Mẹ già “cõng” con đi viện

Song Nghi
23/09/2022 - 08:47
Mẹ già “cõng” con đi viện

Bà Ch. ân cần chăm sóc cho người con trai

Lẫn trong những gương mặt mệt mỏi, những bàn chân bước vội, bà mẹ già nắm chặt tay người con trai nhớn nhác hỏi thăm đường đến khoa khám bệnh…

Giữa trưa ngột ngạt, oi nồng, cái nắng như châm chích vào da thịt, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vẫn nườm nượp người ra kẻ vào. Lẫn trong những gương mặt mệt mỏi, những bàn chân bước vội, bà mẹ già vai đeo túi, một tay cầm tập bệnh án, một tay nắm chặt tay người con trai nhớn nhác hỏi thăm đường đến khoa khám bệnh.

Gương mặt bà mẹ thất thần, mệt mỏi, nhễ nhại mồ hôi. Người mẹ vừa bước đi, vừa dỗ dành anh con trai đã tuổi trung niên: "Cố lên nào con! Bám vào vai mẹ, mẹ đỡ đi. Để mẹ hỏi xem cái khoa ấy nằm ở đâu. Cố đi con! Khám nốt rồi chiều về nhà".

Bà mẹ đang còn đang loay hoay hỏi đường đến chỗ khám bệnh thì anh con trai mệt quá, ngồi bệt xuống đường. Phải nhờ sự hỗ trợ của mấy người xung quanh, bà cụ mới đưa được con trai vào hành lang đỡ nắng. "Từ sáng nó chẳng chịu ăn gì, đi khám được mấy khoa thì người cứ lả đi. May có cô chủ quán cơm pha cho chai nước gừng, nó uống được tí tẹo rồi lại không chịu uống", người mẹ giãi bày trong hơi thở dốc bị ngắt quãng liên tục.

Mẹ già “cõng” con đi viện - Ảnh 1.

Bà T.T.Ch. dậy từ 3 giờ sáng, bắt xe đưa con trai từ Kim Thành lên Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội khám bệnh

Vốn bị suy tim, kiệt sức, người con cứ lả dần. May nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của người xung quanh, anh con trai được đưa đến phòng cấp cứu kịp thời. Khi mọi thủ tục ở phòng cấp cứu hoàn tất, người con ổn định nằm theo dõi, bà mẹ mới hoàn hồn.

Bà T.T.Ch. (người mẹ - PV, 73 tuổi, quê Kim Thành, Hải Dương) mới kể, bà có 3 người con trai. Anh con cả do di chứng để lại sau lần tai nạn, giờ không được khoẻ mạnh, minh mẫn như người bình thường, hiện đang làm công việc bảo vệ một cơ quan gần nhà. Cậu út đi lao động ở Đài Loan (Trung Quốc). Con thứ là anh N.V.M (chính là người đang được mẹ đưa vào Bệnh viện Bạch Mai khám chữa bệnh) vợ chồng bỏ nhau. Anh M. có con gái lớn đã lấy chồng bên Hải Phòng đang mang bầu, con trai 15 tuổi đang học cấp 3.

Bà Ch.cho hay, từ ngày con dâu dọn ra khỏi nhà, hai bố con anh M. sống với nhau. Chồng bà Ch. đã mất mấy năm, giờ bà sống một mình trong căn nhà kế bên nhà bố con anh M. Thương con trai bệnh tật, cháu còn dại nên hàng ngày, bà Ch. vẫn cứ phải chay qua chạy lại chăm lo cho hai bố con.

"Bao tháng nay thằng M. ốm suốt, chả làm ăn được gì. Mình là mẹ, bỏ mặc con sao đành. Già thế này nhưng tôi vẫn ruộng vườn kiếm đồng ra đồng vào. Thằng bé con mới 15 tuổi, "ăn chưa no, lo chưa tới", con bé lớn thì bụng mang dạ chửa đi lại không thuận tiện, tôi còn khoẻ thì tôi đưa bố nó lên đây đi khám. Sáng hai mẹ con dậy từ 3 giờ sáng, bắt xe từ Kim Thành lên Hà Nội, nó vẫn tỉnh táo, tự đi lại được mà. Chắc từ sáng đến giờ, phải đi bộ khám các khoa nhiều quá nên nó mới ngất ra như thế", bà Ch. lo lắng.

Thấy tình hình sức khỏe người con có vẻ không ổn, bà Ch. lại không biết viết và khai vào giấy tờ hồ sơ, tôi thuyết phục bà đưa số điện thoại của người thân gia đình để tôi gọi, phòng bất trắc anh con trai bà chưa thể về được quê vì sức khỏe. Nhưng nói thế nào bà vẫn khăng khăng "không cần đâu, bác còn khỏe mà, bác lo được. Đợi nó ổn ổn, đi khám nốt thì hai mẹ con bắt xe về. Nó chỉ mệt vì nắng nóng, đói, kiệt sức nên thế thôi. Bác không cần gọi về quê đâu". Đoạn bà rơm rớm nước mắt: "Có gọi cũng chẳng gọi được ai giờ này".

Mẹ già “cõng” con đi viện - Ảnh 2.

Một tay bà Ch. xoay xoả với người con

Tôi để ý, đôi ba lần, bà Ch. nói thật nhỏ chị đủ để một mình mình và anh con trai nghe được: "Gần 50 tuổi rồi mà mày làm khổ mẹ quá! Mày còn làm khổ mẹ đến bao giờ đây!".

Cô bạn đi cùng tôi vội vàng chạy đi mua vỉ sữa, chai nước dúi vào tay bà Ch. động viên bà uống cho lại sức, khi nào anh con khát nước thì cho anh ấy uống một chút lấy sức. Bà Ch. cứ chối đây đẩy, bảo bác có tiền, bác lo được. Phải nói mãi, bà mới chịu nhận mấy vỉ sữa từ chúng tôi.

Băn khoăn không biết bà cụ có xoay xỏa nổi nếu như người con kiệt sức phải nhập viện trong ngày nên trước khi rời đi, chúng tôi kịp lựu lại cho bà cụ số điện thoại của tôi. Tôi dặn nếu có gì bất trắc, không gọi được người nhà thì bà có thể gọi cho tôi, nếu giúp được gì cho bà tôi sẽ cố gắng.

Những ngày sau đó, không thấy bà cụ gọi lại, tôi sốt ruột, gọi cả chục cuộc điện thoại mà không thấy bà bắt máy. Chỉ thầm cầu mong muôn sự may mắn, bình yên đến với người mẹ già đã ngoài 70 vẫn còn oằn lưng gánh nỗi lo vì con cháu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm