pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mẹ đơn thân ngồi xe lăn truyền cảm hứng sống tích cực
Chị Đặng Thị Hải và con trai
Cú ngã định mệnh
Chúng tôi tới xã Trực Cường, huyện Trực Ninh (Nam Định) khi bóng tối loang lổ đã bao trùm trên cách đồng, đây cũng là thời điểm chị Đặng Thị Hải kết thúc một ngày làm việc, trở về nhà. Tự tin, năng động, nụ cười luôn thường trực là ấn tượng khi lần đầu tiên tôi tiếp xúc với "cô gái truyền cảm hứng" với năng lượng tích cực qua mạng xã hội.
Chị Hải nói rằng, cuộc đời chị trải qua rất nhiều "khúc cua định mệnh", thế nhưng dù trong hoàn cảnh nào, chị vẫn luôn lạc quan hướng về phía trước. "Cuộc sống có bao nhiêu điều tốt đẹp, bao nhiều niềm vui, sao phải chọn nỗi buồn. Tôi rất thích câu nói Dù bạn đang ở hoàn cảnh tốt đẹp hay tồi tệ, hãy thức dậy mỗi ngày với sự biết ơn. Ở nơi nào đó, người khác đang đấu tranh trong tuyệt vọng để giành giật lấy cuộc sống".
Được sinh ra trên đời là điều tuyệt vời. Tôi thấy mình vẫn may mắn hơn rất nhiều người", chị Hải mở đầu câu chuyện bằng những điều tích cực.
Cũng như nhiều đứa trẻ cùng trang lứa ở xã Trực Cường, Hải sinh ra trong gia đình thuần nông, cuộc sống khá vất vả khi bố mẹ phải lam lũ mỗi ngày trên đồng ruộng để nuôi 4 đứa con khôn lớn. Dù thiếu thốn đủ bề nhưng với Hải, những ngày cùng đám bạn tung tăng đến trường, hay những chiều mò cua, bắt cá trên đồng là quãng đời đẹp nhất của chị.
Thế nhưng, biến cố bất ngờ ập xuống vào năm 2006, khi Hải đang học lớp 10. Buổi chiều định mệnh đó, khi cùng mấy đứa em trèo cây hái quả, Hải không may bị trượt tay ngã xuống đất. Dù khoảng cách chỉ 2 mét nhưng sau cú ngã, Hải không thể đứng dậy.
Bố mẹ thuê xe đưa Hải lên bệnh viện trên Hà Nội ngay trong đêm. Sau khi bác sĩ thăm khám, bố Hải như chết lặng khi được biết, con gái ông bị chấn thương cột sống và dập tủy, khả năng cao sẽ liệt hoàn toàn hai chân.
"Tôi vẫn nhớ như in thời khắc bác sĩ gọi tôi vào phòng riêng và nói rằng, đôi chân của con không thể cứu chữa, gia đình chuẩn bị cho cháu chiếc xe lăn. Lúc đó mọi thứ trước mắt như sụp đổ", ông Đặng Văn Hà (bố chị Hải) kể lại.
Thương con gái đến quặn thắt lòng nhưng người bố nghèo cũng chẳng còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận sự thật. Từ một cô bé thông minh, năng động, thế giới bên ngoài của Hải như đóng lại.
Ngày qua ngày Hải làm bạn với chiếc giường nhỏ và 4 bức tường, lúc nào cũng phải có người bên cạnh đỡ đần. Đó là những ngày buồn bã nhất cuộc đời, những ngày mà theo chị Hải "trong gia đình, nụ cười cũng là điều xa xỉ".
Bước qua bóng tối, "viết lại" cuộc đời
Cơ hội phục hồi đôi chân là điều không thể, Hải sống trong nỗi tự ti và mặc cảm. Suốt hơn 6 năm trời, chị không dám ra ngoài vì nhìn thấy mọi người, nhìn lại mình, chị lại không cầm được nước mắt. Con không thể tiếp tục đến trường đi học, thương con "ru rú" một mình, ông Hà đã lặn lội lên Hà Nội, tìm đến các trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật với mong muốn sẽ đưa con gái đến đây để học tập và có thể hòa nhập cộng đồng.
Đó là năm 2012, sau khi đã tìm được địa chỉ ưng ý, ông Hà đã đưa con gái lên Hà Nội tham gia sinh hoạt trong một trung tâm dành cho người khuyết tật. Ở đây, Hải được hướng dẫn các kỹ năng sống, sinh hoạt hằng ngày, được hướng nghiệp phù hợp với thể trạng và được làm quen với những người đồng cảnh.
