Mẹ chỉ cần con được sống vui, khỏe, hạnh phúc

04/06/2018 - 10:23
Ngày hôm nay, thật đau lòng, tôi được nghe kể về một cháu học sinh lớp 12 đã tự vẫn bằng cách nhảy lầu chỉ vì không cảm thấy mình đáp ứng được kỳ vọng của bố mẹ. Trong lá thư tuyệt mệnh, cháu tự trách mình thật kém cỏi và hết lời xin lỗi bố mẹ tha thứ...
Tất nhiên, việc học sinh chọn cách kết liễu cuộc đời mình để giải quyết khúc mắc thật sự dại dột. Nhưng, trách em thì đã muộn. Liệu  những người còn sống, cụ thể là các bậc cha mẹ, có thể rút ra điều gì từ câu chuyện đáng buồn này? Để rồi, sẽ không còn những người mẹ phải khóc khi núm ruột của mình từ giã cuộc đời theo cách như thế?
 
Mỗi buổi chiều, tôi vẫn thường đến trường đón con. Không ít lần, tôi bắt gặp cảnh các ông bố, bà mẹ mắng con xối xả vì con họ học hành không như họ mong muốn. Họ mắng con là “ăn hại”, “nuôi tốn cơm”, “vô tích sự”... rồi còn cảnh cáo: “Nếu con không học giỏi thì đừng làm con của bố mẹ nữa”.
 
Có người thì thất vọng tràn trề khi đem con mình ra so sánh với con hàng xóm: “Sao con nhà đó không được sung sướng như con nhà mình mà luôn đứng đầu lớp? Có con như vậy tha hồ nở mày nở mặt”... Dần dần, những lời nói, hành động ấy đã khiến những đứa trẻ hiểu rằng: “Chỉ khi nào chúng giỏi giang, thành đạt... thì chúng mới xứng đáng là con của bố mẹ”. Vậy, nếu ngược lại thì sao, tất nhiên là chúng sẽ phải giấu giếm, hoặc giả bộ ngoan ngoãn, học giỏi để làm bố mẹ vui.
 
Nhưng, có một sự thật là không phải đứa trẻ nào cũng dẫn đầu lớp, sau này thi đỗ vào những trường đại học top đầu, hay nhận học bổng toàn phần du học nước ngoài. Ngay cả khi đã đạt được điều đó, cũng không có gì đảm bảo chúng lúc nào cũng thành đạt, học hành thăng tiến.
 
asian_mom_daughter-457410693-1280x780.jpg
Chỉ cần mẹ con được vui vẻ bên nhau thế này đã quá hạnh phúc. Ảnh minh họa

 

Tôi biết một bạn trẻ, khi học phổ thông được nhiều giải học sinh giỏi thành phố, quốc gia, thi đại học đạt á khoa. Tuy nhiên, trong quá trình học đại học, bạn cũng chỉ bình thường như số đông. Hiện  nay, sau khi tốt nghiệp, bạn xin được việc làm ở một cơ quan nhà nước, lương tháng bình bình. Nhìn bạn, chẳng ai biết bạn trẻ này đã có một thời học sinh “lẫy lừng”.
 
Vậy thì tại sao, cha mẹ lại cứ đòi hỏi con phải hoàn hảo, phải hơn người? Tôi lại nghĩ, cha mẹ tốt, không phải sinh con ra để bắt con thực hiện nốt giấc mơ còn dang dở của mình. Cha mẹ tốt cũng không cần dùng con để khoe với họ hàng, bạn bè rằng “con tôi rất giỏi giang”.
 
Với tôi, cha mẹ chỉ cần yêu thương con hết lòng, luôn ở phía sau hậu thuẫn, truyền sức mạnh, cảm hứng cho con. Để rồi sau đó, con tôi có thể tự chọn cuộc đời con muốn, chứ không phải là cha mẹ muốn.
 
Tôi còn nhớ, cách đây gần 20 năm, tôi cũng bước vào kỳ thi đại học. Ngày đó, giành được một suất vào đại học rất khó khăn chứ không đơn giản như bây giờ. Chúng tôi chỉ có duy nhất 2 cơ hội vào 2 trường đại học, nếu trượt thì sẽ phải ở nhà đợi năm sau thi lại.
 
Vì thế, tôi đã lo lắng tới mất ăn mất ngủ. Gia đình tôi vốn được mệnh danh là gia đình kiểu mẫu trong xóm. Bố mẹ tôi đều là trí thức, anh em chúng tôi cũng ngoan ngoãn, học hành tử tế. Nếu tôi thi trượt, e rằng, đó sẽ là gáo nước lạnh dội vào thanh danh của gia đình.
 
Chắc hiểu được tâm trạng của tôi, trước ngày tôi “vượt vũ môn” bố đã nói chuyện với tôi: “Con không cần phải lo gì cho bố mẹ. Nếu con đã cố gắng hết sức mà vẫn trượt đại học thì cũng không sao. Bố mẹ luôn tự hào và tin tưởng con!”. Tôi lại hỏi bố: “Nhưng, nếu con trượt thật, bố có giận con không? Bố có ân hận vì đã sinh ra một đứa con kém cỏi như con không?”.
 
Bố tôi đáp: “Bố không cần một thủ khoa, á khoa mà chỉ cần có con. Vì thế, dù con thành công hay thất bại, buồn hay vui... thì bố mẹ vẫn luôn đón con trở về”. Lời nói của bố khiến tôi có cảm giác nhẹ tênh, cất đi một gánh nặng đè trong lòng.
 
Từ đó, tôi hiểu rằng, mình sẽ không cần phải tỏ ra hạnh phúc dù đang bất hạnh, không cần tỏ vẻ thành đạt nếu công việc còn gặp nhiều khó khăn, không cần phải mạnh mẽ dù trong lòng rất cô đơn... Thay vào đó, tôi có thể tâm sự với bố mẹ mọi chuyện. Bố mẹ sẽ không bao giờ thất vọng về tôi mà luôn yêu thương tôi với đủ những ưu và nhược điểm, đủ mặt tốt và xấu.
 
Bây giờ, con gái tôi cũng lại sắp bước vào kỳ thi quan trọng của cuộc đời. Đến lượt tôi nói với con: “Mẹ luôn yêu con vì con là con của mẹ. Tình yêu của mẹ dành cho con không thay đổi, ngay cả khi con là một bác sĩ, kỹ sư hay đơn giản chỉ là một người bán hàng. Mẹ không đòi hỏi con hoàn hảo, mẹ chỉ cần con hãy cố gắng hết sức và được sống đúng với năng lực của mình”.
Vì thế, tôi đã sẵn sàng ngay cả khi có một ngày con tôi nói: “Mẹ ơi, con không thể vào được đại học. Con muốn đi học nghề”. Không sao cả, tôi sẽ đồng ý nếu điều đó hợp với con, miễn là con tôi vẫn được sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm