Mẹ chồng chị Minh bảo, ăn rau, ăn mỡ, đường sẽ khiến cho trẻ bị tiêu chảy. Thế nên hàng ngày, chỉ được ăn cơm và những món kho mặn. Con chị được 4 tháng tuổi nhưng còi cọc như đứa trẻ mới sinh, chị Minh thì luôn căng thẳng, mệt mỏi, sức yếu, bị táo bón trường kỳ.

Cho đến khi chị Minh bị suy nhược phải vào nhập viện, bác sỹ yêu cầu thực hiện chế độ ăn uống đủ chất không được kiêng khem thì mới đảm bảo dinh dưỡng cho con bú và cho bản thân. Tuy nhiên, mẹ chị vẫn không đồng ý với quan điểm này. “Tôi phải làm gì để thuyết phục mẹ chồng?”, chị Minh “cầu cứu” bác sỹ.
PGS. TS. Hoàng Thị Thanh - Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM, trực thuộc Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, đây là những trường hợp phổ biến hiện nay và cần phải thay đổi. Việc kiêng khem quá mức sau sinh theo quan niệm dân gian là phản khoa học và không nên, đặc biệt là kiêng khem trong chế độ dinh dưỡng.
Sản phụ mới sinh sức khỏe yếu nên rất cần bồi bổ những dưỡng chất cần thiết. Sau khi sinh, phụ nữ cần bổ sung thêm trung bình 500kcal/ngày, nhu cầu vitamin, khoáng chất cũng tăng theo. Do vậy, nếu kiêng khem quá mức có thể sẽ không đủ năng lượng cung cấp cho các hoạt động bình thường của cơ thể, chứ chưa nói đến việc có đủ sữa cho con bú.
Việc bắt sản phụ kiêng rau cải, trái cây chua là rất phản khoa học vì gây thiếu nhiều chất cần thiết cho cơ thể, dẫn đến táo bón, cơ thể mệt mỏi lâu hồi phục; người cao huyết áp sẽ bị phù mình mẩy chân tay. Do đó, sau khi sinh,phụ nữ nên ăn uống bình thường, chỉ tránh các thức ăn có nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị hay quá cay, cần thực hiện ăn chín, uống sôi.
Vì vậy, chị em vẫn có thể ăn uống bình thường và ăn các món đa dạng, thay đổi thực đơn thường xuyên để giúp ăn ngon miệng, lấy lại sức khoẻ và có sữa đảm bảo cho con bú. Việc kiêng khem quá mức sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của cả mẹ và con.