"Lên Hà Nội là ngã rẽ cực kỳ quan trọng đối với tôi, làm thay đổi con người tôi. Đến đây tôi thấy mình còn may mắn hơn nhiều người. Có nhiều bạn khuyết tật nặng hơn mình nhiều nhưng họ vẫn vui vẻ và lạc quan lắm. Từ đây, những ngày tháng tăm tối và đau khổ nhất đã được cởi bỏ, tôi đón nhận cuộc sống với những suy nghĩ tích cực và nghị lực hơn", chị tâm sự.
Năm 2014, Hải có gặp và yêu thương một người nhưng không đủ bản lĩnh và không dám tiến tới hôn nhân. Tuy nhiên, như bao người phụ nữ khác, Hải cũng muốn được làm mẹ, muốn có một gia đình nhỏ của riêng mình, nên chị đã lựa chọn làm mẹ đơn thân.
Mặc dù nhận được sự ủng hộ của gia đình nhưng mọi người cũng rất lo lắng cho sức khoẻ của Hải. Thế nhưng, dường như bản năng làm mẹ đã giúp Hải vượt qua tất cả. Những tháng ngày mang bầu đến lúc sinh con đều thuận lợi.
Ngày con cất tiếng khóc chào đời là ngày hạnh phúc nhất của chị Hải. Chị cũng tự nhủ bản thân, từ đây sẽ không ngừng cố gắng để có thể chăm lo cho cuộc sống của 2 mẹ con. "Bố mẹ tôi làm nông, hoàn cảnh kinh tế gia đình vốn đã không khá giả, sau bao nhiêu năm chạy chữa cho tôi càng trở nên khánh kiệt. Tôi là con cả, các em đang đi học, tôi phải nghĩ cách kiếm tiền", chị Hải cho biết.
Đầu tiên, chị Hải xin đi làm may nhưng chỉ được ít tháng đã phải nghỉ việc vì sức khỏe quá yếu. Sau nhiều tháng lên mạng xã hội tìm hiểu, chị Hải quyết định bán hàng online. Chị đã tham gia hàng trăm, hàng nghìn hội nhóm trên mạng xã hội, nơi ấy chị có thêm những người bạn, nơi ấy chị cũng tìm được niềm vui mỗi ngày và nơi ấy đã giúp cho chị có được công việc với thu nhập ổn định.
Chị Hải kể: "Tôi làm rất nhiều việc, từ kinh doanh dược liệu, bán sim thẻ điện thoại, thu tiền điện nước, thậm chí buôn bán cả hải sản, hoa quả hái gửi tận vào các tỉnh trong Nam. Những đơn hàng xa, tôi gửi các bên vận chuyển, còn đơn các vùng lân cận cách nhà mấy chục cây số tôi vẫn tự điều khiển xe 3 bánh ship tận nơi". Sau bao nhiêu cố gắng và nỗ lực, làm việc tận tình, chị Hải đã có một lượng lớn khách quen và ổn định.
"Nhiều người hỏi sao lúc nào cũng thấy tôi vui vẻ và tràn đầy năng lượng tích cực như thế. Thực tế, tôi cũng có nhiều nỗi buồn nhưng thay vì viết những câu từ tiêu cực bi quan thì tôi hay chia sẻ nỗi buồn theo kiểu hài hước, vui vẻ để đưa lại năng lượng tích cực cho mọi người, cũng là năng lượng tích cực cho tôi.
Những câu chuyện tôi chia sẻ trên các hội nhóm, được bạn bè biết và yêu mến. Có những người bạn từ phương xa về thăm nhà, có những người thành bạn bè, anh chị em thân thiết dù chưa gặp mặt bao giờ", chị Hải chia sẻ.
Chị Hải cũng nói rằng, biết chấp nhận thực tại và luôn nhìn về phía trước, xếp lại nỗi buồn để đón nhận những niềm vui là bí quyết để chị có được cuộc sống như ngày hôm nay. Trước khi chia tay, người mẹ đơn thân giàu nghị lực còn "khoe" với tôi rằng, con trai chị - cháu Đặng Hoàng Gia Bảo năm nay 8 tuổi, học lớp 3, rất thông minh, sống tình cảm và yêu thương mẹ.
Đây là động lực để chị cố gắng thực hiện ước mơ mua một ngôi nhà nhỏ của riêng mình và tiếp tục lan tỏa nhiều năng lượng tích cực hơn đến với mọi người.