị bạo hành ngày càng gia tăng.
Từ đầu năm đến nay, số cuộc gọi đến Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) để được tư vấn, hỗ trợ tăng 130%. Cũng trong thời gian này, số lượng nạn nhân được hỗ trợ, giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi nhà bình yên (Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội LHPN Việt Nam) tăng 80% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, cho biết thêm, 6 tháng đầu năm 2021 số cuộc gọi điện đến đường dây nóng 1900969680 để tư vấn tăng 140%, số ca bạo hành gia đình liên hệ với Trung tâm tăng 51%, số lượng nạn nhân được Ngôi nhà bình yên hỗ trợ tăng 110% so với cùng kỳ năm trước.
Những số liệu trên cho thấy, cuộc sống của hàng triệu gia đình đã và đang bị ảnh hưởng nặng về bởi đại dịch Covid-19, đó không chỉ là sự thiếu hụt về kinh tế mà còn khiến đời sống tinh thần của vợ chồng gặp nhiều vấn đề.
"Tôi luôn luôn phải theo ý của chồng tôi. Bất luận khi nào tôi không làm theo ý của chồng, anh ấy đều lôi bố mẹ tôi ra nói, thậm chí là chửi. Anh ấy bảo bố mẹ tôi không biết dạy tôi. Trước đây hai vợ chồng đi làm, chỉ ăn với nhau bữa cơm tối nên ít khi xảy ra to tiếng. Còn giờ, cứ ở nhà nhìn nhau cả ngày, hầu như ngày nào cũng có tiếng nặng, lời nhẹ" - đó là tâm sự của chị Minh Hằng, ngoài 30 tuổi. Chị làm việc cho một công ty du lịch hơn 10 năm nhưng kể từ đợt dịch lần thứ 3 đến nay, chị phải nghỉ làm và xoay xở nhiều công việc khác nhau như: bán bảo hiểm, bán hàng online để kiếm tiền nuôi 2 con nhỏ. Chồng chị là lái xe du lịch, cũng mất việc khi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 ập tới. Hai vợ chồng ở nhà, thu nhập bấp bênh, khó khăn chồng chất.
Ngày trước, hai vợ chồng đi làm cũng đủ trang trải cuộc sống, nuôi 2 con ăn học nhưng từ khi mất việc, kinh tế khó khăn cũng kéo theo rất nhiều vấn đề. Mua cái gì, ăn uống thế nào, kèm dạy con học online ra sao...những việc tưởng chừng thường nhật nhưng đôi khi lại là chủ đề tranh cãi không dứt của vợ chồng chị Hằng.
Còn anh Nguyễn Việt Tùng (32 tuổi, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ khó chịu khi làm việc ở nhà không thể tập trung. Anh chia sẻ: "Kinh tế khó khăn nên tôi phải cố gắng hết sức để đảm bảo thu nhập. Thế nhưng làm việc ở nhà thật khó tập trung, động chút vợ lại gọi, con lại quấy khóc... Có những khi cả vợ và chồng đều bận nên không có người trông con. Ban đầu còn chịu được nhưng ở lâu ngày thì dễ dẫn đến cáu gắt, quát mắng vợ con". Đây cũng là thực trạng nhiều gia đình đang vướng phải.
Cũng vì rảnh quá, nên chồng chị Giang (Hoài Đức, Hà Nội) suốt ngày hết chơi game lại xem bóng đá, việc nhà hầu hết để cho vợ tự làm. Trong khi đó, chị Giang vừa phải làm việc ở công ty, chăm con lại dọn dẹp, nấu nướng nên bị quá tải, thường nảy sinh cáu gắt.
Ngày 21/8 vừa qua, báo chí đưa tin về việc một phụ nữ đang đu bám phía ngoài ban công tầng 4 ở một chung cư. Phía bên trong, một người đàn ông đang cố níu người phụ nữ lại để không rơi xuống dưới. Sự việc xảy ra tại chung cư thuộc khu đô thị ở xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Được biết, ngay khi vụ việc xảy ra, lực lượng an ninh khu vực đã phối hợp cùng Ban quản lý tòa nhà đưa người phụ nữ đó vào trong an toàn, không khiến ai bị thương.
Theo thông tin ban đầu, trước khi xảy ra sự việc, hai vợ chồng có ngồi uống bia với nhau. Trong lúc nói chuyện, vợ và chồng không hài lòng nhau, khiến người vợ trèo ra ban công, dọa tự tử.
Đây chỉ là một số trường hợp gia đình lâm vào hoàn cảnh "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt". Ảnh hưởng của dịch Covid-19 càng làm cho mâu thuẫn giữa nhiều cặp vợ chồng tăng lên do mất việc làm, khó khăn về kinh tế, trong đó người vợ và những đứa con thường phải gánh chịu thiệt thòi.
Tuyệt đối không dùng vũ lực
Trong cuộc sống gia đình, tranh cãi là chuyện không hiếm gặp, tuy nhiên không phải vì thế mà để những mâu thuẫn này kéo dài, ngày càng nghiêm trọng và làm ảnh hưởng tới hạnh phúc.
PGS.TS Trần Thành Nam - chuyên gia tâm lý - nhận định: Thời gian nghỉ do dịch, có thể gia đình sẽ xảy ra mâu thuẫn, to tiếng bởi nhiều lý do. Những ông bố, bà mẹ có thể đang bị stress bởi áp lực tài chính, công việc... nên dễ cáu gắt. Việc con trẻ thường xuyên ở nhà nô đùa, làm nũng cũng tạo nên những xung đột trong gia đình giữa bố mẹ, con cái. Vì thế, mỗi người trong gia đình cần phải chia sẻ, giúp đỡ, yêu thương nhau nhiều hơn để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Người xưa có câu "bát đũa ở cạnh nhau còn có va chạm, nói gì là con người". Những ngày này, khi vợ chồng suốt ngày ở nhà với nhau thì khó tránh khỏi sự khắc khẩu, tranh luận không đáng có. Nhưng mỗi người cần hạ "cái tôi" của mình xuống, đối xử với nhau bằng tình yêu thương, sự chia sẻ, cảm thông thì mọi việc sẽ được hóa giải.
Một chuyên gia tâm lý chia lưu ý thêm, không nên chỉ chăm chăm nhìn tiêu cực về đối phương. Cần nhớ rằng những lời nói khi cãi vã đôi khi không phải đã được suy tính trước sau mà có thể chỉ là bộc phát. Vì vậy bất cứ điều gì thốt ra trong lúc nóng giận chỉ nên giữ trong phạm vi cuộc tranh cãi mà thôi, đừng nên vin vào đó để dằn vặt nhau sau này.
Ngoài ra, vợ chồng cũng luôn phải ghi nhớ: không to tiếng, không nâng cao quan điểm, không rời nhà trong lúc cãi nhau, không đem chuyện cũ ra nói đi nói lại, không ngủ riêng và tuyệt đối không dùng vũ lực.