Áng chừng giờ này con gái đã ngủ trưa dậy, chị bèn vào chat, nhắc khéo: “Alo mèo lười dậy chưa? Mèo lười nhớ nhiệm vụ của mình nhá!”; “Vâng, mèo lười dậy và đang học bài đúng như mama mong muốn” - “đối phương” trả lời. “Duyệt, thế mới là con gái của mẹ”
Cất điện thoại đi rồi, chị Minh vẫn khẽ mỉm cười, lòng nhẹ nhõm. Mới dạo trước, hai mẹ con còn xung đột tới mức không nói chuyện được với nhau. Chị hỏi cái gì con cũng tỏ thái độ khó chịu, im lặng hoặc là trả lời cho xong. Chị giận quá, đã có lần hét lên: “Con sao vậy, định làm mẹ phát điên hả?”. “Con chả sao, có mẹ tự nhiên nổi cáu thì có”, nó đáp và bỏ vào phòng. Chỉ còn mình chị đứng trơ khấc giữa nhà. Phải kiềm chế lắm chị mới không lao vào phòng cho con một trận đòn.
Chị không biết điều gì đã xảy ra với con gái. Từ một đứa bé ngoan ngoãn, càng lớn con càng cứng đầu. Đã mấy lần cô giáo nhắn tin cho chị phàn nàn thái độ học của con chưa tốt, thiếu tập trung nghe giảng, điểm bài kiểm tra thấp.
Theo chị Minh, khi trao đổi qua Facebook, cả chị và con đều bình tĩnh hơn, lắng nghe nhau hơn và cũng dễ bày tỏ tâm tư hơn. Ảnh minh họa |
Là người mẹ, chị không thể thả lỏng để con muốn làm gì thì làm. Nhưng, chị càng khuyên giải thì con càng phản ứng. Chị bảo con cố gắng học để sau này có tương lai tốt, con cãi lại, cho rằng học chỉ là một yếu tố của thành công. Chị lại bảo: “Con không học sau này chỉ làm nghề quét rác thôi!”. Nó thủng thẳng: "Đường phố thiếu chú kỹ sư một ngày chẳng sao nhưng thiếu nhân viên vệ sinh một ngày là loạn ngay”. Chị nghe con nói mà trong lòng giận vô cùng. Con chị rõ ràng biết chị nói đúng nhưng vẫn cố tính cãi lại.
Chồng chị công tác ở nước ngoài, ở nhà chỉ còn hai mẹ con. Thế mà cứ 5 ngày 3 trận, khi thì chị tức con, khi lại con tức mẹ. Buồn quá chị tâm sự với chồng. Chị bảo chị “bó tay” với con gái rồi. Chị muốn anh về nước sớm để cùng chị dạy con. Chồng chị đáp lại: “Anh nghĩ con mình không phải đứa trẻ hư. Trẻ tuổi teen thường có xu hướng muốn khẳng định mình, không thích bị áp đặt dù đúng dù sai. Em hãy hiểu tâm lý này và thử thay đổi cách tiếp cận con. Ví dụ em chat với con như em vẫn chat với anh. Nhiều chuyện mẹ con không nói được với nhau nhưng qua chat biết đâu lại hiệu quả”. Chị thấy anh nói cũng có lý nên thử làm theo.
Ngày trước, chị không thích cho con dùng Facebook vì nghĩ, “phây” chẳng bổ béo gì, chỉ khiến con sao nhãng học tập. Nay, chị chủ động đề xuất kết bạn với con trên “phây”. Chị muốn cải thiện quan hệ mẹ con bắt đầu từ việc mẹ con làm bạn của nhau trên thế giới ảo. Sau đó, chị “ra mắt” con trước qua chat: “Chào con gái, con đang làm gì thế?”...
Ảnh minh họa |
Con chị im lặng hồi lâu rồi rụt rè phản hồi: “Sao mẹ lại chat với con? Con tưởng mẹ ghét Facebook cơ mà”. “À, trước kia thôi, bây giờ mẹ thấy Facebook cũng thú vị”, chị trả lời. “Thế ạ. Mẹ tiến bộ quá nhỉ”, con chị đáp. “Thì làm mẹ của teen cũng phải hiện đại như teen chứ”, chị viết, không quên kèm theo biểu tượng mặt cười.
Chị thấy lần đầu tiên câu chuyện của hai mẹ con không bị xen vào bởi tiếng khóc, tiếng hét hay quát nạt. Thậm chí hai mẹ con còn buôn chuyện cả buổi tối qua máy tính dù ở chung một nhà. Cuối cùng, chị viết: “Thôi, khuya rồi, con ngủ đi. Mai chat sau nhá!”; “Vâng, bi bi mẹ”. Nghe con nói vậy, chị càng mừng hơn. Vậy là con bé đã chịu hợp tác với mẹ.
Từ đó, có chuyện gì cần nói với con, chị đều dùng chat qua Facebook. Chị thấy khi trao đổi qua Facebook, cả chị và con đều bình tĩnh hơn, lắng nghe nhau hơn và cũng dễ bày tỏ tâm tư hơn. Hai mẹ con đặt cho nhau những cái nickname ngộ nghĩnh, thi thoảng gửi cho nhau biểu tượng mặt cười, trái tim... khiến câu chuyện dù “nóng” mấy cũng dễ dàng... hạ nhiệt. Tin nhắn điện tử ở trường lại báo tin con bị điểm 6 môn Địa lý. Thay vì cáu giận, mắng con tội lười biếng, chị về phòng, bật máy tính, vào Facebook và khẽ khàng hỏi con: “Này, sao hôm nay mèo lười xơi điểm 6 môn Địa hả?”; “À, vâng, mẫu hậu ơi, con biết con sai rồi. Hôm qua con học nhầm bài. Thế mà mèo lười vẫn được 6 là giỏi rồi!”. Sau đó, con gái bèn bắn lên hình chú thỏ chắp tay trước ngực, ngỏ ý xin lỗi chị. Chị bật cười, chát lại: “Được, nhưng lần sau mèo lười để tâm hơn nhé. Mẹ yêu con!”; “Vâng, con cũng yêu mẹ!”...
Ở ngoài đời thật, hai mẹ con chẳng mấy khi nói lời yêu nhau sến xẩm như thế này. Vậy mà chat trên face thì dường như không có rào cản. Với chị, tuyệt chiêu “chat face” đã giúp hai mẹ con hóa giải mâu thuẫn và đến gần nhau hơn. Chị không còn căng thẳng với con gái tuổi teen của mình.