Mẹ đi hỏi vợ cho cha - nỗi đau có thật của một mẹ VNAH

25/07/2017 - 21:12
Trong cuốn kỷ yếu tại Hội thảo KH “Những lá thư thời chiến với lịch sử, truyền thống và văn hóa dân tộc”, tham luận của người con gái có mẹ là Mẹ VNAH tự đi hỏi vợ cho cha khi cả 2 người con trai hy sinh, khiến bất cứ ai đọc cũng không khỏi rưng rưng.

Có lẽ chỉ những ai đã từng đi qua chiến tranh, đi qua những cuộc chiến khốc liệt, mới thấu hiểu nỗi đau của những người bà, người mẹ, người vợ khi phải mất đi người những người con, người cháu và người chồng yêu quý của mình. Nhưng cũng ít ai có thể ngờ, nỗi đau đó phải nhân lên gấp bội khi một bà mẹ có 2 người con trai cùng hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ. Người anh trai (24 tuổi) có người yêu vừa bỏ trầu chưa kịp cưới, còn người em chưa kịp có người yêu, vừa ở tuổi 19.

Thế nhưng, vì định kiến nghiệt ngã của những người ở thôn quê thời ấy nhất quyết nhà nào cũng phải có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, bà đành gạt nước mắt mang trầu cau đi hỏi vợ cho chồng khi khả năng sinh nở của mình không còn.
Còn ông bố, mặc dù hết mực yêu thương vợ con, chăm lo cho gia đình nhưng cũng không thoát khỏi định kiến ấy với những đêm dài sống trong dằn vặt, đau khổ. Còn nỗi đau nào lớn hơn khi không chỉ mất con mà bà mẹ còn mất cả chồng lẫn hạnh phúc gia đình. Điều an ủi duy nhất là trước khi mất ở tuổi 98, bà đã được phong tặng Mẹ VNAH.

20170528_171236.jpg
Những lá thư thời chiến là kỷ vật vô giá, là hiện thực sống động thời khói lửa trong các cuộc kháng chiến giành độc lập tự do cho dân tộc

Chiến tranh là vậy, là những mất mát đau thương vô bờ bến, mà những người mẹ, người vợ luôn là những người chịu thiệt thòi. Mất mát là vậy, đau thương là vậy, nhưng họ luôn chấp nhận hy sinh, luôn nhận phần thiệt về mình để góp phần vào sự nghiệp chung của dân tộc, để đất nước được độc lập, tự do.

“Tuyển tập Những lá thư thời chiến Việt Nam” là công trình được Nhà văn Đặng Vương Hưng thực hiện trong thời gian 10 năm (2005 - 2015), tập hợp hơn 300 lá thư của 127 tác giả. Người viết thư thuộc đủ mọi lứa tuổi và tầng lớp xã hội: Từ Chủ tịch nước đến nông dân, công nhân, bộ đội, thanh niên xung phong… Họ giống nhau ở một điểm là đều trực tiếp đi qua chiến tranh. Đặc biệt, đa phần các tác giả, nhân vật trong thư được giới thiệu trong cuốn sách đều là liệt sĩ hoặc thương binh và khi cuốn sách này ra đời thì hầu hết họ đều không còn nữa. Bởi thế, nhiều lá thư không chỉ là kỷ vật vô giá, mà còn là di vật thiêng liêng, từng đặt trên bàn thờ của nhiều gia đình Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017), ngày 25/7, tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam số 2 Hoa Lư, Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Quỹ mãi mãi tuổi 20, đồng tổ chức Hội thảo khoa học Những lá thư thời chiến với lịch sử, truyền thống và văn hóa dân tộc nhằm khẳng định giá trị của Công trình xuất bản này với các thế hệ bạn đọc hôm nay và mai sau.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm